Tiếp tục Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, chiều 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Giải trình, làm rõ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong đấu thầu tập trung, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, cả chủ quan lẫn khách quan.
Theo ông Thuấn, Bộ Y tế phải mất nhiều thời gian tổng hợp lại số liệu. Rồi sau dịch COVID-19, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng vọt, thống kê so với cùng kỳ tăng 40-60%, nên việc dự tính, dự trù không sát với nhu cầu.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Y tế cũng cho rằng, khi diễn ra dịch bệnh trên toàn thế giới có xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.
"Ở đâu đó cũng có tâm lý e dè, đặc biệt là người đứng đầu một số đơn vị. Một số đơn vị của Bộ Y tế lại quá tập trung vào phòng chống dịch. Trung tâm mua sắm tập trung ít người, trong khi việc thì nhiều”, ông Thuấn nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn.
Nguyên nhân khác mà ông Thuấn đề cập đến là một số quy định trong Luật Đấu thầu làm kéo dài thời gian thực hiện đấu thầu thuốc, vật tư y tế.
Ông Thuấn cho biết, hiện tại, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia (Bộ Y tế) đã giải quyết được 86/106 loại thuốc thầu tập trung; đàm phán được 19/65 thuốc biệt dược.
"Bộ Y tế cũng dự kiến chỉnh sửa thông tư, đặc biệt là Thông tư 15. Theo đó, phân cấp nhiều hơn cho cấp dưới, danh mục cũng dự kiến thu hẹp lại, thay vì 106 loại thuốc thì thời gian tới chắc chỉ tập trung vào vài chục loại, sẽ khả thi hơn, còn lại phân cấp cho cấp dưới", ông Thuấn thông tin.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhận định, nếu có sự tham gia của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong thầu tập trung thuốc, thiết bị y tế sẽ rất tốt, giảm được gánh nặng cho Bộ Y tế.
“Nếu Bảo hiểm xã hội Việt Nam đảm đương được việc này thì Bộ Y tế rất vui mừng, sẵn sàng chuyển giao”, ông Thuấn nêu.