Tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X, chúng tôi bắt gặp Hoàng Hoa Trung – Trưởng nhóm tình nguyện Niềm Tin, chàng trai Hà Nội sinh năm 1990 được nhiều người biết đến với biệt danh Trung "nuôi em”, Trung "đồng nát”.
Làm tình nguyện từ năm 17 tuổi, sau hơn 10 năm, Hoàng Hoa Trung cùng nhóm tình nguyện đã thực hiện hàng loạt chương trình, dự án như “Thiệp nhân ái”, “Dự án Ánh sáng núi rừng”, “Dự án Nuôi em”, “Dự án Dũng sỹ bạt”, “Dự án Sức mạnh 2000”… giúp đỡ hàng chục nghìn trẻ em nghèo vùng cao.
Hoàng Hoa Trung được vinh danh Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu và Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019. Năm 2020, Trung tiếp tục được đề cử trở thành Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu về lĩnh vực hoạt động xã hội và được Forbes VietNam đưa vào danh sách ứng viên 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất Việt Nam (30 Under 30 năm 2020).
Hoàng Hoa Trung – Trưởng nhóm tình nguyện Niềm tin, đại biểu tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. (Ảnh: TTXVN)
Từng có ý định tự tử
Chia sẻ về căn nguyên đến với hoạt động thiện nguyện, Hoàng Hoa Trung cho biết, năm 17 tuổi anh gặp biến cố lớn trong cuộc đời, khiến anh suýt chọn cách tự tử. Nhưng rồi sau đó anh tìm được lý do để thay đổi cái nhìn về cuộc sống, giúp anh tìm ra lý do tồn tại của mình.
“Hồi nhỏ tôi học rất giỏi, nhưng lớn lên tôi phát hiện quanh mình có quá nhiều vấn đề. Năm tôi học cấp 3, bố tôi nghỉ hưu sớm nhưng vẫn phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống cũng như chi phí học hành cho tôi.
Nhưng càng học lên cao, tiền học thêm cho tôi càng đắt đỏ, vượt quá sức của gia đình nhưng không học thêm thì bị trù dập, rồi tôi trải qua và phát hiện ra nhiều điều tiêu cực trong giáo dục, khiến tôi từ bỏ ý định thi đại học và cũng mất niềm tin vào cuộc sống.
Hồi đó tôi bị ốm, không làm được gì mà chỉ nằm suy nghĩ những điều tiêu cực và đã có lúc nghĩ đến chuyện tử tự.
Nhưng cũng chính lúc đó, tôi nhìn thấy những em nhỏ khuyết tật, phát hiện ra trên đời vấn còn rất nhiều người kém may mắn, thiệt thòi hơn mình rất nhiều. Tôi nhận ra mình muốn giúp và có thể giúp đỡ họ.
Chính điều đó giúp tôi vượt qua thời gian khó khăn và tìm được lý do mình sống, lý do mình tồn tại, đó là giúp đỡ người khác”, Trung chia sẻ.
Chương trình đầu tiên mà Hoàng Hoa Trung làm để giúp đỡ các trẻ em ở các trung tâm ở Hà Nội mang tên “Đông ấm”. Và từ năm 2008 đến năm 2009, nhóm của Trung bắt đầu làm những dự án liên quan đến người khuyết tật và trại trẻ mồ côi.
“Làm tình nguyện hồi đó rất đơn giản, chúng tôi làm chương trình từ những vật dụng đơn giản hoặc ít tiền, cộng thêm chút bánh kẹo là có thể tạo những hoạt động vui vẻ cho các em”, Trung kể lại.
Hoàng Hoa Trung và nhóm của mình cũng hướng dẫn các em nhỏ khuyết tật, các em ở trại trẻ mồ côi làm những tấm thiệm handmade, giúp mang những tấm thiệp đó đi bán để lấy tiền hỗ trợ các em. Đến năm 2013, chương trình “Thiệp nhân ái” của Trung và nhóm bạn bán được số tiền 250 triệu đồng giúp đỡ các em nhỏ.
Sau “Thiệp nhân ái”, nhóm của Trung thực hiện các dự án xây trường cho trẻ em ở những vùng khó khăn, thiếu thốn. Thời điểm ban đầu, việc huy động nguồn vốn để xây trường gặp nhiều khó khăn.
“Hồi đó sinh viên 21, 22 tuổi phải đi gây quỹ hàng trăm triệu đồng, mà từ cách đây 10 năm thì đó là số tiền rất lớn nên chúng tôi phải tìm nhiều cách", Trung nói.
Nhóm của Trung ban đầu phải đi từ việc nhặt nhạnh những sản phẩm gốm bỏ đi từ bãi rác gốm hoặc xin những sản phẩm lỗi ở làng gốm Bát Tràng, bán lấy tiền gây quỹ và vận động tài trợ ở nhiều nơi.
Cứ như vậy, mỗi ngày Trung "đồng nát" và nhóm thiện nguyện Niềm Tin giúp thêm một chút. Trải qua hơn 10 năm hoạt động thiện nguyện, nhóm của Trung có rất nhiều dự án, đem đến hàng chục nghìn bữa ăn, xây dựng hàm trăm điểm trường cho trẻ em khó khăn vùng cao.
Hoàng Hoa Trung trong một chuyến thiện nguyện vùng cao.
Dự án gần đây đây nhất mà nhóm của Trung thực hiện đó là xây dựng trường nội trú, nhà ở nội trú có các em nhỏ ở Tây Nguyên.
