Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cáp quang biển liên tục gặp sự cố, các công ty viễn thông nói gì?

(VTC News) -

Các công ty viễn thông Việt Nam nói về sự cố và cách khắc phục khi tuyến cáp quang biển thường xuyên bị đứt trong thời gian qua.

Việt Nam có nhiều nhà cung cấp dịch vụ Internet cáp quang khác nhau, nhưng nổi bật vẫn là FPT, Viettel, VNPT. Băng thông kết nối Internet quốc tế ở Việt Nam phần lớn thông qua các tuyến cáp quang biển. Các doanh nghiệp tham gia khai thác một số tuyến cáp quang biển quốc tế như AAG (Asia - America Gateway), SMW3 (hay còn gọi là SEA - ME - WE3), Liên Á (IA - Intra Asia), APG (Asia Pacific Gateway), AAE-1 (Asia - Africa - Euro 1). 

Tuy nhiên việc 1-2 tuyến cáp quang xảy ra sự cố không phải chuyện hiếm, nhất là thời gian gần đây, ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ truy cập Internet của người dùng Việt Nam. Hiện việc khắc phục sự cố các tuyến cáp quang vẫn được thực hiện. Theo thống kê, trung bình mỗi năm có hàng trăm vụ quang cáp bị sự cố, nhưng chúng ta ít nghe về việc này, vì hầu hết các nhà mạng đều đưa những phương án để đảm bảo kết nối đa hướng trên nhiều tuyến cáp để giảm thiểu rủi ro khi mất kết nối một trong các hướng.

Luôn chuẩn bị phương án dự phòng

Theo ông Đào Xuân Vũ, Tổng giám đốc Tổng công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Networks), hệ thống tuyến cáp biển quốc tế, đa số trục trặc do 2 nguyên nhân phổ biến là lỗi dò nguồn và lỗi đứt cáp. Trong đó 70-80% các lỗi này do tác động của hoạt động hàng hải, số ít còn lại có thể do ảnh hưởng của thảm họa tự nhiên như động đất, núi lửa, hiện tượng cát trượt dưới lòng đại dương... hoặc yếu tố chủ quan của con người trong quá trình vận hành khai thác.

Thực tế, cáp quang biển là những sợi dây cáp được đặt nằm trần ngay trên nền cát dưới biển. Hệ thống nhánh cáp rẽ vào các quốc gia thường nằm trong vùng nhiều tàu thuyền tấp nập qua lại, mực nước tương đối nông nên rất dễ bị tác động bởi mỏ neo của tàu thuyền, hay quá trình đánh bắt cá của ngư dân. Dù ở các khu vực gần trạm cập bờ, các tuyến cáp đã được củng cố, gia cường nhưng tình trạng đứt cáp, dò nguồn khi các con tàu thả neo trúng cáp vẫn thường xảy ra.

Sự cố cáp quang biển được cho là trường hợp bất khả kháng. Do đó, tất cả các nhà mạng ở Việt Nam khi sử dụng cáp quang biển đều phải dự phòng tình huống bị đứt cáp quang biển.

Với Viettel, khi xảy ra gián đoạn, đơn vị luôn có hành động kịp thời để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Các giải pháp được ưu tiên thực hiện nhanh nhất là điều chuyển lưu lượng quốc tế từ các nhánh gặp sự cố sang các hướng khác đang hoạt động bình thường để giảm tải hiện tượng nghẽn. Quá trình này được Viettel xử lý tự động bằng hệ thống công cụ phần mềm để tối ưu thời gian.

Trạm cập bờ của Viettel tại Vũng Tàu - nơi vận hành 2 tuyến cáp biển IA và AAE-1.

Cùng với đó, dựa trên mức độ ảnh hưởng của sự cố, Viettel sẽ nghiên cứu, tính toán bổ sung dung lượng băng thông quốc tế cho các hướng để tăng năng lực kết nối, phục vụ người dùng, bao gồm cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đang thuê kênh truyền của Viettel. Trên thực tế, sự cố cáp biển không ảnh hưởng đến chất lượng các trang Internet, ứng dụng trong nước sử dụng phần mềm do Viettel phát triển và hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam do các ứng dụng này chạy trên mạng cáp quang trong nước.

Cũng như Viettel, VNPT đã chuẩn bị các phương án dự phòng khi sự cố xảy ra. Đơn vị cho biết nhận thông tin sự cố cáp quang biển AAG tối 22/10. Trục trặc gây mất 1440G lưu lượng từ VNPT đi Hong Kong. Ngay sau khi sự cố xảy ra, VNPT lập tức thực hiện phương án khắc phục bằng cách điều chỉnh lưu lượng qua các hướng cáp khác đang hoạt động ổn định để đảm bảo chất lượng dịch vụ của quý khách hàng.

Không chỉ thời điểm này mà từ rất lâu, VNPT liên tục định tuyến, tối ưu mạng lưới để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng.

