Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những người sống bằng đam mê trên sân bóng đá phủi

(VTC News) -

Đến với bóng đá phủi bằng đam mê, có những người lại tìm được cho mình hướng đi nghề nghiệp từ sân bóng phong trào.

Chưa có ai đếm số sân bóng ở Hà Nội, nhưng danh sách tìm trên mạng có thể lên tới vài trăm địa chỉ mà vẫn chưa phải là cập nhật đầy đủ nhất.

Đó là nơi mà tình yêu bóng đá hiện lên gần gũi và bình dân nhất, chứ chẳng phải chờ đến khi cả nước đổ ra đường đón mừng chiến tích của đội tuyển quốc gia.

Phủi là gì?

Người ta gọi những bóng đá phong trào là sân phủi. Có đến hàng nghìn người biết đến phủi, chơi phủi, làm phủi, dù chẳng mấy ai cắt nghĩa được phủi là gì và nguồn gốc của tên gọi ấy là từ đâu.

Sân cỏ nhân tạo phục vụ bóng đá phong trào rất phổ biến ở Hà Nội.

“Ra sân bụi bặm thì mình phủi đi, ấy là phủi. Nói một cách lãng mạn thì là mình phủi đi những lấn cấn, lo toan trong cuộc sống”, ông Nguyễn Hồng Hải, gương mặt gạo cội trong cộng đồng bóng đá phong trào Hà Nội đưa ra một cách lý giải.

Bóng đá phong trào đã tồn tại từ rất lâu. Thời điểm những năm 2000, khi internet dần phổ biến và diễn đàn mạng lên ngôi, sự kết nối cộng đồng chơi bóng đá bắt đầu được mở rộng.

“Khoảng năm 2007, Công ty Trà Dilmah đầu tư mạnh, kéo theo nhiều đơn vị khác và bắt đầu hình thành những sân chơi quy củ cho anh em đá bóng phong trào”, ông Hải kể lại.

“Phủi Hà Nội từng có một sân chơi lớn, gọi là giải Halida. Năm 2010 là lần thứ năm tổ chức, giải đã có đến cả vòng loại ở các quận. Vòng chung kết có đến 30 đội và đúng nghĩa là những đội mạnh nhất Hà Nội. Đó là lần đầu tiên bóng đá phong trào Hà Nội có một giải đấu quy mô như vậy mà dân phủi không thể nào quên”.

Đó cũng là thời điểm sân bóng cỏ nhân tạo bắt đầu mọc lên như nấm khắp Thủ đô để thay cho những mặt sân đất bụi bặm. Khái niệm phủi dần thu hẹp lại, trong khi phong trào lớn mạnh hơn rất nhiều.  

Giờ đây dân phủi là từ chỉ những đội mạnh, sinh hoạt có tổ chức để phân biệt với phần còn lại. Nhiều đội có ông bầu và nhà tài trợ bao nuôi, trả thù lao cho cầu thủ, thậm chí có cả hợp đồng tiền tỷ.

Bóng đá phủi Hà Nội có một sân chơi đỉnh cao là HPL, được tổ chức chuyên nghiệp, quy củ từ giải đấu đến các đội bóng. (Ảnh: HPL)

Sống bằng bóng đá phủi

Người đàn ông ngoài tứ tuần với mái tóc thành thương hiệu “Hải bạc” đã chứng kiến những đổi thay của bóng đá phủi gần hai thập kỷ. Ông Nguyễn Hồng Hải là một trong những người làm giải phủi có uy tín, không chỉ ở Hà Nội.

Tôi học Bách Khoa, lân la làm bóng đá phủi là tay ngang. Chắc chẳng ai lao vào đấy để mà kiếm tiền cả. Không biết từ lúc nào nó trở thành cuộc sống của mình”, ông Hải nói.

“Từ khoảng năm 2004, bắt đầu có những đội bóng có tổ chức, họ có nhu cầu cọ xát, cạnh tranh thay vì chỉ giao lưu.

