Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hàng loạt dự án bỏ hoang gây lãng phí ở Mê Linh

Tại Mê Linh (Hà Nội), hàng loạt dự án bất động sản bị bỏ hoang nhiều năm nay vẫn chưa được triển khai.

Dân khổ vì dự án treo

Theo kết quả giám sát của HĐND TP.Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất, chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố, riêng huyện Mê Linh có 47 dự án bỏ hoang với diện tích 10 - 100 ha mỗi dự án. Và điều tất yếu là dự án được duyệt bao nhiêu năm thì bấy nhiêu năm các hộ ở đây mất việc làm, cuộc sống bấp bênh.

Thống kê tại phiên giải trình trước HĐND TP.Hà Nội, UBND thành phố cho biết huyện Mê Linh hiện có có 47 dự án khu đô thị (KĐT) và dự án phát triển nhà ở với tổng diện tích đất khoảng 1.800 ha.

Trong đó, xã Tiền Phong là nơi tập trung nhiều dự án nhất với gần 20 dự án, như: khu nhà nghỉ và biệt thự Nam Sơn của công ty CP Vinh Sơn trên 60 ha; Khu biệt thự sinh thái Phúc Việt của công ty CP ĐTXD&TM Phúc Việt quy mô 24,3 ha; Khu chung cư cao tầng và nhà ở cho công nhân KCN của công ty CP ĐT-XD số 18 quy mô gần 16 ha; KĐT Minh Giang Đầm Và (2 giai đoạn) của công ty TNHH Minh Giang gần 22 ha; dự án làng hoa Tiền Phong của công ty TNHH Tiền Phong trên 40 ha; Làng Quốc tế Tiền Phong gần 30 ha...

 Nhiều dự án giữ đất nhiều năm nhưng vẫn chưa triển khai.

Những dự án này được chính quyền lấy đất nông nghiệp của dân từ cách đây hơn 10 năm rồi bỏ hoang còn dân không có đất canh tác. Nguồn lợi từ nông nghiệp hơn 10 năm nay bị bỏ không, khiến cuộc sống của nhiều người dân khó khăn.

Bà Nguyễn Thúy Hà - một người dân tại xã Tiền Phong, cho biết trước đó năm 2005, 3 sào đất trồng hoa của gia đình bà nằm trong quy hoạch dự án khu nhà ở làng hoa Tiền Phong, với mức đền bù 18,5 triệu đồng/sào, đồng thời với lời hứa các hộ sẽ được chủ đầu tư trả phần đất dịch vụ KĐT 2 m2/ khẩu và 10 m2/sào.

"Hiện tại, người dân chúng tôi chưa được giải quyết và dự án thì đắp chiếu nằm đó", bà Hà bức xúc.

Một hộ khác "bi đát" hơn là gia đình ông Nguyễn Văn Thắng, đã mất tới 7,5 sào ruộng canh tác, với mức đền bù chưa đến 20 triệu đồng/sào. Sau khi giao đất, gia đình ông không còn ruộng canh tác, chỉ trông chờ vào 1 sào đất vườn. Mới đây, xã đã đưa gia đình ông vào danh sách các hộ nghèo cần phải trợ cấp.

Dự án khu nhà ở Minh Giang được giải tỏa năm 2010, giá đền bù 360 triệu đồng/sào, tuy nhiên sau khi trừ thuế - phí, người dân chỉ nhận 294 triệu đồng/sào và lời hứa tạo việc làm cho con em nơi đây vẫn là "hứa hươu, hứa vượn".

"Rất nhiều lần chúng tôi nộp đơn kiến nghị tới UBND xã, UBND huyện và các cấp chính quyền đề xuất được giải quyết nhưng xã nói do huyện, huyện lại nói chờ cấp trên hoặc với điệp khúc "sang năm" sẽ giải quyết… Thực sự chúng tôi không biết phải trông chờ vào đâu", ông Thắng nói.

Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, hầu hết các dự án đều được phê duyệt ngay trước thời điểm Mê Linh được hợp nhất về Hà Nội (1/8/2008), thời điểm thị trường bất động sản (BĐS) đang trong "cơn sốt", với lợi thế là một huyện ngoại thành nằm sát trung tâm Thủ đô, có vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, ngay lập tức BĐS tại Mê Linh đã tạo được sức hút với giới đầu tư.

Sau khi được phê duyệt, nhiều chủ đầu tư đã nhanh chóng chia lô, bán nền và huy động vốn góp từ các nhà đầu tư thứ cấp và khách hàng, cho dù dự án mới đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng (GPMB).

Giá đất đã theo cơn sốt leo thang 5 - 7 triệu đồng/ m2 lên đến 15 - 20 triệu đồng/m2 trong khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, giá đất cũng vẫn chỉ hơn 10 triệu đồng/m2 bán mà vẫn không có người mua. Đến nay, trên địa bàn huyện có 47 dự án chậm triển khai, trong số đó có các dự án như: Dự án Cenco5; KĐT AIC; Minh Giang - Đầm Và; KĐT mới Hà Phong…

Thủ tướng chỉ đạo xử lý

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu UBND TP.Hà Nội kiểm tra và xử lý phản ánh của báo chí liên quan đến gần 2.000 ha đất dự án đô thị bị bỏ hoang tại huyện Mê Linh.

Tại văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, nguyên nhân được các chủ đầu tư đưa ra là do phải điều chỉnh lại quy hoạch 1/500 do thay đổi dự án chuyển từ Vĩnh Phúc về Hà Nội và cả khó khăn trong GPMB. Với lý do này, có những dự án chỉ còn vướng vài trăm m2 đất chưa GPMB cũng lấy cớ và không triển khai.

Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự được cho là do thị trường BĐS tại đây đóng băng và xuống giá suốt trong một thời gian dài.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Bùi Xuân Quang cho biết huyện cũng đã và đang tìm mọi biện pháp để khởi động các dự án này. Tuy nhiên, việc liên lạc với các chủ đầu tư không phải là dễ. Huyện đã yêu cầu từng doanh nghiệp, chủ đầu tư làm báo cáo về 5 vấn đề: Quy hoạch, đất đai, GPMB, thủ tục đầu tư, tiến độ dự án.

Hiện huyện Mê Linh đã trình Tp.Hà Nội thu hồi 8 dự án BĐS chậm triển khai và đang yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng phương án hoàn thiện hạ tầng cũng như kế hoạch xây dựng các công trình công cộng để tạo điều kiện cho người dân về ở.

Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư vẫn chỉ đang hứa, thậm chí còn không đưa ra thời gian dự kiến tái khởi động dự án.

Ngọc Vy

Tin mới