Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cận cảnh những dự án nghỉ dưỡng trăm tỷ bỏ hoang ở Huế

(VTC News) -

Vì nhiều lý do khác nhau mà những dự án khu nghỉ dưỡng nằm ở các vùng đất đắc địa của Thừa Thiên - Huế bị bỏ hoang hoặc chậm tiến độ nhiều năm.

Dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng Vinconstec – Huế có vị trí đắc địa khi tựa lưng vào khu vực đầm phá Tam Giang đẹp nên thơ và phía trước mặt là khu bãi biển Thuận An nổi tiếng của Huế. Thế nhưng, dự án này bị bỏ hoang phế suốt nhiều năm qua.

Được biết, dự án Vinconstec – Huế được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 21/11/2008, điều chỉnh lần thứ nhất ngày 29/6/2012. Dự án do Công ty Cổ phần xây dựng và phát triển công nghệ Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án được thực hiện tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) với tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng.

Quy mô dự án gồm diện tích khu vực nghiên cứu quy hoạch 72,09 ha. Trong đó, khu resort có diện tích 25,97 ha, khu đô thị và dịch vụ thương mại có diện tích 36,1 ha, khu tái định cư có diện tích 10,01 ha và dự kiến hoàn thành vào năm 2011. 

Thế nhưng, trải qua hơn chục năm, chủ đầu tư mới chỉ xây dựng được một phần hạ tầng kỹ thuật ven phá, đường giao thông ven biển và triển khai 10 công trình mẫu đang dở dang, chưa tô trát và hoàn thiện. Hiện những công trình này bị bỏ hoang hoá, xuống cấp nghiêm trọng.

Theo lãnh đạo UBND xã Phú Thuận, địa phương nhiều lần kiến nghị đề xuất, phản ánh tình trạng chậm tiến độ, có dấu hiệu bỏ hoang nhưng hiện dự án vẫn dậm chân tại chỗ suốt nhiều năm qua. 

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng Vinconstec – Huế chậm tiến độ. Hiện nay, Nhà đầu tư có văn bản đề nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương điều chỉnh giảm quy mô dự án từ 72,09 ha xuống còn khoảng 30ha.

Theo đó, chủ đầu tư đề nghị được điều chỉnh mục tiêu dự án thành xây dựng một khu Resort, du lịch nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế, đẳng cấp tại địa phương và khu vực nhằm mục tiêu thu hút khách du lịch nghỉ dưỡng và lưu trú tại khu vực biển Thuận An. Nhà đầu tư cũng cam kết sẽ điều chỉnh mục tiêu dự án theo các quy định hiện hành, phù hợp định hướng phát triển của địa phương và mong muốn được triển khai lại dự án trong thời gian tới. Hiện UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đang giao các cơ quan có liên quan xem xét đề xuất chủ trương điều chỉnh dự án và rà soát các thủ tục liên quan để sớm tiếp tục thực hiện dự án.

Dự án tiếp theo là Khu nghỉ dưỡng 6 sao Nama (Nama Resort) tại 85 Nguyễn Chí Diễu (TP Huế), nằm cạnh di tích Đại nội Huế. Dự án được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cấp quyết định chủ trương đầu tư lần đầu cho Công ty TNHH đầu tư du lịch Kinh Thành vào ngày 30/11/2015, điều chỉnh lần thứ nhất ngày 21/6/2017 với diện tích sử dụng đất khoảng 6.338,1 m2, tổng vốn đầu tư 196,56 tỷ đồng.

Đáng nói khu đất được chọn để thực hiện dự án vỗn dĩ là khu vực sân vườn của Khâm Thiên Giám triều Nguyễn - một di tích khí tượng thiên văn duy nhất còn sót lại trong lịch sử Việt Nam và là nơi tọa lạc của Thái Y giảng đường, một trong những cơ quan của Thái Y viện triều Nguyễn. Hiện nay, vẫn còn thuộc khu vực bảo vệ một di tích Khâm Thiên Giám – Bộ Học là danh sách di sản cấp I thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế đã được công nhận Di sản Văn hóa Thế giới năm 1993.

Cũng vì nằm trong khu vực bảo vệ của di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể Cố đô Huế nên dự án Khu nghỉ dưỡng 6 sao Nama chưa được giao đất, cho thuê đất, chưa được cấp phép xây dựng và tạm dừng triển khai từ năm 2018 đến nay và đến thời điểm hiện tại, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên - Huế cũng khẳng định, hiện vẫn chưa rõ "số phận" của dự án này sẽ thế nào.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên – Huế cho hay, ngày 11/1/2021, Thủ tướng ban hành Quyết định số 42/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, định hướng chung của nhiệm vụ quy hoạch là nghiên cứu, kiến nghị điều chỉnh một số khu vực bảo vệ di tích theo hướng hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; đồng thời xác định chức năng sử dụng đất của các khu vực phù hợp, làm rõ quan điểm vai trò của di tích cố đô Huế gắn với tăng trưởng kinh tế, phát triển du lịch - văn hóa, tạo thành thế mạnh trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Do đó, việc tiếp tục triển khai dự án khu du lịch cao cấp Nama phải dựa trên kết quả phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng. Theo quyết định, thời gian lập quy hoạch không quá 24 tháng kể từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt. Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì thẩm định và trình duyệt; UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế quản lý lập quy hoạch, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế làm chủ đầu tư.

Dự án cuối cùng là dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô ở xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc, tỉnh Thửa Thiên - Huế). Dự án được khởi công xây dựng vào năm 2008. Hai năm sau, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Phong Phú – Lăng Cô xin điều chỉnh quy mô dự án lên đến 5.230 tỷ đồng và diện tích đất sử dụng là 292 hecta. 

Sau khi được cấp phép đầu tư, nhà đầu tư chưa thực hiện hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư để khởi công xây dựng dự án theo tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư. Mặc dù được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân mây - Lăng Cô tạo điều kiện, cho điều chỉnh gia hạn tiến độ thực hiện dự án (năm 2017). Thế nhưng sau 14 năm, dự án vẫn chỉ là những cồn cát nằm trơ trọi ven biển Lăng Cô - một trong những vịnh biển được đánh giá là đẹp nhất thế giới.

Cũng vì dự án chậm tiến độ này mà nhiều người dân ở thôn Phú Hải (xã Lộc Vĩnh rơi vào cảnh không thể xây nhà mới hay sửa chữa nhà do nằm trong vùng quy hoạch dự án. Trả lời PV VTC News, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế tiết lộ, dự án Khu nghỉ dưỡng sân Golf Lăng Cô thuộc diện rà soát thu hồi của tỉnh.

NGUYỄN VƯƠNG

Tin mới