Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol cũng kêu gọi thành viên của Liên minh châu Âu (EU) mở rộng phạm vi các biện pháp nhằm chuẩn bị cho kịch bản Nga khóa van khí đốt hoàn toàn.
“Châu Âu nên sẵn sàng trong trường hợp khí đốt của Nga bị cắt hoàn toàn. Càng gần đến mùa đông, chúng ta càng hiểu rõ ý định của Moskva hơn”, ông Fatih Birol nói.
Châu Âu đang lên phương án cho trường hợp Nga khóa van khí đốt. (Ảnh: Getty)
Theo ông Fatih Birol, việc Gazprom cắt giảm 60% nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream vào tuần trước là "nhằm tránh việc châu Âu lấp đầy kho dự trữ và gia tăng các đòn bẩy của Nga trong những tháng mùa đông".
Giám đốc IEA cũng công khai cáo buộc Nga thao túng giá khí đốt kể từ năm ngoái, khi giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại.
Ông cho rằng những biện pháp khẩn cấp do các nước châu Âu thực hiện để giảm nhu cầu năng lượng có lẽ chưa đủ mạnh nếu xuất khẩu khí đốt của Nga ngừng hoàn toàn.
“Các biện pháp khẩn cấp được các nước châu Âu thực hiện trong tuần này để giảm nhu cầu khí đốt chỉ là 'tạm thời'", ông Fatih Biro nói, kêu gọi các nước nỗ lực đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng, đáp ứng nguồn cung cấp khí đốt cho mùa sưởi ấm sắp tới.
Đức, Áo, Italy và Hà Lan đã công bố kế hoạch đẩy mạnh sử dụng than để sản xuất điện, trong khi Thụy Điển và Đan Mạch cho biết họ cũng sẽ triển khai các biện pháp khẩn cấp để hạn chế việc sử dụng khí đốt tự nhiên.
Ông đề xuất chính phủ các nước châu Âu tính đến nhiều biện pháp ứng phó trong trường hợp này Nga khóa van khí đốt hoàn toàn, trong đó có tăng cường nỗ lực lấp đầy các cơ sở lưu trữ...
"Tôi tin rằng sẽ có nhiều biện pháp đòi hỏi sâu hơn nữa được thực hiện bởi các chính phủ các nước châu Âu khi mùa đông đến gần", ông Fatih Biro cho hay.
Ông lưu ý rằng việc phân phối khí đốt trong EU sẽ là một phương án, có thể giúp bù đắp hậu quả của việc thiếu khí đốt của Nga, đồng thời khuyến nghị EU "xem xét hoãn việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân một khi vẫn đảm bảo điều kiện an toàn”.