Có cả trăm cầu thủ nước ngoài xuất hiện trên sân tập của các đội V-League mỗi mùa thử việc, nhưng chỉ có số ít được ký hợp đồng. Số đông rớt lại, có người quay về quê nhà, có người tiếp tục chuyến phiêu lưu sang nước khác và cũng có không ít trường hợp chọn ở lại chờ cơ hội hoặc kiếm sống bằng cách khác.
Tây ba lô vỡ mộng V-League
“Đến đây tôi mới nhận ra là để trở thành cầu thủ V-League chẳng dễ dàng gì”, Racheen Bello, sinh năm 1997, tâm sự.
Anh chàng có khuôn mặt giống Mario Balotelli sang Việt Nam để tìm kiếm cơ hội ở V-League. Nhưng sau ba năm, tên tuổi của anh chỉ được biết đến trong cộng đồng bóng đá phong trào và công việc chính là dạy bóng đá cho trẻ em.
Racheen Bello làm huấn luyện viên bóng đá cho trẻ em sau khi không tìm được cơ hội chơi bóng ở V-League.
Bello kể: “Tôi không quen ai, chỉ lang thang ở các sân bóng mà họ gọi là đá phủi. Thế rồi có người xem thấy tôi chơi được, kết nối tới đội Nam Định”.
Màn thử việc của anh ở đội bóng thành Nam kết thúc sau vài buổi tập, một trận giao hữu và không có thêm gì cả. Bello chưa từng xuất hiện ở V-League.
“Tôi đã nghĩ là thôi không thử việc ở V-League nữa. Định sang Campuchia tìm cơ hội, nhưng tôi lo là ở đó cũng vậy thôi”, Bello chia sẻ. Anh quyết định ở lại và thử tìm một công việc khác.
Từ một lần đi làm người mẫu chụp ảnh cho một cửa hàng thời trang, Bello được kết nối đến Phạm Trường Minh, từng làm phiên dịch ở đội tuyển Việt Nam và đang quản lý một trung tâm bóng đá trẻ em.
Bello và Phạm Trường Minh, người từng làm việc ở đội tuyển Việt Nam trong vai trò phiên dịch.
“Tôi chủ động mời cậu ấy về trung tâm thử việc huấn luyện viên, sau đó ký hợp đồng chính thức luôn”, anh Phạm Trường Minh cho biết.
“Bello làm tốt và chuyên nghiệp. Học sinh, phụ huynh rất thích. Tôi đã từng nhận năm HLV châu Phi, nhưng chỉ giữ hai người và Bello là người duy nhất được phân công nhiều ca dạy trong tuần”.
Bello có công việc mới, dù nó không giống với những gì anh nghĩ trong đầu khi đến Việt Nam. Anh thuê trọ ở Hà Nội và chỉ có một bất tiện duy nhất là cứ ba tháng một lần phải ra sân bay xuất cảnh rồi lại nhập cảnh, cho tới khi làm xong thủ tục thị thực dài hạn.
Cuộc sống mới từ sân bóng phủi
Bello đến được Nam Định thử việc là nhờ người quen từ những trận đá phủi trong những ngày bơ vơ khi mới đến Việt Nam. Cũng chính sân bóng phong trào mở ra những cơ hội khác cho anh chàng Bờ Biển Ngà này khi dự định của anh không thành.
Sân bóng phong trào mang đến cuộc sống mới cho Bello.
“Tôi gặp ông Phan Đình Hưng, mọi người gọi là bầu Hưng của đội Huda trên sân phủi. Tôi gọi ông ấy là bố, vì tôi trụ lại được ở Việt Nam là nhờ ông ấy”, Bello nhắc đến ân nhân mà anh may mắn gặp được trong những ngày lang thang các sân bóng Hà Nội.
“Có lần đội của bố Hưng đi đá giải, ông gọi tôi đi cùng. Từ lúc ấy, ông lo cho tôi mọi thứ. Khi tôi tìm việc làm, cũng là ông kết nối hộ. Thời gian sau khi mọi người thấy tôi đá cho Huda nghĩ tôi được trả nhiều tiền lắm, nhưng thật ra không phải. Tôi đá để trả ơn cho bố Hưng”.
Bello đã gác lại giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Nhưng anh nhận ra một điều đặc biệt ở Việt Nam, rằng sân đấu phong trào cũng có thể tạo ra những cơ hội, và cho anh cảm giác được nhiều người biết đến. Có đơn vị ở miền Trung chi tiền ăn ở, đi lại cho anh vào đá giải cả tuần liền.
“Tôi đi đá phủi được nhiều người biết đến. Nếu cứ cố theo đuổi V-League, chưa chắc tôi được như vậy. Ở quê tôi bóng đá phủi không phổ biến như thế này. Tôi cũng chẳng ngờ được là mình lại có một cuộc sống nhờ đá phủi”, Bello nói.
“Tôi hay được rủ đi đá giải vào cuối tuần. Có người chẳng quen biết gì, chỉ nhắn tin cho tôi qua Facebook, nhưng rảnh thì tôi cũng nhận lời. Tôi không đòi thù lao, nhưng thường thì họ vẫn trả tiền cho tôi, bao nhiêu cũng được”.
Đá phủi không phải nguồn thu nhập chính của Bello. Nhưng sân bóng phong trào đã giúp anh có được một cuộc sống mới theo cách mà mình không hề nghĩ tới khi đặt chân tới nơi này.
Đủ thực tế để thôi nghĩ về V-League, mong muốn lớn nhất của anh về việc chơi bóng lúc này là trải nghiệm bầu không khí của sân chơi phủi cấp cao nhất, được biết đến với tên gọi HPL.
“Giá mà HPL có cầu thủ ngoại. Tôi xem HPL nhiều lắm và biết hầu hết những cầu thủ ở đó. Tôi cũng thích được đá ở HPL, vì đó là giải đấu dành cho những cầu thủ phủi giỏi nhất trình diễn trước khán giả”, Bello nói.
Có thể nói Racheen Bello may mắn hơn rất nhiều cầu thủ châu Phi không chuyên sang Việt Nam thử việc bất thành. Anh có một công việc ổn định và cả vợ con, sớm tập trung vào cuộc sống mới thay vì phải lang thang kiếm sống chờ đợi cơ hội ở V-League.
“Tôi đang sống một cuộc sống bình thường, hạnh phúc bên vợ con. Chẳng có gì tiếc nuối hay hối hận”, Bello thổ lộ.
“Có nhiều người cũng như tôi, không có đội bóng nào ký hợp đồng mà cũng chẳng thể đi đâu. Thỉnh thoảng tôi cũng gặp họ, ở TP.HCM nhiều lắm. Không biết họ sống như thế nào, nhưng tôi nghĩ mình may mắn”.