Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ trưởng Y tế làm rõ 4 vấn đề nóng về thiếu thuốc, vật tư, bệnh viện đắp chiếu

(VTC News) -

Sáng 1/11, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phát biểu làm rõ vấn đề nóng được các đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2023.

Bộ trưởng cho biết, sau đại dịch COVID-19, lĩnh vực y tế của Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới bộc lộ nhiều tồn tại, vướng mắc. "Có thể nói đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của ngành Y tế với khối lượng công việc tồn đọng", bà Đào Hồng Lan nói và làm rõ 4 nội dung chính được các đại biểu quan tâm.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phát biểu sáng 1/11. (Ảnh: Quochoi.vn)

Thứ nhất, Bộ Y tế đang khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế là một thách thức dai dẳng với tất cả các nước. Đây không phải là hiện tượng mới và đặc biệt nghiêm trọng hơn trong và sau đại dịch COVID-19. Ngay cả các quốc gia phát triển hệ thống tiên y tế tiên tiến, hiện đại như Anh, Pháp, Ý, Hoa Kỳ cũng có hiện tượng này.

Thiếu thuốc xảy ra chủ yếu với các loại liên quan đến thần kinh, tim mạch, chống nhiễm trùng, chống ung thư, tiêu hóa, kháng độc bạch hầu và vaccine khẩn cấp cho bệnh sốt vàng, sinh phẩm chế biến từ huyết tương trong máu người.

Tư lệnh ngành Y tế chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến thiếu thuốc trên toàn thế giới. Trong đó, chủ yếu do nguồn cung nguyên liệu hoạt chất thế giới khan hiếm, giá cả biến động, lạm phát, khủng hoảng năng lượng và cả xung đột quân sự giữa các quốc gia đã làm tăng chi phí sản xuất dược phẩm.

"Giá thành sản phẩm tăng cao, chuỗi cung ứng dược bị gián đoạn khiến các nhà sản xuất giảm lợi nhuận hơn. Đây là nguyên nhân chung gây ra khan hiếm thuốc trên toàn thế giới", bà Lan nói.

Tại Việt Nam, việc tổ chức đấu thầu thuốc hiện nay được thực hiện ở cả ba cấp. Cụ thể, ở Trung ương, đấu thầu tập trung quốc gia chiếm khoảng 16,5 - 18% số lượng thuốc toàn quốc. Cấp địa phương và các cơ sở y tế tự thực hiện việc mua sắm. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập xuất hiện nhiều hơn sau đại dịch COVID-19.

Bên cạnh các yếu tố khách quan, Bộ trưởng Đào Hồng Lan phân tích nguyên nhân chủ quan do hệ thống văn bản pháp luật liên quan còn bất cập. Việc tổ chức thực hiện mua sắm, đấu thầu còn vướng mắc, phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình thực hiện mua sắm chưa kịp thời, hiệu quả, "đặc biệt là tâm lý e ngại, sợ sai ở một số cá nhân, đơn vị và địa phương".

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ các khó khăn, tồn tại, vướng mắc liên quan tới cơ chế mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế.

Bộ trưởng Y tế cũng kỳ vọng, các Nghị quyết 80, 99 của Quốc hội, Nghị quyết 30, Nghị định 07, 75 của Chính phủ, các Thông tư của các Bộ, ngành, Luật Đấu thầu sửa đổi 2023 sẽ giải quyết, tháo gỡ vướng mắc trong việc đảm bảo nguồn cung, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.

Nhân đây, Bộ trưởng cũng làm rõ vấn đề thiếu máu của Cần Thơ, các tỉnh miền Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ. Theo đó, tình trạng này gặp phải từ tháng 6/2023. Bộ đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Trung tâm Máu quốc gia, Bệnh viện Trung ương Huế, Truyền máu - Huyết học TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy và các trung tâm truyền máu khác đảm bảo hỗ trợ cho Cần Thơ và các tỉnh phía Nam.

Đến nay, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ đã cung cấp cho 74 bệnh viện trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long gần 65.000 đơn vị máu.

Về thông tin đến ngày 30/10 Cần Thơ vẫn báo cáo tình trạng thiếu máu, Bộ trưởng nêu nguyên nhân do khó khăn, vướng mắc liên quan đến đấu thầu tại địa phương. Lãnh đạo Bộ Y tế hứa sẽ cùng với các đơn vị tiếp tục hỗ hỗ trợ máu cho khu vực này.

"Rất mong các địa phương cùng quan tâm chỉ đạo để thực hiện việc mua sắm, chủ động từ việc xây dựng kế hoạch nhân lực rồi là thực hiện các cái vấn đề phối hợp làm sao đảm bảo được nhịp nhàng", bà Lan mong.

Các đại biểu thảo luận tại nghị trường sáng nay. (Ảnh: Quochoi.vn)

Thứ hai là vấn đề tiêm chủng mở rộng. Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đã tổ chức tổ chức mua sắm theo đúng quy định của pháp luật.

Đến nay, 10 loại vaccine sản xuất trong nước đã được đặt hàng theo quy định. Bộ Tài chính đang tích cực phối hợp cùng với Bộ Y tế để thẩm duyệt, phê duyệt giá và sẽ dự kiến hoàn thành trong tháng 11/2023.

Với vaccine 5 trong 1 phải nhập khẩu, Bộ Y tế đã thực hiện xong quy trình đấu thầu và cũng đang chờ kết quả để triển khai thực hiện trong tháng 11.

Trong thời gian chờ mua sắm vaccine theo quy định của Nhà nước thì Bộ Y tế đã vận động các nhà tài trợ trong nước và Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ đồng Liên hợp quốc hỗ trợ vaccine gần 300.000 liều 5 trong 1 cho 63 địa phương để thực hiện tiêm chủng.

Thứ ba về danh mục thuốc bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tính từ năm 2014 đến nay đã có 5 lần cập nhật.

"Không phải cứ thuốc mới nào được phát minh là đều được nghiễm nhiên đưa vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế", bà nói và nhấn mạnh Việt Nam đang được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức đóng bảo hiểm y tế.

Thứ tư là vấn đề giải quyết vướng mắc dự án Bệnh viện Bạch Mai 2, Việt Đức 2. Đầu năm nay, Thủ tướng đã thành lập tổ công tác rà soát khó khăn dự án này với sự tham gia của Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp.

Sau quá trình giám sát, triển khai, tổ đã đã đề xuất Chính phủ các phương án cho phép kéo dài thời gian bố trí thực hiện dự án đến hết ngày 31/12/2025. Tổ cũng đề nghị rà soát, điều chỉnh các hợp đồng đã ký theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu xây dựng, pháp luật liên quan và đề nghị bổ sung cân đối vốn để tiếp tục thực hiện dự án, sớm đưa dự án vào phục vụ Nhân dân.

Bộ Y tế đang khẩn trương phối hợp cùng với các Bộ, ngành để thực hiện thương thảo với các nhà thầu và thống nhất các nội dung điều chỉnh hợp đồng, sớm giải quyết các vướng mắc.

Ngoài 4 nội dung trên, Bộ trưởng Đào Hồng Lan ghi nhận, tiếp thu và có hướng giải quyết các ý kiến liên quan đến chế độ chính sách nhân viên y tế, nguồn lực y tế được đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp.

Hà Cường

Tin mới