Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bình Định: Bao giờ thành phố Quy Nhơn thôi 'bồng bềnh' trong mưa ngập?

(VTC News) -

Sau những đợt ngập nặng tại thành phố Quy Nhơn 2 năm trở lại đây, chính quyền địa phương đã và đang nỗ lực “giải bài toán” chống ngập nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Ngập lụt do thực hiện quy hoạch thiếu đồng bộ?

Cách đây 4 - 5 năm, Quy Nhơn được đánh giá là ít lụt lội hơn các tỉnh, thành phố lớn khác tại miền Trung. Mỗi trận mưa lớn đổ xuống chỉ mất tầm 15 phút là nước rút đi, nhưng hiện tại đang có dấu hiệu ngày càng trầm trọng hơn. 

Điển hình tại phường Ghềnh Ráng từ tháng 9 tới nay người dân đã 2 lần chịu cảnh ngập lụt nặng trên 1m, hình ảnh chèo thuyền giữa đường phố đã không còn "xưa nay hiếm".

Trận mưa ngày 20/11 khiến hàng trăm ngôi nhà bị ngập, gây thiệt hại nhiều tài sản của người dân. Đặc biệt, chợ Ghềnh Ráng bị ngập sâu, nước nhấn chìm hàng hóa của tiểu thương. Mưa lũ cũng gây sạt lở gần 40m đường bê tông ven suối ở phường.

Hay như các hộ dân tại khu vực phường Nhơn Bình, Nhơn Phú trong trận mưa ngày 12/10 vừa qua cũng chịu cảnh "nội bất xuất, ngoại bất nhập" cả ngày.

Đợt mưa tối 19/11 đến trưa 20/11 khiến nhiều khu vực trên địa bàn phường Ghềnh Ráng "mênh mông biển nước".

Ông Trần Viết Bảo - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định - nhận xét, trước nay chưa từng có trận mưa lớn như hôm 20/11. Các khu vực bị ngập ở phường Ghềnh Ráng lại nằm dưới thung lũng, nước mưa từ trên các triền núi dốc đổ thẳng về đây gây ngập nhanh.

Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh cũng xác nhận hệ thống thoát nước ở khu vực này hiện không đảm bảo năng lực thoát nước với lượng mưa lớn như vừa rồi.

Cách đây khoảng 10 năm, khi chính quyền tỉnh Bình Định đang có kế hoạch phát triển đô thị về phía hạ lưu sông Hà Thanh. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, định hướng phát triển đô thị về phía hạ lưu sông Hà Thanh là một trong những nguyên nhân làm trầm trọng thêm tác động của cơn lũ lịch sử tháng 11/2009, làm thiệt mạng 7 người và thiệt hại 22 triệu USD chỉ tính riêng ở thành phố Quy Nhơn.

Nghiên cứu này do TS Michael DiGregorio - Trưởng đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam và ThS Huỳnh Cao Vân thực hiện theo yêu cầu của Văn phòng Điều phối về Biến đổi Khí hậu (CCCO) tỉnh Bình Định.

TS DiGregorio cho biết, khi chưa có nhiều công trình cản nước như đường xá và các khu đô thị mới trong vùng chảy tràn mùa lụt, nước lũ sẽ nhanh chóng thoát ra đầm Thị Nại.

Phát hiện quan trọng nhất trong nghiên cứu của chúng tôi, cũng là điều mà người nông dân ở khu vực hạ lưu sông Hà Thanh đã biết rất rõ từ nhiều thế kỷ nay là: Bất cứ cái gì chặn dòng chảy của nước vào đầm Thị Nại cũng sẽ làm tăng ngập lụt. Tháng 11/2009, nước lũ đã không chảy tràn đều trên mặt đất và thoát vào đầm Thị Nại, mà tràn ngược trở lại do bị chặn bởi các con đê và đường xá" - TS DiGregorio nói tại Hội thảo quốc tế “Hội nhập khu vực tiểu vùng sông Mekong trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) - Một cái nhìn cận cảnh” tổ chức tại TP Quy Nhơn vào tháng 5/2013.

