Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cào bóc lớp nhựa đường tuổi thọ hơn 20 năm trên cầu Thăng Long

Trước khi được hàn đinh và đổ bê tông siêu tính năng, mặt cầu Thăng Long được bóc lớp nhựa bám dính ở bề mặt và phun sơn chống rỉ.

Sau hơn nửa tháng sửa chữa, ngày 21/8, phần lớn nhà thầu thi công đã hoàn thiện công đoạn cào bóc lớp nhựa ở phía trên cầu Thăng Long.

Việc cào bóc chủ yếu thực hiện bằng máy cào chuyên dụng. Với một phần nhỏ ở sát dải phân cách, máy xúc được huy động.

Sau khi máy xúc cào bóc các đoạn hai bên dải phân cách, công nhân phải dùng thuổng cán dài đánh sạch chất bám dính trên bề mặt thép cầu.

Lớp keo cuối cùng dính trên mặt thép cầu được cào bóc. Theo tiến sĩ Trần Bá Việt, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội bê tông Việt Nam, tổ chuyên gia tư vấn sửa chữa cầu Thăng Long, lớp keo này có độ đàn hồi và bám dính với tuổi thọ trên 20 năm, được gia cố năm 1990. Qua 30 năm sử dụng, các loại xe quá tải đi qua với lưu lượng lớn đã khiến chất bám không còn tác dụng.

Đoạn giữa cầu đã được cào bóc các lớp nhựa phía trên còn trơ tấm thép và chưa được làm sạch. Đợt đại tu cầu Thăng Long lần này, các nhà thầu sẽ không dùng công nghệ và loại keo như trước mà phải cào bóc toàn bộ rồi sử dụng công nghệ của Pháp với lớp bê tông đa năng có độ đàn hồi cao phủ ở phía trên.

Sau khi cào bóc hoàn thiện phần thân cầu, ở hai đầu đường dẫn lộ ra các lớp nhựa, bê tông và lớp keo theo công nghệ cũ.

Nhiều đoạn cào bóc xong có độ trũng hơn so với bản mặt thép mặt cầu. Các đoạn như thế này sẽ được nhà thầu điều chỉnh bằng lớp bê tông siêu tính năng.

Bản thép cuối cùng của cầu có độ dầy 14 mm. Theo tiến sĩ Trần Bá Việt, sau hơn 30 năm sử dụng các tấm thép được liên kết với nhau qua những mối hàn vẫn còn vững chãi và có độ đàn hồi, đảm bảo khả năng chịu tải tốt.

Mặt cầu được máy phun làm sạch, phun cát tẩy rỉ, phun hơi nóng sấy khô, sau đó sẽ được phun một lớp sơn keo chống rỉ. Sau các công đoạn trên, nhà thầu sẽ hàn đinh neo bám vào mặt thép của cầu và lắp lưới thép, sau đó mới đổ lớp bê tông siêu tính năng.

Hai trạm trộn bê tông siêu tính năng được lắp đặt hoàn thiện trên cầu để bắt đầu đổ bê tông vào tháng 9. Theo tiến sĩ Trần Bá Việt, 4 máy trộn này có công suất 70 khối bê tông trong 10 giờ và đạt 900 m2. Với công suất này, dự kiến trong 3 tháng sẽ hoàn thiện việc đổ bê tông, lớp trên cùng của cầu. Theo tính toán của nhà thầu và các chuyên gia, công nghệ sửa chữa cầu lần này sẽ có độ bền khoảng 100 năm. Đây là công nghệ các nước Pháp, Bắc Mỹ, Trung Quốc đã sử dụng để xây dựng hàng trăm cây cầu lớn nhỏ.

Để có thể thi công 24/24h, không bị tác động bởi yếu tố thời tiết, đơn vị thi công cho lắp đặt hai khung giàn thép mái tôn dài khoảng 50 m có bánh trượt, thi công hoàn thiện đến đâu, giàn mái tôn này sẽ được di chuyển đến vị trí mới. Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 269 tỷ đồng. Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, nối liền các tỉnh phía Bắc với Thủ đô Hà Nội. Cầu được các chuyên gia Nga thiết kế và xây dựng từ năm 1974, hoàn thành cuối năm 1985. Qua hơn 20 năm sử dụng, cầu nhiều lần xuống cấp và được tu sửa hơn chục lần với kinh phí cả trăm tỷ đồng.

Nguồn: VnExpress

Tin mới