"Tôi nghĩ Biden sẽ có cách tiếp cận khác với Tổng thống Trump. Ông ấy có thể sẽ chú ý nhiều hơn tới Biển Đông, nhưng các chính sách của ông ấy sẽ cân bằng và kiềm chế hơn", Wu Shicun - người đứng đầu Viện Quốc gia Trung Quốc về Biển Đông cho biết.
Wu cho rằng một trong những thay đổi dưới thời chính quyền mới là việc giảm số lượng các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) mà Mỹ tiến hành ở Biển Đông.
Tần suất các hoạt động này tăng đáng kể dưới thời Tổng thống Trump so với người tiền nhiệm Barack Obama.
Chính quyền Biden được dự đoán sẽ có cách tiếp cận kiềm chế hơn với vấn đề Biển Đông. (Ảnh: Reuters)
Theo thống kê, hải quân Mỹ triển khai 8 chiến dịch FONOP, tương tự năm 2019. Con số này trong năm 2018 là 6, 2017 là 4 và 2016 là 3.
Mỹ khẳng định hoạt động tự do hàng hải là cần thiết để duy trì sự cân bằng trong khu vực, nhưng Bắc Kinh lên án và coi đây là hành động khiêu khích.
Hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông là một trong những lý do khiến quan hệ Mỹ-Trung gia tăng căng thẳng thời gian qua.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp tới từ Viện ISEAS - Yusof Ishak tin rằng các nhân sự mà ông Biden chọn để bổ nhiệm vào Lầu Năm Góc thời gian tới sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh ở Biển Đông. Nhưng dù họ là ai, căng thẳng khó có thể biến mất.
Một trong những ứng viên tiềm năng cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là Michele Flournoy, người từng là Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách về chính sách Mỹ dưới thời ông Obama. Bà Flournoy được biết đến là người ủng hộ chính sách cứng rắn với Trung Quốc.
"Biển Đông đã trở thành một chiến trường quan trọng cho cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, nơi Mỹ có thể huy động các nước trong khu vực chống lại Bắc Kinh, sử dụng các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ quá mức của Trung Quốc như lời kêu gọi tập hợp", ông Hiệp nói.
Theo Tiến sỹ Hiệp, dưới thời Biden, Mỹ và các đồng minh nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì hoặc thậm chí gia tăng can dự của họ ở Biển Đông. Washington cũng có thể sẽ hỗ trợ các nước trong khu vực chống lại một số yêu cầu của Bắc Kinh về việc không để các nước ngoài khu vực thực hiện các cuộc tập trận hoặc triển khai các hoạt động kinh tế ở Biển Đông.
Cũng theo ông Hiệp, Bắc Kinh đang muốn thúc đẩy việc hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vốn đang bị trì hoãn bởi dịch COVID-19.
Ngoài ra, ông Wu cho rằng một số diễn biến chính trị ở Đông Nam Á thời gian tới cũng như loạt tuyên bố bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh sẽ làm phức tạp thêm quá trình đàm phán COC.
"Bất chấp những trở ngại đó, Bắc Kinh vẫn muốn hoàn thiện COC. Sự đối đầu Mỹ-Trung có thể khuyến khích Trung Quốc đẩy nhanh các cuộc đàm phán", ông Hiệp nhận định.