Đại diện FPT Telecom cũng chia sẻ, khi sự cố xảy ra, tất cả nhà mạng đều dàn băng thông của mình ở nhiều tuyến cáp mà không tập trung ở một hoặc hai tuyến cáp nhằm giảm thiểu rủi ro. Với FPT Telecom, hai năm gần đây đơn vị đã tăng lưu lượng băng thông quốc tế hơn gấp đôi để dự phòng khi cáp quang biển gặp sự cố liên tục do rất nhiều các nguyên nhân khác nhau.

Ngay khi sự cố xảy ra, những nguồn băng thông thiếu hụt sẽ được ứng cứu bằng các nguồn dự trữ nhằm đảm bảo khách hàng bị ảnh hưởng ở mức thấp nhất, không bị gián đoạn dịch vụ hoặc dịch vụ phục hồi trong thời gian ngắn nhất. Trong thời gian 2-3 năm sắp tới thì sẽ có thêm một số tuyến cáp quang biển mới, tôi tin là sẽ có thêm nhiều sự hỗ trợ bổ sung vào băng thông tuyến quốc tế cho khách hàng tại Việt Nam.

Vì sao sửa chữa cáp biển chậm? 

Hiện tuyến cáp biển AAG đang xảy ra 2 lỗi trên nhánh S1I phân đoạn rẽ vào Hong Kong, dự kiến sửa chữa lỗi thứ nhất từ 8 - 12/12/2021, lỗi thứ hai từ 13 - 16/12/2021. Còn một lỗi trên nhánh S1G cũng nằm trên hướng vào Hong Kong hiện chưa có lịch khắc phục cụ thể.

Với APG, lỗi trên nhánh S3 thuộc trạm cập bờ Chongminh (Trung Quốc) dự kiến sửa chữa từ ngày 24 - 27/11/2021. Còn AAE-1, dự kiến ngày 16/11/2021 sẽ hoàn thành sửa chữa lỗi trên nhánh S1H.3 phân đoạn rẽ vào nước Campuchia. Sau khi khắc phục xong vị trí này, dự kiến ngày 17/11/2021, tàu chuyên dụng sẽ di chuyển sang sửa lỗi trên phân đoạn S1H.4 cũng thuộc hải phận Campuchia.

Theo ông Vũ, cáp quang biển là hệ thống truyền dẫn để kết nối Internet quốc tế được đầu tư, xây dựng và vận hành bởi một tổ chức bao gồm nhiều doanh nghiệp (nhà mạng/nhà cung cấp dịch vụ Internet - ISP) thuộc nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Quá trình khai thác, điều phối hoạt động của tuyến cáp sẽ do Ban quản trị được thành lập từ sự thống nhất giữa các thành viên. Khi xảy ra các hiện tượng bất thường gây gián đoạn lưu lượng, Ban quản trị sẽ thông báo tới các doanh nghiệp thành viên. 

Đối với các sự cố cáp quang biển, việc khắc phục sẽ do Ban quản trị điều phối chung trên quan điểm vị trí xảy ra lỗi thuộc hải phận quốc gia nào thì quốc gia đó chịu trách nhiệm toàn trình. Tuy nhiên, khác với cáp quang nằm trên đất liền, quá trình sửa chữa cáp quang biển phức tạp hơn, từ khâu xác định chính xác vị trí, nguyên nhân, sự sẵn sàng của các đơn vị sửa chữa, bố trí tàu cáp chuyên dụng, thủ tục xin giấy phép ra vào hải phận, thời tiết trên biển,… Nếu đoạn lỗi nằm ở bề mặt vùng biển nông thì công việc sẽ đơn giản, ít tốn thời gian hơn. Nếu thuộc vùng biển sâu thì quy trình xử lý sẽ khó khăn, kéo dài hơn. Thông thường thời gian khắc phục sự cố cáp biển thường trong vài tuần hoặc hơn.

Việc xây dựng một tuyến cáp quang biển mới cũng không dễ dàng, đòi hỏi chi phí tốn kém và kế hoạch triển khai lớn, phức tạp, liên quan đến nhiều quốc gia, nhiều doanh nghiệp. Bởi toàn bộ hệ thống cáp chính sẽ phải nằm trong hải phận quốc tế.

Trong những năm qua, các doanh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp để giảm sự phụ thuộc vào các tuyến cáp quang biển truyền thống. 

Khoảng 436 tuyến cáp (khoảng 1,3 triệu km) ngầm đang được sử dụng trên khắp thế giới. Tổng số cáp liên tục thay đổi khi cáp mới đi vào hoạt động và cáp cũ ngừng hoạt động. Một số cáp khá ngắn, như cáp CeltixConnect dài 131 km giữa Ireland với Vương quốc Anh. Ngược lại, những tuyến khác dài như tuyến cáp Asia America Gateway dài 20.000 km.

Thanh Hải

Tin mới