Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chân dung 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020

Bên cạnh cô Hà Ánh Phượng, 9 giáo viên còn lại đến từ nhiều quốc gia, đạt thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục.

Cô Hà Ánh Phượng, THPT Hương Cần, Phú Thọ, là đại diện của Việt Nam lọt vào danh sách 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu. Cô Phượng giảng dạy tại một trường miền núi, nơi hơn 90% học sinh là người dân tộc thiểu số, ít có cơ hội thực hành tiếng Anh. Để giúp học trò phát triển ngoại ngữ, tìm hiểu về văn hóa các nước khác, cô giáo người Mường thường xuyên tổ chức các lớp học xuyên biên giới. Ở đó, nhờ công nghệ, cô kết nối lớp học của mình với các trường học trên khắp thế giới. Cô Phượng còn hợp tác với các giáo viên tiếng Anh ở châu Á, châu Phi, châu Âu và Mỹ để kết nối những học trò người dân tộc thiểu số với bạn bè quốc tế.

Thầy Carlo Mazzone (Italy) làm việc tại trường ITI G.B.B. Lucarelli ở Benevento, Italy. Để phục vụ công tác giảng dạy, ông xây dựng một số nền tảng điện tử chuyển đổi số để quản lý và sắp xếp bài giảng cho học sinh. Nhờ nền tảng dạy đặc biệt này, học sinh của ông đạt được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi cho trẻ em về giáo dục kinh doanh cấp khu vực và cấp quốc gia năm 2019. Ngoài ra, học sinh của ông cũng đã giành chiến thắng trong cuộc thi Khoa học và Thanh niên do Liên minh châu Âu tài trợ.

Cô Doani Emanuela Bertan (Brazil) được mẹ truyền cảm hứng trở thành giáo viên. Sau khi tốt nghiệp, cô tham gia LIBRAS, khóa học ngôn ngữ ký hiệu của Brazil. Từ năm 2008, cô Doani làm giáo viên song ngữ tiếng Bồ Đào Nha và ngôn ngữ ký hiệu. Nơi cô công tác thường xuyên đối mặt với vấn đề học sinh bỏ học. Thông qua việc dạy ngôn ngữ ký hiệu, nữ giáo viên phát triển các cuộc gọi video nhằm giải đáp những lo lắng của học sinh. Hiện, các bài giảng của cô Doani được đăng tải trên YouTube, học sinh có thể truy cập miễn phí.

Thầy Jamie Frost (Vương quốc Anh) là cựu sinh viên Đại học Oxford. Ông từng giành giải thưởng nghiên cứu của Microsoft cho luận án đại học và tiếp tục học tiến sĩ Khoa học máy tính. Bên cạnh việc dạy học tại trường Tiffin, thầy giáo điều hành trang web học trực tuyến, cung cấp tài nguyên giảng dạy và học tập miễn phí. Tại trường Tiffin, nền tảng góp phần nâng cao các giải thưởng trong Cuộc thi Toán học tại Vương quốc Anh. Trang web của ông được ứng dụng để hỗ trợ việc giảng dạy cho học sinh khuyết tật, học sinh ở Zimbabwe và các thanh niên 18-21 tuổi tại một nhà tù ở Ohio, Mỹ.

Cô Leah Juelke (Mỹ) hiện làm việc tại trường Trung học Fargo South ở Fargo, North Dakota. Nơi đây là một thành phố tái định cư, phần lớn học sinh là người tị nạn đến từ các quốc gia có chiến tranh, nền giáo dục bị gián đoạn. Nhiều học sinh không thông thạo tiếng Anh, mức sống dưới trung bình và có thu nhập thấp. Cô Leah xây dựng dự án Journey to America, nói về những câu chuyện của học sinh tị nạn. Dự án có sự góp mặt của nhiều học sinh đến từ các quốc gia khác nhau và được xuất bản thành 6 tập sách. Năm 2018, cô Leah được vinh danh tại Nhà Trắng với tư cách là giáo viên của năm. Cô cũng được vinh danh tại California và nhận được Giải thưởng Horace Mann về thành tích xuất sắc trong giảng dạy.