“Trong lúc khảo sát địa điểm này, chúng tôi bất ngờ khi có những em nhỏ gần 10 tuổi ở Tây Nguyên nhưng có bố mẹ chỉ 22 -23 tuổi.
Có những em nhỏ 12 – 13 tuổi đã sinh con rồi vì các em phải bỏ học từ lớp 6, lớp 7. Các em thiếu trường nội trú, thiếu nhà nội trú để ở và được đi học, nên tôi thấy nhiệm vụ mới của mình là xây dựng những ngôi trường nội trú ở Tây Nguyên”, Trung chia sẻ.
Trưởng nhóm tình nguyện Niềm Tin nói việc thiện nguyện khiến anh luôn cảm thấy rất vui vẻ và không tìm được lý do để dừng lại.
“Tôi vẫn song song đi làm kiếm tiền nhưng vẫn giúp đỡ mọi người và còn được đi lại khắp nơi”, Trung nói.
Chia sẻ về những thay đổi ở thời điểm bắt đầu làm tình nguyện cách đây hơn 10 năm so với hiện tại, Hoàng Hoa Trung cho biết, trước đây đi gây quỹ ở từng điểm trường, kiếm từng nghìn đồng để tích lại thành vài trăm triệu, nhưng bây giờ rất khác là nhóm không đi từng nơi vận động nữa mà có thể chỉ cần ngồi một nơi để lo vận hành dòng tiền.
“Ngày xưa chúng tôi đi kiếm tiền rất vất vả còn bây giờ thì vất vả là khi đi hoàn thiện quy trình để làm sao sử dụng đồng tiền được nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Ví dụ bây giờ chúng tôi phải đi khảo sát nhiều hơn, làm những thứ liên quan đến thủ tục giấy tờ chuẩn chỉ hơn để cộng đồng nhìn vào thấy yên tâm và hỗ trợ.
Trước đây cả năm chỉ gây quỹ được vài trăm triệu nhưng hiện nay con số có lúc lên đến 70 tỷ đồng một năm, vì vậy phải vận hành dự án, vận hành dòng tiền một cách chuẩn nhất.
Ngoài ra có khó khăn liên quan đến công việc nhiều hơn, số lượng người theo dự án nhiều hơn và chúng tôi cũng phải tìm nguồn để chi trả cho các bạn tham gia chương trình hàng tháng vì các bạn ấy đã đến tuổi đi làm và cần có tiền để trụ lại”, Trung chia sẻ.
Tình nguyện cả đời
Kể về những mong muốn, dự định lớn nhất của mình trong thời gian sắp tới, Trung cho biết: “Trong vòng 2 đến 3 năm nữa, chúng tôi sẽ gây quỹ từ “Sức mạnh 2000”, sẽ có 2 triệu người tham gia và có thể gây quỹ mỗi năm hơn 1 nghìn tỷ đồng để xây hết các điểm trường ở Việt Nam".
"Chúng tôi tính ở Việt Nam còn khoảng 2.000 đến 3.000 điểm trường cần xây nữa, đó là mục tiêu gần nhất”, Trung nói và cho biết ngoài xây dựng các điểm trường, nhóm của Trung cũng sẽ nuôi cơm tất cả các em nhỏ cần được nuôi để đi học đầy đủ.
“Tôi nghĩ đây không phải là tham vọng lớn vì hiện mỗi năm tốc độ xây trường của chúng tôi năm sau có thể gấp vài lần năm trước.
Sắp tới, chúng tôi sẽ liên kết tất cả các đội nhóm xây trường ở Việt Nam với nhau làm thành một liên minh để cộng động đóng góp dễ hơn.
Đồng thời, chương trình “Sức mạnh 2000” sắp tới có thể được các KOL (người có ảnh hưởng) hạng A chia sẻ và cùng với một số giải thưởng của tôi, chương trình sẽ lan toả, và chuyện thu hút 1 đến 2 triệu người tham gia có thể làm được, không đến mức viển vông”, Trung chia sẻ.
Trưởng nhóm tình nguyện Niềm Tin khẳng định chương trình của mình và nhóm có lộ trình, có nền móng và khả thi trong một vài năm tới.
Hoàng Hoa Trung và nhóm tình nguyện Niềm Tin trình bày một số dự án. (Ảnh: TTXVN)
“Tình nguyện đối với tôi như một sở thích, như người ta thích câu cá, đá bóng. Tình nguyện giúp tôi vừa có thể giúp đỡ được người khác lại có thể được đi lại nhiều nơi, học hỏi nhiều thứ.
Đó là những điều giúp tôi theo đuổi tình nguyện lâu dài và cảm giác nó luôn tươi mới, chứ không cũ.
Khi gặp những em nhỏ vùng cao, những người khó khăn và cảm thấy có quá nhiều thứ để có thể cải thiện thì mình cứ theo đuổi thôi.
Tôi xác định từ lâu là tôi làm tình nguyện cả đời vì đây là niềm vui, niềm đam mê không có lý do để bỏ. Bản thân tôi không quá quan trọng sự nghiệp, không quan trọng chuyện kiếm tiền nhiều”, Trung bày tỏ.
Hoàng Hoa Trung mong muốn bản thân có thể tạo ra được những mô hình thiện nguyện, xây dựng mô hình chung để mọi người có thể làm theo và bất cứ ai, ở nơi đâu cũng có thể giúp đỡ được những người khó khăn.