Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chỉ 2% doanh nghiệp ở TP.HCM tin tưởng cầm cự được đến cuối năm

(VTC News) -

Theo kết quả khảo sát của HUBA, chỉ 2% doanh nghiệp tại TP.HCM tin tưởng có thể cầm cự được đến cuối năm, trong khi đó 19% tiên liệu sẽ phá sản trong quý II.

Chỉ 2% doanh nghiệp tin tưởng cầm cự được đến cuối năm

Sáng 5/5, tại Toạ đàm trực tuyến "Khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM" do UBND TP.HCM tổ chức, ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, trước tác động của dịch COVID-19, chỉ 2% doanh nghiệp tin tưởng cầm cự được đến cuối năm.

Theo ông Dũng, các ngành du lịch, dịch vụ, lưu trú, vận tải, trung tâm thương mại, y tế, giáo dục,… phải tạm ngừng hoạt động để chống dịch. Các doanh nghiệp cơ khí, điện, cao su, nhựa, công nghiệp hỗ trợ, đồ gỗ, dệt may, da giày,… không phân biệt quy mô lớn, vừa, nhỏ, siêu nhỏ đều đã cạn kiệt các nguồn lực kinh doanh, thiếu nguyên liệu đầu vào sản xuất, xuất khẩu bị đình trệ.

Việc này làm giảm đơn hàng, chậm thanh toán, dòng tiền kinh doanh bị bẻ gãy, nguy cơ mất tính thanh khoản cao.

Ông Dũng cũng dự báo, sang quý II, tình hình suy giảm sẽ nghiêm trọng hơn, nguy cơ số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, phá sản tăng cao.

Theo kết quả khảo sát của HUBA, chỉ 2% doanh nghiệp tại TP.HCM tin tưởng có thể cầm cự được đến cuối năm, trong khi đó 19% tiên liệu sẽ phá sản trong quý II. (Hình minh hoạ)

"Kết quả khảo sát của chúng tôi đối với các doanh nghiệp hội viên cho thấy, 21% doanh nghiệp tiếp tục cầm cự được đến hết tháng 5, 12% doanh nghiệp tiếp tục duy trì đến hết tháng 6, 12% doanh nghiệp có khả năng duy trì đến hết tháng 9.

Đáng nói, chỉ có 2% doanh nghiệp tin tưởng có thể cầm cự được đến cuối năm, 19% doanh nghiệp tiên liệu sẽ phá sản trong quý II", ông Dũng thông tin.

61% doanh nghiệp than khó tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ

Đối với các gói hỗ trợ của Chính phủ, hơn 50% doanh nghiệp đã tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của nhà nước như gia hạn nộp thuế, gia hạn nộp tiền thuê đất, cơ cấu lại nợ, giãn nợ, hạ lãi suất cho vay, tạm dừng đóng BHXH, phí Công đoàn hay chính sách trợ cấp đối với người lao động,...

Song, có đến 61% doanh nghiệp cho rằng việc tiếp cận các chính sách chưa được thuận lợi.

Thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) thành phố 3 tháng đầu năm chỉ tăng 0,42% so với cùng kỳ, đạt 335.682 tỷ đồng, thu ngân sách 88.241 tỷ đồng, đạt 21,7% dự toán và giảm 8,63%.

Mức tăng trưởng của các khu vực, ngành kinh tế đều thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm 2019. Một số ngành tăng trưởng cao trước đây đang giảm mạnh hoặc rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng.

"Mức độ thiệt hại tùy theo mỗi ngành nghề có khác nhau, doanh nghiệp một số lĩnh vực đã nhanh nhạy thích ứng với tình hình, biến thách thức thành cơ hội. Tuy nhiên, số doanh nghiệp này chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ.

Hiệp hội luôn cùng cả nước nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng. Dù phải thực hiện cách ly xã hội, nhưng chúng tôi vẫn theo dõi sát tình hình các doanh nghiệp, khảo sát bằng họp online, đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn", ông Dũng nói.

Để nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế, các doanh nghiêp cho rằng, ngoài những chính sách hỗ trợ chung của nhà nước, doanh nghiệp rất cần chính quyền thành phố đồng hành để ổn định thị trường, tái cấu trúc thị trường, tiếp cận thị trường mới, mở rộng thị trường nội địa, chuẩn bị sẵn sàng cho xuất khẩu vào các thị trường ngoại khi các nước nới lỏng cách ly xã hội.

Hỗ trợ doanh nghiệp hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng, liên kết nội địa, chú trọng chuẩn bị cơ sở hạ tầng giúp đẩy nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng cũng như chuẩn bị đón làn sóng chuyển dịch đầu tư từ nước khác sang Việt Nam do dịch COVID-19.

Đồng thời, gia tăng nghiên cứu hoàn thiện môi trường pháp lý để hỗ trợ và khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng và chuyển đổi mạnh sang môi trường số hóa; có chính sách phát triển mạnh ngành thương mại điện tử và giao nhận, logistics cho phù hợp với tình hình mới.

Video: Lớp học dãn cách tại TP.HCM gặp nhiều trở ngại 

Thy Huệ

Tin mới