Cô Mokhudu Machaba (Nam Phi) từng mất 5 năm xin việc để trở thành giáo viên. Thời gian đầu dạy học, cô phải dùng điện thoại di động để truy cập internet. Sau đó, cô được Microsoft và Chính phủ Nam Phi hỗ trợ máy tính xách tay. Hiện, học sinh được cô hướng dẫn, có cơ hội trò chuyện với học sinh từ những quốc gia khác nhau thông qua nền tảng giáo dục của Microsoft và Skypes. Năm 2015, cô giành giải thưởng về giảng dạy cấp tỉnh cho hạng mục nâng cao công nghệ trong dạy học và lot top 50 người phụ nữ truyền cảm hứng trong công nghệ tại Nam Phi.

Thầy Olasunkanmi Opeifa (Nigeria) mong muốn trở thành giáo viên khi mới 8 tuổi. Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành giáo viên tiếng Anh duy nhất tại một ngôi trường làng với hơn 200 học sinh. Năm 2012, ông Olasunkanmi chuyển công tác đến một trường học ở vùng bán nông thôn của Abuja. Học sinh ở đây không đủ tiền mua sách giáo khoa. Ông phải vật lộn với việc dạy tiếng Anh cho hơn 50 học sinh mỗi lớp, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, bị khuyết tật, kỹ năng kém. Sau đó, thầy giáo xây dựng mô hình lớp học dựa trên các phương pháp giải trí và xuất bản sách học tiếng Anh cho học sinh trong khu vực. Năm 2018, ông được trao giải giáo viên của năm tại Maltina. Năm 2019, trường của ông lọt top 10 trường học hàng đầu trong cuộc thi Global Diamond Challenge.

Thầy Ranjitsinh Disale (Ấn Độ) làm việc tại một trường có nhiều học sinh đến từ các bộ lạc trong khu vực. Ông nhận thấy chương trình giảng dạy của trường không sử dụng ngôn ngữ Kannada (ngôn ngữ chính của học sinh). Vì thế, ông quyết định học tiếng và thiết kế lại sách giáo khoa cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 4. Ngoài ra, ông mã hóa toàn bộ bài giảng để học sinh dễ dàng học trong mọi điều kiện. Phương pháp giảng dạy của ông được đăng tải trên 500 bài báo và xuất hiện trong các cuộc thảo luận trên truyền hình về chủ đề giáo dục.

Thầy Samuel Isaiah (Malaysia) làm việc tại một trường tiểu học ở vùng nông thôn sau khi tốt nghiệp đại học. Nhận thấy học sinh vùng nông thôn thiếu điều kiện tiếp cận kiến thức mới, ông quyết định lập dự án gây quỹ cộng đồng để xây dựng lớp học tiếng Anh với các thiết bị hiện đại. Hiện, trẻ em người Orang Asli có thể nắm bắt công nghệ mới và trải nghiệm học tiếng Anh như ở các thành phố lớn. Ngoài ra, ông Samuel khởi động dự án trao đổi qua email để học sinh được giao tiếp tiếng Anh với các tình nguyện viên trên khắp thế giới. Ông được trao giải Giáo viên xuất sắc tại Hội nghị ASEAN-ELT năm 2018. Cũng trong năm đó, ông được Thủ tướng Malaysia trao tặng giải Giáo viên sáng tạo xuất sắc.

Thầy Jeong-hyun Yun (Hàn Quốc) là giáo viên kỹ thuật với hơn 27 năm kinh nghiệm giảng dạy tại các trường học ở vùng nông thôn và làng chài. Học sinh ở những khu vực này phải làm thêm sau giờ học để kiếm thêm thu nhập. Để đối phó với vấn đề này, ông mở rộng các khóa học về hàn, bảo dưỡng ôtô, xây dựng, thiết kế máy tính. Qua đó, học sinh được cấp chứng chỉ, có việc làm ổn định. Năm 2012, 31/33 học sinh tham gia hoạt động ngoài giờ lên lớp, bình quân 17 học sinh có chứng chỉ nghề nghiệp. 4 học sinh của ông giành giải thưởng tài năng của Chính phủ Hàn Quốc.

Nguồn: Zing News

Tin mới