Mỹ mới đây tỏ ý lo ngại về các báo cáo rằng Trung Quốc đã thực hiện hai cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh vào tháng 7 và tháng 8. Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ và nói rằng đây là "các chuyến bay thử nghiệm định kỳ" nhằm tái chế tàu vũ trụ và giảm chi phí thăm dò.
Tướng Mỹ Mark Milley nhận định, các cuộc thử nghiệm là “rất đáng quan tâm” và giống như một “khoảnh khắc Sputnik” (sự kiện vệ tinh tiên phong năm 1957 đưa Liên Xô dẫn đầu cuộc chạy đua không gian và gây sốc cho Mỹ).
(Ảnh minh họa)
Cuộc đua vũ khí siêu thanh
Gregory Hayes, Giám đốc điều hành nhà thầu quốc phòng Raytheon, bình luận rằng chính phủ Mỹ đã "đi sau" nhiều năm so với Trung Quốc trong việc phát triển công nghệ này.
Trung Quốc thử nghiệm tên lửa siêu thanh đầu tiên năm 2014, trong khi Nga tham gia cuộc đua vào năm 2016 với hai vụ thử nghiệm phương tiện lượn siêu thanh (HGV) có tên Avangard.
Từ đó, Bắc Kinh thực hiện một số vụ thử thành công với DF-17, tên lửa đạn đạo tầm trung được thiết kế để phóng các phương tiện lượn siêu thanh.
Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, nước này đã tích cực phát triển vũ khí siêu thanh từ đầu những năm 2000, mặc dù kinh phí tương đối hạn chế.
Tuy nhiên, cả Lầu Năm Góc và Quốc hội Mỹ đều tỏ ra ngày càng quan tâm đến việc phát triển và triển khai trong thời gian ngắn các hệ thống siêu thanh, một phần là do những tiến bộ trong công nghệ của Nga và Trung Quốc.
Yêu cầu ngân sách mới nhất của Lầu Năm Góc dành cho nghiên cứu siêu thanh là 3,8 tỷ USD, so với 3,2 tỷ USD của năm ngoái.
Zhao Tong, thành viên cấp cao trong chương trình chính sách hạt nhân của Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết cuộc chạy đua vũ trang siêu thanh đã bắt đầu: “Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào công nghệ của mình, Mỹ nghi ngờ ý định của Trung Quốc và cảm thấy bị đe dọa… Điều đó cũng có thể kích thích Mỹ tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa”.
Tướng quân đội Mỹ Mark Milley.
Nhiều rủi ro
Chuyên gia cho rằng, rủi ro về một cuộc chạy đua vũ trang như vậy rất lớn: "Vì vũ khí siêu thanh tạo ra nhiều sự không chắc chắn và mơ hồ về công nghệ so với tên lửa đạn đạo truyền thống. Điều này sẽ làm tăng khả năng đánh giá sai và phản ứng quá mức trong các cuộc xung đột quân sự”.
Zhao cho biết có báo cáo cho rằng Trung Quốc thử nghiệm vũ khí siêu thanh có khả năng hạt nhân, và khoảng 250 hầm chứa tên lửa hạt nhân dưới lòng đất đang được xây dựng, tất cả làm dấy lên lo ngại ở Mỹ rằng Bắc Kinh đã đi chệch hướng khỏi chiến lược duy trì hạt nhân ở mức răn đe tối thiểu.
Theo báo cáo của Financial Times, nếu Trung Quốc phóng tên lửa siêu thanh có khả năng hạt nhân với hệ thống bắn phá quỹ đạo phân đoạn, điều đó có nghĩa là Bắc Kinh đang thực hiện sáng kiến nhằm xuyên thủng các hệ thống phòng thủ của Mỹ.
Sự phát triển vũ khí siêu thanh là thách thức đối với công nghệ phòng thủ tên lửa hiện hữu vì chúng có tốc độ lớn, di chuyển được ở độ cao thấp hơn so với tên lửa đạn đạo thông thường.
“Chúng ta sẽ có vũ khí để thách thức đối thủ nhưng quan trọng nhất, trọng tâm của chúng ta là làm thế nào để phát triển các sản phẩm phản siêu thanh (chống lại vũ khí siêu thanh). Đó sẽ là thử thách”, giám đốc Raytheon, Hayes, nói.
Christopher Combs, chuyên gia tại Đại học Texas ở San Antonio, cho biết Mỹ đã tiếp cận vấn đề từ một góc độ khác với Trung Quốc và Nga.
Ông nói rằng tất cả các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đều siêu thanh, nói chung là nhanh hơn các hệ thống đẩy-lượn và phản lực tĩnh siêu thanh - hai loại vũ khí siêu thanh đang được các nước phát triển. Cả hai loại vũ khí này hiện Mỹ đều không sử dụng.
Các chính trị gia Mỹ đã chịu áp lực tăng chi tiêu cho phòng thủ tên lửa, hệ thống phát hiện phương tiện siêu thanh. “Vì vậy, tôi cho rằng bạn sẽ thấy nhiều dự án hơn nữa… ở phía Mỹ", ông Christopher Combs nói thêm.
Christopher Combs cũng cho rằng việc Trung Quốc và Nga gây áp lực bằng các cuộc thử nghiệm và trình diễn vũ khí của họ “chắc chắn có khả năng gây bất ổn”.