Những tưởng sau nghiên cứu đó, mọi việc sẽ được tính toán lại. Nhưng khoảng 4 - 5 năm trở lại đây, khu vực hạ lưu sông Hà Thanh liên tục “mọc” ra các dự án mới.

Theo tìm hiểu của PV, hiện khu vực hạ lưu 5 nhánh sông Hà Thanh đang có nhiều dự án như: Khu đô thị (KĐT) mới An Phú Thịnh, KĐT chợ Góc, Khu du lịch sinh thái và biệt thự Đầm Thị Nại, KĐT thương mại Bắc sông Hà Thanh,…

Một góc các dự án phía hạ lưu sông Hà Thanh (TP Quy Nhơn)

Để thi công các dự án này, chủ đầu tư đã san lấp rất nhiều diện tích đồng ruộng, ao hồ, rừng ngập mặn… vốn là vùng trũng được mệnh danh là “túi lũ” với chức năng chứa nước và điều hòa lũ trên sông Hà Thanh chảy ra biển.

Từ đường Điện Biên Phủ đi theo Quốc lộ 19 mới (thuộc phường Nhơn Bình), hai bên đường dày đặc những tấm biển lớn giới thiệu dự án chung cư, đất nền, biệt thự, nhà liền kề… Thậm chí, tại nhánh sông Hà Thanh 3 và 4, có nhiều vị trí bị doanh nghiệp phong tỏa, chặn dòng để thi công.

Tương tự, dọc đường Võ Nguyên Giáp (thuộc phường Đống Đa), cũng có hàng loạt các dự án đang san lấp, tạo mặt bằng. Nhiều đoạn, chủ đầu tư nâng mặt bằng lên cao, tạo vành đai cản trở dòng chảy từ nhánh sông Hà Thanh đổ vào đầm Thị Nại.

Các dự án này nằm ở hạ du 5 nhánh sông Hà Thanh - vốn là dòng thoát lũ tự nhiên quan trọng nhất của TP Quy Nhơn, khiến hệ sinh thái tự nhiên ở đây bị “méo mó”.

Câu hỏi đặt ra là: “Có hay không tình trạng các dự án đô thị được quy hoạch, đầu tư xây dựng phía hạ nguồn các sông đã tạo ra nút thắt cổ chai khiến TP Quy Nhơn thường xuyên xảy ra ngập lụt nặng, gây nhiều thiệt hại trong thời gian qua?”.

Liên quan đến tốc độ đô thị hóa của Bình Định, ông Trần Viết Bảo cho hay, đúng là tốc độ đô thị hóa của Quy Nhơn trong những năm gần đây diễn ra rất nhanh.

Phát triển đó là quy luật tất yếu khách quan của một thành phố biển có nhiều lợi thế về vị trí đẹp bên bờ biển được xác định trong mục tiêu của quy hoạch.

 

Nói nguyên nhân do quy hoạch chưa đồng bộ dẫn đến Quy Nhơn hay bị ngập lụt khi mưa lớn, nhất là mùa mưa bão là chưa chính xác. Vấn đề ngập lụt của Quy Nhơn hiện nay là do “thực hiện quy hoạch thiếu đồng bộ” chứ không phải là “quy hoạch thiếu đồng bộ”

Ông: Trần Viết Bảo - Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định

Theo ông Bảo, quy hoạch chung Quy Nhơn được các chuyên gia nghiên cứu rất kỹ về thoát nước vì thành phố nằm ở hạ lưu sông Hà Thanh, chịu tác động trực tiếp của lũ sông Hà Thanh, đồng thời chịu tác động ảnh hưởng của lũ hạ lưu sông Kôn và thủy triều của biển Đông.

Quy hoạch chung Quy Nhơn cũng đã gắn với kết quả nghiên cứu “Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Kôn - Hà Thanh - La Tinh” năm 2012 của Bộ NN&PTNT và năm 2019 UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt “Kế hoạch Quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông Kôn - Hà Thanh” để nghiên cứu các giải pháp tiêu thoát lũ cho khu vực TP Quy Nhơn.