Lúc đầu mới làm, khó khăn nhất là vấn đề kinh phí. Không có tài trợ thì phải thu tiền các đội để tổ chức, mà thu nhiều người ta không đá, ít quá thì không đủ tiền làm. Rồi có đội nộp, đội khất, cả nhà tài trợ nữa. Họ không trả mà mình chi ra rồi, không đòi được cũng phải chịu.

Khi ấy giải cũng chưa có quy củ. Vì là phong trào tự phát, người ta chán thì bỏ, hoặc nóng máu lên thì đánh nhau. Tôi làm ban tổ chức bị dọa giết cũng nhiều lần”.

Ông Nguyễn Hồng Hải trong những ngày đầu làm bóng đá phủi (Ảnh: FBNV)

Bản thân ông Hải cũng không biết gọi công việc của mình là nghề gì. Có những lúc cao điểm, ông làm tới 20 giải trong một tuần mà không chỉ ở Hà Nội.

“Hồi xưa tôi một mình làm tất, ban tổ chức kiêm cả bình luận viên, trọng tài… Bây giờ đời sống cao lên rồi, người ta chi nhiều tiền thuê mình làm giải thì cũng đòi hỏi nhiều hơn. Có giải đến hơn 40 đội, chạy một ngày phải cần đến 50, 70 người phục vụ”, ông nói.

Sân bóng phủi trở thành thị trường rất nhiều tiềm năng. Với tính chất phong trào, sân phủi có đặc điểm là gần gũi hơn, dễ tiếp cận hơn và mang tính cộng đồng hơn so với bóng đá chuyên nghiệp. Nhiều loại hình dịch vụ xuất hiện để hướng tới tập khách hàng có sẵn.

Dễ nhận thấy nhất là kinh doanh sân bóng, dù đầu tư vào đây cũng đầy rủi ro. Không sợ ế khách, nhưng để nuôi một cụm sân cũng không phải đơn giản.

Một khoảng đất rộng 1 ha mở được khoảng 5-6 sân bóng mini (dành cho bóng đá 5 người, 7 người) với chi phí chừng 3 tỷ đồng, chưa kể vận hành. Không ít sân bóng chỉ là dựng tạm trên đất dự án, nếu không kịp thu hồi vốn trong 3-5 năm mà phải trả lại đất thì chủ sân lỗ nặng.

"Tôi sống bằng bóng đá phủi", anh Trần Văn Cường, nổi danh trong giới phủi với tên gọi "Cường Camay" chia sẻ. Anh là kiến trúc sư quê Nam Định, từ lâu đã chuyển hẳn sang nghề bình luận, livestream bóng đá phủi và lập hẳn một công ty truyền thông chuyên phục vụ bóng đá phong trào.

Bình luận viên Cường Camay nổi tiếng trong giới phủi. (Ảnh: HPL)

"Tôi đi bình luận sân phủi từ năm 2014, lúc đầu chỉ là đi theo bạn bè cho vui chứ không có hướng gì. Dần dần việc bình luận bóng đá phủi trở nên phổ biến, người ta bắt đầu trả tiền thuê mình làm. Đến năm 2017, tôi mới bắt đầu tập trung vào lĩnh vực này", Cường Camay cho biết.

Đều đặn mỗi cuối tuần, ê-kíp của anh lại mang máy móc ra sân quay phim, chụp ảnh, phát trực tiếp trận đấu lên mạng xã hội. Có đội bóng chịu chi đến mức tự sắm trang thiết bị sẵn, dựng phông xanh ngay bên ngoài sân bóng như một chương trình bình luận trường quay trên truyền hình.

Bóng đá phong trào phát triển và tiêu chuẩn của người chơi cũng tăng dần lên, với tâm lý chơi nghiệp dư mà trải nghiệm như chuyên nghiệp. Kinh doanh đồ đá bóng, phổ biến nhất là giày dép, quần áo cũng đang dần nở rộ.

Dân đá phủi bây giờ không còn chuộng quần áo hàng nhái như trước. Không ít nhãn hàng giá rẻ bắt đầu tấn công vào thị trường này, chỉ phục vụ riêng đối tượng là những người chơi bóng đá phong trào thay vì cạnh tranh với thương hiệu lớn ở sân chơi chuyên nghiệp.

Minh Ngọc

Tin mới