Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chiến lược A2/AD đẩy tàu sân bay Nimitz của Mỹ đến diệt vong?

(VTC News) -

Là biểu tượng sức mạnh của Mỹ trên toàn cầu, tuy nhiên những chiếc tàu sân bay này ngày càng phải đối mặt với những mối đe dọa đến từ các đối thủ.

Tàu sân bay lớp Nimitz vẫn được xem là một kỳ quan về công nghệ quân sự thế giới, tuy nhiên khả năng của nó ngày càng bị thách thức bởi các mối đe dọa hiện đại. Khi hải quân Mỹ chuyển sang đóng tàu sân bay lớp Gerald R. Ford mới, có những lo ngại rằng lớp Nimitz đắt tiền này có thể sẽ trở nên lỗi thời, nhất là trong kỷ nguyên thống trị của các hệ thống A2/AD. 

Hạm đội tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Nimitz của Hải quân Mỹ lần đầu tiên được triển khai vào năm 1972 và là biểu tượng cho quyền lực tối cao của Hải quân Mỹ trong suốt nhiều thập kỉ qua.

Tàu sân bay lớp Nimitz.

Thách thức từ chiến lược A2/AD

Hệ thống chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập (A2/AD) là một chiến lược biển, được xây dựng nhằm ngăn không cho lực lượng hải quân đối phương tự do di chuyển trong một không gian chiến đấu.

Hiện nay, Mỹ có mười một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, mười chiếc trong số đó thuộc lớp Nimitz. Sự ra đời của các hệ thống chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD), sẽ làm hạn chế khả năng tự do hoạt động mà các tàu sân bay đã được hưởng trong suốt thời gian qua. 

Tàu sân bay lớp Nimitz được thiết kế để có thể hoạt động trong khoảng 50 năm, với một lần tiếp nhiên liệu giữa vòng đời. Những tàu chiến này được thiết kế trong thời kỳ căng thẳng của Chiến tranh Lạnh, với mục đích là để giành và duy trì ưu thế trước Hải quân Liên Xô. 

Biểu tượng quyền lực của Mỹ

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, thời kỳ hoàng kim thực sự của tàu sân bay lớp Nimitz là từ sau sự sụp đổ của Liên Xô và sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh. Những hệ thống này được xem là mạnh nhất khi Mỹ giữ vị trí bá chủ toàn cầu, trong một hệ thống thế giới đơn cực. 

Những chiếc tàu sân bay này được ví như những căn cứ không quân nổi, chúng có thể triển khai ở bất cứ đâu trên thế giới và những “con quái vật này” đã thống trị các vùng biển xanh thẳm, áp đặt ý chí của Mỹ lên các quốc gia khác trong nhiều thập kỷ. Ngoài ra, tàu sân bay lớp Nimitz cũng tham gia các hoạt động cứu trợ nhân đạo và các sứ mệnh nhân đạo có tác dụng nhắc nhở mọi người trên khắp thế giới về sức mạnh và sự hiện diện của nước Mỹ. 

Tàu sân bay lớp Nimitz

Tàu sân bay lớp Nimitz được sản xuất bởi công ty đóng tàu quân sự Huntington Ingalls Industries. Tàu được trang bị hai lò phản ứng hạt nhân Westinghouse A4W. Có khoảng 3.200 nhân viên vận hành tàu sân bay, ngoài ra còn có hơn 2.000 nhân viên thuộc phi đội không quân chiến đấu. Tàu  sân bay lớp Nimitz có tải trọng tối đa là 100.000 tấn.  

Con tàu khổng lồ này có thể di chuyển với tốc độ hơn 30 hải lý/giờ (khoảng 50 km/giờ). Tàu sân bay lớp Nimitz sở hữu một kho vũ khí đa dạng, bao gồm tên lửa đất đối không RIM-7 Sea Sparrow hoặc tên lửa RIM-162 được phóng từ các bệ phóng tên lửa Mk.29. Tàu còn được trang bị hệ thống phóng tên lửa Mk.49 có thể triển khai 21 tên lửa RIM-116 và một hệ thống vũ khí phòng thủ tầm gần Phalanx (CIWS).

Tuy nhiên, khả năng tấn công thực sự của Nimitz nằm ở phi đội không quân với khoảng 60 máy bay chiến đấu. Nhưng trong kỷ nguyên A2/AD ngày nay, các chuyên gia thực sự lo ngại rằng, các tàu sân bay lớp Nimitz sẽ phải hoạt động ngoài phạm vi bao phủ của các hệ thống A2/AD. 

Do đó, phi đội không quân chiến đấu trên tàu sân bay cũng không thể triển khai vào các khu vực tranh chấp. Tất nhiên, những chiếc máy bay chiến đấu này luôn có thể tiếp nhiên liệu trên không. Nhưng vấn đề quan trọng là, nếu phải đối đầu với mạng lưới A2/AD toàn diện như của Trung Quốc, thì các máy bay tiếp nhiên liệu trên không cũng sẽ là mục tiêu dễ dàng. 

Ngoài vũ khí, tàu sân bay Nimitz còn có các hệ thống khác giúp tăng cường khả năng chiến đấu đó là các cảm biến tuyệt vời, chẳng hạn như radar tìm kiếm trên không 3D mảng quét điện tử AN/SPS-48E, radar tìm kiếm trên không 2D tầm xa AN/SPS-49, radar thu thập mục tiêu AN/SPQ-9, hệ thống tiếp cận và hạ cánh chính xác AN/SPN-46, cũng như nhiều hệ thống bảo đảm khác được thiết kế để hỗ trợ các hoạt động trên không cho tàu sân bay.

Ngoài ra, tàu sân bay còn được trang bị các bộ tác chiến điện tử cùng với mồi bẫy ngư lôi, nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công bằng ngư lôi của đối phương.

Tên lửa RIM-7 Sea Sparrow trên tàu sân bay.

Tương lai của tàu sân bay lớp Nimitz 

Kích thước, tốc độ và phạm vi hoạt động của  tàu sân bay lớp Nimitz thật ấn tượng. Trong bối cảnh hiện tại, những tàu sân bay này vẫn sẽ tiếp tục là vũ khí thống trị trên biển cả và thể hiện sức mạnh của nước Mỹ. 

Mỹ đã đầu tư dài hạn vào các tàu sân bay này và đã thu được nhiều lợi nhuận từ khoản đầu tư đó. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích đã cảnh báo rằng, khi thế giới chuyển sang kỷ nguyên A2/AD, Hải quân Mỹ cũng phải tìm cách phát triển các hệ thống có liên quan hơn đến kỷ nguyên chiến lược mới này. 

Nhưng thay vì tập trung vào việc xây dựng các công nghệ có liên quan cho tương lai, hải quân Mỹ đã đưa quyết định liều lĩnh khi đóng các tàu sân bay lớp Gerald R. Ford mới, được cho là sẽ dần thay thế tàu sân bay lớp Nimitz đang già cỗi. Đây lại là một ví dụ tuyệt vời về việc Washington không hiểu được thực tế toàn cầu đang phải đối mặt ngày nay.

Giống như những chiếc thiết giáp hạm trong Thế chiến 2, tàu sân bay về cơ bản là vô dụng trong thời đại A2/AD ngày nay. Và các chuyên gia dự đoán rằng, khi  lớp Nimitz chính thức nghỉ hưu, thì đó cũng sẽ là hồi kết của tàu sân bay.

Lê Hưng (Nguồn: National Interest)

Tin mới