Hôm 20/6, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell, việc mua thực phẩm và phân bón của Nga không bị áp các lệnh trừng phạt.
“Các biện pháp trừng phạt của chúng tôi không nhằm vào thực phẩm, phân bón. Tất cả giao dịch thực phẩm và phân bón của Nga đều không gặp trở ngại nào...", ông Josep Borrell phát biểu với báo giới trước cuộc họp các ngoại trưởng EU.
Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell.
Cuộc họp giữa ngoại trưởng các nước thành viên EU được tổ chức để thảo luận về các giải pháp giải phóng ngũ cốc Ukraine bị mắc kẹt tại các cảng biển Đen trong bối cảnh xung đột quân sự đang diễn ra ở nước này.
Việc EU tung các biện pháp trừng phạt đối với hoạt động vận chuyển của Nga đã khiến cho ngũ cốc và phân bón của nước này không thể xuất khẩu ra toàn cầu. Điều này đã dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng gia tăng, với giá lúa mì tăng cao kỷ lục trong vòng 2 tháng qua.
WTO ước tính rằng khoảng từ 22 - 25 triệu tấn ngũ cốc đang được giữ tại các cảng của Ukraine.
Trong khi các quốc gia phương Tây cáo buộc Nga ngăn chặn các hoạt động xuất khẩu của Ukraine, Moskva nhiều lần tuyên bố mong muốn cung cấp lối đi an toàn cho các tàu chở đầy ngũ cốc qua biển Đen nhưng quân đội Ukraine đang ngăn cản điều này.
Theo người đứng đầu về chính sách an ninh và đối ngoại EU, hậu quả của cuộc khủng hoảng ở Ukraine “đang trở nên rất nguy hiểm không chỉ đối với Ukraine mà còn đối với toàn thế giới”.
“Tôi phải cảnh báo một lần nữa về nguy cơ xảy ra một nạn đói lớn trên thế giới, đặc biệt là ở châu Phi, và chính cuộc xung đột Nga - Ukraine đang tạo ra sự tăng giá, khiến khan hiếm năng lượng và lương thực. Chúng tôi đang hỗ trợ các nỗ lực của Liên hợp quốc để thúc đẩy xuất khẩu từ Ukraine", ông Josep Borrell cho hay.
EU đã bị chia rẽ về các bước đi nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Người dân châu Âu đang phải vật lộn với lạm phát, giá năng lượng và lương thực tăng vọt khi EU áp đặt các đòn trừng phạt mạnh tay đối với Nga.
Đến nay, EU tung 6 gói trừng phạt lên Nga. EU nhập khoảng 45% khí đốt, 25% dầu mỏ và 45% than từ Nga. Kinh tế châu Âu được dự báo đối mặt với khó khăn nếu không có nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga.