Sau sự việc đau lòng một học sinh trường THCS Bạch Đằng (TP.HCM) qua đời do cây phượng bật gốc đè trúng ngày 26/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị các địa phương khẩn trương liên hệ đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn để kiểm tra, cắt tỉa, xử lý các cây nguy hiểm, có thể gãy đổ… nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên.
Tuy nhiên đến nay, không ít trường học thay vì cắt tỉa cành khô, yếu có nguy cơ gãy rụng lại đốn hạ, cắt xén trơ trụi toàn bộ cây phượng đang có, khiến sân trường trở lên trống vắng, thiếu đi những bóng cây gắn liền với tuổi học trò.
Quá vội vàng khi đốn hạ
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng, phần lớn các trường phổ thông đều ưa chuộng trồng những cây cao lớn, tán lá rộng như cây phượng, bàng, xà cừ, sấu… nhằm che nắng, tạo khoảng không gian mát mẻ cho học sinh.
Nhưng nhiều trường đã vội vàng đốn hạ hàng loạt cây phượng với lý do đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh. Khi thấy hình ảnh các trường cắt tỉa cây phượng đến mức trơ trụi được chia sẻ, ai cũng xót xa và đặt câu hỏi: Liệu có các trường đang quá mạnh tay, cắt tỉa không vô tội vạ?
Thông thường một cây phượng từ khi trồng mất trung bình từ 3-5 năm mới có tán rộng có bóng mát. Nay các trường cắt tỉa cụt hết cành, thì nhiều năm sau nữa cây phượng mới phục hồi, xanh tươi trở lại. Như vậy không khác gì cuộc thanh trừng “chặt hết cánh tay” của cây phượng, vị này nói.
Có nên đốn hạ hàng loạt cây phượng trong trường?
Đồng quan điểm, ông Hoàng Công Thịnh, Hiệu trưởng trường THPT Triệu Sơn II, Thanh Hoá cũng bày tỏ việc một số trường đang quá lạm dụng việc cắt tỉa cành nhánh. Theo ông các trường chỉ nên lược đi những cành yếu, có nguy cơ gãy, đổ cao, thay vì đánh đồng kiểu cứ cây phượng là cắt, là chặt.
Các cây xanh rất cần thiết trong trường học và phải mất nhiều thời gian mới có thể trồng được một cây cho bóng mát rộng. Vì vậy, nhà trường phải kiểm tra thường xuyên để loại bỏ nhưng cây nguy hiểm, không phải đợi đến khi cây đổ lại đánh đồng loại bỏ.
'Lỗi đâu phải tại cây phượng'
Thầy Đặng Văn Dũng, Hiệu phó trường THPT Trương Định, Hà Nội cho biết, để giảm thiểu khả năng cây đổ, trường thường thuê đơn vị bên ngoài kiểm tra, chăm sóc, tỉa bớt cành cây hàng năm. Công tác này được thực hiện định kỳ và làm khá tốt.
Các trường cần đặc biệt lưu ý khi lựa chọn các loại cây xanh phù hợp, tạo được bóng mát cho khuôn viên. Những cây phượng lâu năm có thể cắt tỉa cành và gia cố kệ sắt bám chắc vào gốc để an toàn hơn, không nhất thiết chặt bỏ hoàn toàn.
"Chúng ta đừng vì quá lo lắng mà vội vàng đốn hạn cây xanh như một giải pháp an toàn tạm thời, rồi để lại hậu quả rất lâu dài cho môi trường. Việc đốn hạ cây cần có tư vấn, rà soát nghiêm túc, hiệu quả từ các cơ quan chuyên môn", ông Dũng nói.
Các trường cắt tỉa, đốn hạ hoàng loạt cây phượng lâu năm. (Ảnh: VOV)
GS.TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An cho biết, Sở đã có văn bản định hướng các nhà trường chủ động liên hệ, phối hợp với các cơ quan chuyên môn để rà soát toàn bộ cây xanh trong khuôn viên trường; xử lý ngay những cây bị nghiêng, có hiện tượng mối mọt.
“Cây xanh trong nhà trường có vai trò rất quan trọng đối với việc tạo bóng mát, cảnh quan môi trường và cũng là những dấu ấn, kỉ niệm của học sinh và giáo viên, là công sức của nhiều thế hệ.
Vì vậy, việc chặt cây phải hết sức thận trọng, chỉ chặt hạ khi cây có nguy cơ gãy đổ làm mất an toàn. Chúng tôi sẽ có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc về vấn đề này, tránh tình trạng chặt cây bừa bãi”, ông Thái Văn Thành cho hay.
Trao đổi với báo chí, GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp phân tích cây phượng vĩ có nguồn gốc từ Madagascar, tại đó người ta tìm thấy nó trong các cánh rừng ở miền Tây Malagasy.
Ngoài giá trị là cây cảnh, nó còn có tác dụng như một loài cây tạo bóng râm trong điều kiện nhiệt đới, do thông thường nó có thể cao tới một độ cao vừa phải (khoảng 10-15 m, đôi khi có thể tới 20 m) nhưng tán lá tỏa rộng và dày đặc tạo ra bóng mát.
Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của cây phượng là tuổi thọ không cao; cây trồng trên đường phố chỉ 30 tuổi là đã già cỗi, thân có dấu hiệu mục rỗng, sâu bệnh, nấm bắt đầu tấn công. Cây trồng trong công viên, trường học thì có thể có tuổi thọ cao hơn nhưng cũng chỉ đạt 40-50 năm tuổi.
"Lỗi đâu phải do cây phượng, lỗi là do con người chăm sóc và “ép” cây phải theo cái đẹp của con người nghĩ ra?", GS Chứ nói.