Video: Xơ xác những ruộng rau màu của người dân.
Lũ lớn trong đêm 11/10 khiến khoảng 15 hộ dân tại tổ 4, khu vực 1 gần như bị cô lập. Đến sáng 13/10, nước bắt đầu rút, người dân mới có thể đi lại, dọn dẹp đồ đạc trong nhà.
Ở đây thuộc điểm trũng thấp, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi, cuộc sống bình thường đã vất vả, thiếu thốn. Trận mưa lũ vừa qua nhấn chìm nhiều diện tích hoa màu, vật nuôi của bà con. Cuộc sống của nhiều gia đình đã khó khăn càng thêm khổ.
Tuy nước rút, để vào trong các nhà dân ở tổ 4, người dân phải đi bằng thuyền vì nhiều đoạn đường vẫn còn ngập sâu.
“Mấy năm trước mưa lớn cỡ nào, nước cũng dâng lên chậm và rút rất nhanh, bà con có thời gian di dời vật dụng trong nhà, chuẩn bị nhu yếu phẩm, thu hoạch hoa màu... Những đợt mưa gần đây, nhất là trận mưa từ đêm 11/10, nước lên quá nhanh. Trong khoảng một giờ, nước tràn vào trong nhà, ngập sâu gần 1m, làm bà con trở tay không kịp”, chị Loan chia sẻ.
Chị Loan cho biết thêm, nước lên quá nhanh, mọi người trong nhà chỉ lo việc đưa đồ dùng lên cao, chẳng ai kịp chuẩn bị đồ ăn, nước uống. Bị cô lập trong 2 ngày, bà con tìm trong nhà còn thứ gì ăn thứ đó, hầu hết bữa ăn là cơm chan mắm, khát thì lấy nước mưa đun sôi để uống.
Nhà chị nuôi gần 100 con gà, bị mưa lũ cuốn đi gần một nửa. Cơn mưa lớn cũng khiến một phần thức ăn dự trữ cho bò của gia đình ông Tám Đào ngập trong nước, phần khác bị cuốn trôi. Hai ngày liền, 3 con bò không có gì ăn. Sợ bò đói chết, nước vừa rút bớt, ông Đào vội vã đi cắt cỏ.
“Cỏ bị ngập trong nước, bò ăn dễ bị ngộ độc. Liều thì còn có hy vọng cứu được bò, chứ nếu không chúng đói mà chết mất”, ông Tám Đào chia sẻ.
Ông Tám Đào dầm mưa cắt cỏ cho bò. Đám cỏ ngập trong nước, bám đầy bùn đất, cắt xong ông lại phải mất cả tiếng rửa cho sạch.
Dõi ánh mắt về phía ruộng đậu phộng (lạc) tới mùa trổ bông, làm hạt bị vùi trong nước lũ, ông Đào không khỏi lo lắng cho cuộc sống gia đình những ngày sắp tới, khi cả nhà chỉ trông chờ vào thu nhập từ mấy xào hoa màu.
"Tiền đóng học của tụi nhỏ, sinh hoạt gia đình đều trông vào chút rau màu, giờ thì chẳng còn gì hết. Không biết sắp tới phải xoay xở làm sao. Đó là chưa kể đến sau mưa lũ, môi trường sống bị ô nhiễm, xác động vật chết rồi rác thải sinh hoạt trôi khắp nơi, nguồn nước cũng bị ảnh hưởng, tiềm ẩn mầm bệnh", ông Đào bùi ngùi.
Theo báo cáo lúc 13h ngày 13/10 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn & Phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định, còn ngập ở một số thôn của huyện Phù Cát (ngập từ 0,2 - 0,3m) và một số tuyến đường lên thôn, liên huyện có nơi vẫn ngập trên 0,5m.
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định, sáng 13/10, tỉnh này còn khoảng 19.300 học sinh không thể đi học do bị nước lũ chia cắt đường đến trường. Trong đó, các khối từ mầm non, tiểu học, THCS có 15.573 em không thể đến lớp, tập trung ở TP Quy Nhơn (3.335 học sinh), thị xã An Nhơn (3.032 học sinh), các huyện Tuy Phước (8.442 học sinh), Phù Cát (944 học sinh).
Khối THPT có 3.528 học sinh tại các trường, gồm: THPT số 2 Tuy Phước, THPT số 3 Tuy Phước, THPT Nguyễn Diêu (đều ở huyện Tuy Phước) không thể đến trường, Ban Giám hiệu phải cho học sinh nghỉ học.