Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Các giải pháp vẫn chưa thể 'giải tỏa cơn khát thuốc'

(VTC News) -

Các địa phương đề nghị Bộ Y tế hoàn thiện các quy định về đấu thầu thuốc, quy định đấu thầu thuốc cụ thể, rõ ràng để các cơ sở y tế hiểu, thực hiện thống nhất.

Sau dịch COVID-19, các bệnh viện tiếp nhận trở lại số lượng lớn bệnh nhân, nhất là tại các bệnh viện tuyến trung ương. Song tỷ lệ nghịch với số lượng bệnh nhân là tình trạng thiếu thuốc, trong đó một phần do ảnh hưởng bởi đại dịch khiến nguồn cung bị đứt gãy gián đoạn.

Thuốc thiếu, bệnh nhân quá tải

Tại các cuộc họp với Bộ Y tế, lãnh đạo một số địa phương nêu thực tế, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế chủ yếu do lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra… Một số khó khăn khác là do chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá một số thuốc mua sắm tập trung quốc gia, dẫn tới các cơ sở phải thực hiện hình thức mua sắm tại cơ sở và không chủ động được thời gian, số lượng mua sắm…

(Ảnh minh họa)

Trong cuộc họp ngày 27/9/2022 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị Bộ Y tế hoàn thiện các quy định về đấu thầu thuốc; quy định đấu thầu thuốc cụ thể, rõ ràng để các cơ sở y tế hiểu và thực hiện thống nhất; quy định rõ ràng rõ trách nhiệm, thời hạn của các cơ quan trong việc tổ chức thực hiện đối với từng nội dung liên quan.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho rằng, thực tế vẫn có vướng mắc, cần gỡ rối trong công tác mua sắm trang thiết bị, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất. Đặc biệt, trong trường hợp có dịch bệnh diễn biến phức tạp, phát sinh, thì đồng thời có giải pháp không để xảy ra tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí trong hoạt động này. 

Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh và người chịu thiệt thòi trước tiên là người bệnh. Trước vấn đề cấp bách được đặt ra này, Bộ Y tế cho biết, đã đề xuất với Chính phủ các giải pháp trước mắt và dài hạn. 

Trong đó, giải pháp ngắn hạn trước mắt là Bộ Y tế đang tích cực soạn thảo để trình và tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết về bảo đảm thuốc, vật tư y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Thứ hai là đẩy nhanh tiến độ cấp phép, quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế.

Thứ ba là đẩy nhanh tiến độ các gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc đàm phán tại Trung ương và địa phương. Thứ tư là sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.

Về giải pháp dài hạn, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng và trình cấp có thẩm quyền để ban hành, sửa đổi, bổ sung các Luật Khám, chữa bệnh; Luật BHYT; Luật Trang thiết bị y tế, Luật Dược...

Theo ý kiến chuyên gia, về dài hạn, cần phải có sự xem xét một cách tổng thể, khi có thuốc có nên để ở Trung ương đấu thầu hay phân cấp về địa phương.

Phân tích vấn đề này, ông Nguyễn Huy Quang, Nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng: “Việc phân công phân cấp, phân quyền trong đấu thầu cũng cần phải được đặt ra nhưng trong bối cảnh là đáp ứng được năng lực của bộ phận thực hiện công tác đấu thầu. Nếu có phân cấp cũng phải xem xét mặt bằng của thị trường, bởi có thể mỗi nơi một giá khác nhau và họ lại có cơ hội để so sánh và nếu các giải pháp thực hiện được thì công tác đấu thầu thuốc sẽ ngày một tốt hơn”.

Với các thuốc đàm phán giá rõ ràng, thường là các thuốc biệt dược ông Quang cho rằng nên để Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia thực hiện công tác đấu thầu. Bên cạnh đó, với các loại thuốc khác gắn với đấu thầu tập trung, nếu cần có xem xét khả năng cung ứng, đáp ứng toàn bộ thị trường thuốc của 63 tỉnh, thành cũng nên để Trung ương thực hiện. Khi có giá nhất định, các địa phương tiến hành ký hợp đồng và thực hiện. Theo ông Quang, đây cũng là bước cải cách cả về tài chính và hành chính.

Chưa thể "giải tỏa cơn khát thuốc"

Ngày 3/8/2022, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia công bố kết quả lựa chọn nhà thầu đối với 3 gói thầu thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, với tổng giá kế hoạch hơn 7.630 tỷ đồng, giá trúng thầu là 6.293 tỷ đồng, tiết kiệm được 1.337 tỷ đồng, thậm chí có thuốc chỉ còn 46-48% so với giá kế hoạch.

Ông Nguyễn Huy Quang, Nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, đây là một tín hiệu đáng mừng nhưng "giải tỏa cơn khát thuốc" là phi thực tiễn. 

Tại cuộc họp ngày 21/9, với sự tham gia của lãnh đạo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), ông Đinh Xuân Huấn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dược Việt Nam kiến nghị, thời gian tới các doanh nghiệp dược cần được tháo gỡ khó khăn liên quan đến nguồn tài chính do hiện nay tỷ lệ nợ tiền thuốc sử dụng của các cơ sở khám chữa bệnh rất lớn, cơ chế đầu tư sản xuất thuốc công nghệ cao cần có sự linh hoạt kết hợp cả sản xuất các loại thuốc thông thường khác.

Lãnh đạo Tổng công ty Dược Việt Nam chia sẻ những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp. (Ảnh: VGP/Đình Nam)

Nêu những bất cập trong hoạt động đấu thầu, cấp số đăng ký lưu hành thuốc, các ý kiến tại cuộc họp cho rằng, việc tháo gỡ, cải cách triệt để các thủ tục hành chính, như cấp số đăng ký lưu hành thuốc; tiền kiểm, hậu kiểm trong lĩnh vực dược phẩm; cùng với những ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng sẽ thúc đẩy công nghiệp dược trong nước phát triển.

Bà Trần Thị Thư, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam đề xuất, cần có các cuộc họp thường xuyên giữa cơ quan quản lý và các doanh nghiệp dược để cập nhật, xử lý những vấn đề đặt ra trong thực tiễn.

Thiên Bình (VOV.VN)

Tin mới