Nghiên cứu chỉ ra các công trình cần phải đầu tư để giải quyết vấn đề ngập úng như mở rộng sông Dinh kéo dài về hạ lưu, mở rộng khẩu độ sông Hà Thanh tại cầu Đôi, chừa hành lang thoát lũ ở hạ lưu sông Cây Me, sông Cát ở Nhơn Bình rộng từ 600 - 800m để thoát nước ra đầm Thị Nại …

Do đó, về quy hoạch cơ bản đã được nghiên cứu về tiêu thoát lũ cho TP Quy Nhơn khá đầy đủ, không thể nói là thiếu đồng bộ. 

Bài toán “giải mãi chưa thấy đáp án”?

Ông Bảo nhấn mạnh, vấn đề ngập lụt của Quy Nhơn hiện nay là vấn đề “Thực hiện quy hoạch thiếu đồng bộ” chứ không phải là “Quy hoạch thiếu đồng bộ”, các dự án khu dân cư khu vực Nhơn Bình, Nhơn Phú được đầu tư kiểu da beo, thiếu đồng bộ với hệ thống thoát nước cho khu vực dẫn tới ngập lụt cục bộ các khu dân cư hiện hữu phía thượng lưu.

Các công trình tiêu thoát lũ được chỉ ra ở “Kế hoạch Quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông Kôn - Hà Thanh” chậm được đầu tư cũng là nguyên nhân làm cho ngập lụt các khu dân cư thấp trũng như: phường Ghềnh Ráng, xóm Tiêu phường Quang Trung, phường Nhơn Phú thường xuyên bị ngập khi mưa lớn.

Cụ thể, dự án mở rộng sông Dinh hiện đang được Ban quản lý Dự án công trình NN&PTNT triển khai chưa hoàn thành; Dự án mở rộng khẩu độ cầu Đôi tăng khả năng thoát nước cho sông Hà Thanh UBND thành phố Quy Nhơn đang thực hiện giải tỏa mặt bằng, chưa thi công xây dựng; Dự án cống thoát nước ra biển để thoát nước khu vực phường Ghềnh Ráng, UBND thành phố Quy Nhơn vẫn đang thi công dang dở.

Cống thoát nước ra biển khu vực Phường Ghềnh Ráng đến mùa mưa lũ vẫn còn dang dở.

Việc phát triển các khu đô thị, dân cư mới cũng đã chiếm mất không gian chứa nước tự nhiên khi mưa lũ, để khắc phục vấn đề này các chuyên gia cũng đã chỉ ra việc cần thiết phải đầu tư các công trình tiêu thoát lũ đã nêu. Khi những dự án hoàn thành sẽ giải quyết được vấn đề ngập lụt cho các vùng thượng lưu các công trình này. 

Biến đổi khí hậu cũng là yếu tố bất thường, lượng mưa ngày nay càng cực đoan hơn so với số liệu quan trắc trước đây nên cũng là yếu tố tăng thêm mức độ ngập lụt ở nước ta nói chung và khu vực TP Quy Nhơn nói riêng.

Để giảm việc ngập úng, các cơ quan quản lý hệ thống thoát nước cũng cần quan tâm nạo vét trước mùa mưa bão để tăng khả năng thoát nước của hệ thống; các đơn vị thi công công trình liên quan đến dòng chảy cần tháo dỡ, thanh thải các vật cản trước khi mùa mưa đến; người dân trong nội thành có hệ thống thoát nước cần tháo dỡ các vật cản (ngăn mùi) ở miệng các hố ga để tăng khả năng thoát nước mặt đường”, ông Bảo nói.

Tiêu thoát nước không kịp khiến cho các mặt đường TP Quy Nhơn bị ngập úng trong những ngày vừa qua.

Được biết, để thực hiện mục tiêu thoát lũ cho TP Quy Nhơn, từ năm 2014, UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định phê duyệt dự án xây dựng cấp bách kè chống sạt lở và cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát lũ chống ngập úng hạ lưu sông Hà Thanh, TP Quy Nhơn do Ban Quản lý dự án NN&PTNT tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư. 

