Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chiến đấu cơ tàng hình thứ hai của Trung Quốc gây chú ý

(VTC News) -

Với những tính năng hiện đại không thua kém F-35, F-22 hay Su-35, trong khi giá thành lại rẻ, FC-31 đang gây được ấn tượng mạnh cho nhiều khách hàng quân sự.

Tập đoàn máy bay Thẩm Dương (SAC) của Trung Quốc đã phát hành một video giới thiệu máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm mới nhất của họ, J-31B.  Ban đầu được gọi là FC-31 để xuất khẩu, máy bay chiến đấu tàng hình cỡ trung này được biết đến với tên gọi J-31 hoặc J-35 trên phương tiện truyền thông Trung Quốc.

Trong thời gian qua, chiếc máy bay phản lực này đã thu hút được nhiều sự chú ý, đặc biệt là vì tiềm năng của nó trên tàu sân bay. So với phiên bản FC-31 ban đầu được giới thiệu cách đây một thập kỷ, J-31B trông lớn hơn và tiên tiến hơn. 

Đoạn video giới thiệu cho thấy chiếc J-31B có thể cạnh tranh với các máy bay chiến đấu hạng nặng về khả năng mang tải, thiết kế của máy bay cũng rất đẹp mắt.

Đáng chú ý, khoang vũ khí bên hông của J-31B có thể mang ít nhất 2 tên lửa, trong khi F-22 Raptor của Mỹ và J-20 của Trung Quốc chỉ có thể mang một tên lửa mỗi bên. Ngoài ra, J-31B có khoang vũ khí chính giống như J-20, có thể chứa ít nhất 4 tên lửa không đối không tầm trung PL-12. 

Chiến đấu cơ J-31B của Trung Quốc.

Vai trò của J-31B

Theo báo South China Morning Post, các chuyên gia Trung Quốc lưu ý rằng, việc chuyển từ FC-31 sang J-31 cho thấy chiếc máy bay này đã sẵn sàng cho các hoạt động quân sự.

Bất chấp những tiến bộ này, vẫn còn nhiều câu hỏi về vai trò và mục đích sử dụng chính xác của J-31B. Fu Qianshao, một nhà phân tích quân sự đến từ Bắc Kinh và là chuyên gia về thiết bị của Không quân PLA cho rằng, J-311B chỉ là một phiên bản khác của J-31. 

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa biết chính xác biến thể B này được thiết kế cho tàu sân bay, thực hiện các nhiệm vụ trên bộ hay dành cho xuất khẩu.

Một chuyên gia khác tin rằng, J-31B có nhiều khả năng sẽ được biên chế cho không quân hơn là hải quân. Bởi thông qua những đoạn video giới thiệu, có thể thấy bộ bánh đáp phía trước của chiếc máy bay này chỉ có một bánh xe, đây là điểm đặc trưng của các loại máy bay hoạt động trên bộ.

Việc Trung Quốc chính thức ra mắt J-31B cho thấy quốc gia này đã đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực hàng không quân sự, đáng chú ý là sự phát triển của công nghệ máy bay chiến đấu tàng hình.

Chiếc FC-31/J-35 mang số hiệu 35003.

Khả năng tàng hình

Ban đầu FC-31 được thiết kế với vai trò là một máy bay chiến đấu tàng hình cho quân đội Trung Quốc và để xuất khẩu cho các quốc gia khác, chiếc máy bay này đã trải qua nhiều thay đổi kể từ chuyến bay đầu tiên vào năm 2012.

FC-31 được giới thiệu lần đầu tại Triển lãm hàng không Chu Hải năm 2014 và khi đó, chiếc máy bay này thường được so sánh với F-35 Lightning II của Lockheed Martin, vì các tính năng tiên tiến được trang bị.

Thời gian gần đây, FC-31 đang thu hút được nhiều sự chú ý từ giới chuyên gia quân sự vì khả năng triển khai trên tàu sân bay. Nhiều người tin rằng, các phiên bản khác nhau của FC-31 có thể được sử dụng trên những chiếc tàu sân bay mới nhất và tiên tiến nhất của hải quân Trung Quốc. 

Các cuộc thử nghiệm gần đây của một mẫu FC-31 trên tàu sân bay Liêu Ninh với sàn đáp kiểu “nhảy cầu”, cho thấy chiếc máy bay này cũng có thể được điều chỉnh để triển khai trên các tàu sân bay cũ hơn của Trung Quốc.

Hiện Bắc Kinh cũng nghiên cứu phiên bản FC-31 cho các nhiệm vụ trên đất liền. Các bức ảnh về mẫu mới cho thấy có nhiều thay đổi về thiết kế so với phiên bản trên tàu sân bay.

Một chiếc FC-31 được giới thiệu tại triển lãm hàng không.

Nỗ lực quảng bá FC-31

Trung Quốc đã rất nỗ lực để giới thiệu FC-31 trên phạm vi quốc tế. Vào tháng 1/2024, Thống chế Không quân Pakistan, Zaheer Ahmed Baber Sidhu đã công bố kế hoạch mua FC-31 nhằm nâng cấp lực lượng không quân của quốc gia. Thỏa thuận này được truyền thông Trung Quốc quảng bá là một quan hệ đối tác thành công, có thể giúp máy bay Trung Quốc thâm nhập thị trường quốc tế. 

Đầu năm nay, Trung Quốc đã trưng bày một mô hình máy bay phản lực FC-31 tại Triển lãm Quốc phòng Thế giới ở Ả Rập Xê-út. Một quan chức Trung Quốc tại sự kiện này cho biết, FC-31 vẫn chưa phải là một phần của không quân nhưng sẽ sớm được biên chế trong thời gian tới.

Việc đưa J-31 vào sử dụng sẽ giúp Trung Quốc trở thành quốc gia thứ hai, sau Mỹ, sở hữu hai loại máy bay chiến đấu tàng hình. J-31B sẽ là sự bổ sung cần thiết cho hải quân Trung Quốc, cùng với J-20 và J-15 tạo thành lực lượng tấn công chính trên các tàu sân bay. Sự tham gia của Trung Quốc tại triển lãm quốc phòng Ả Rập Xê-út cũng cho thấy nỗ lực tiếp thị hướng đến các quốc gia Trung Đông, trong đó UAE xuất hiện như một khách hàng tiềm năng trong tương lai. 

Điều này diễn ra sau một thỏa thuận bị đình trệ trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump. Khi đó, UAE đã đồng ý mua 50 máy bay F-35 từ Mỹ để đổi lấy việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel. Tuy nhiên, thỏa thuận đã bị tạm dừng sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào năm 2021. Ông lo ngại về mối quan hệ của UAE với Trung Quốc và khả năng công nghệ trên F-35 có thể bị rò rỉ.

Vì vậy, việc phô trương J-31B là một bước quan trọng trong việc khẳng định khả năng của chiếc máy bay chiến đấu tàng hình mới của Trung Quốc. Sự quan tâm ngày càng tăng trên toàn cầu đối với FC-31, cho thấy những tiến bộ của Bắc Kinh trong việc tăng cường sức mạnh quân sự và tiềm năng xuất khẩu của chiếc máy bay này.

Lê Hưng (Nguồn: Bulgarian Military)

Tin mới