Dự án được kỳ vọng sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng, chậm tiêu thoát lũ tại các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú và khu vực lân cận. Tuy nhiên, tiến độ triển khai dự án rất chậm, đến tháng 3/2020, UBND tỉnh Bình Định đã ra quyết định tạm dừng.

Mưa xuống, người dân địa phương phải di chuyển bằng thuyền ở một số khu vực trong thành phố

Theo lãnh đạo TP Quy Nhơn, điểm khó khăn nhất trong việc triển khai dự án này là có rất nhiều hộ dân lấn chiếm đất xây dựng nhà ở và các công trình. Vì vậy, việc giải phóng mặt bằng và đền bù giải tỏa sẽ phức tạp và mất khá nhiều thời gian.

Trong báo cáo của Sở NN&PTNT Bình Định nêu, tình trạng ngập lụt trong thời gian qua tại TP Quy Nhơn một phần do nhiều nhà dân lấn chiếm dòng chảy, lấn chiếm công trình thoát lũ, xây cất nhà trên đê còn phổ biến và vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để; dòng chảy trên các sông, trục tiêu còn tắc nghẽn do bèo, rác thải, xà bần.

Không tháo dỡ đường công vụ thi công cầu, đường gây cản trở thoát lũ tại các đường QL1A, QL19, QL19 mới. Các trục thoát lũ bị thu hẹp tại sông Dinh, thượng hạ lưu cầu số 4 Hà Thanh (TP Quy Nhơn); cầu Thiện Chánh ở Hoài Nhơn, cầu Phú Đa trên sông Gò Chàm (An Nhơn - Tuy Phước) làm gia tăng thời gian ngập lụt và chiều sâu ngập...

Ông Hồ Đắc Chương - Phó Giám đốc Sở NN& PTNT - cho rằng, năm 2021, trong quá trình phát triển một số phân khu, dự án đô thị phía Bắc Quy Nhơn, địa phương chưa thực sự quan tâm đến hạ tầng thoát lũ tự nhiên của các nhánh sông Hà Thanh. Hạ tầng đô thị san lấp cao, trong khi lòng sông thì đang bồi lấp, không đúng với quy luật thoát lũ trước kia.

Cũng theo ông Chương, hiện tỉnh đang triển khai nhiều dự án thoát lũ: Dự án hệ thống tiêu thoát lũ sông Dinh, mở rộng cầu Đôi, cống thoát khu vực phường Ghềnh Ráng… Tuy nhiên, việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn.

Hồ Phú Hòa một thời có chức năng là "lá phổi" điều hòa khí hậu và tiêu thoát lũ cho Tp Quy Nhơn cũng đã bị san lấp một phần.

Đơn cử như việc thi công trục thoát lũ sông Dinh, có vốn đầu tư 295 tỉ đồng, được triển khai tại 2 phường Nhơn Bình và Nhơn Phú từ năm 2021 - 2024. Dự án này sẽ mở rộng và nạo vét đáy sông, mở rộng khẩu độ cầu Chợ Dinh trên tuyến QL19 cũ để đảm bảo khả năng tiêu thoát lũ.

Tuy nhiên, dự án đến nay còn “vướng” ở khâu đền bù, giải phóng mặt bằng, với tiến độ như hiện nay, không biết đến bao giờ thành phố mới bàn giao hết mặt bằng sạch để có thể thi công.

Sắp tới, tỉnh cũng đang tiến hành xây dựng tuyến kè từ cầu Đôi đến cầu Hoa. Dự án này sẽ mở rộng cầu Đôi thêm 23m và mở rộng dòng thoát nước trên sông cầu Đôi để tăng cường khả năng tiêu thoát lũ kết hợp với chỉnh trang đô thị cho khu vực.

Dự kiến trục sông Dinh cơ bản hoàn thành vào năm 2023. Giai đoạn quá độ cũng sẽ có làm phiền đến nhân dân”, ông Chương nói.

Và như vậy, "làm sao khắc phục tình trạng ngập lụt tại TP Quy Nhơn khi mùa mưa tới" là bài toán đã tìm thấy hướng giải quyết nhưng... chưa ra kết quả.

Nguyễn Gia

Tin mới