Con số lãi 2.660 tỷ đồng kinh doanh xăng dầu năm 2009 của Petrolimex vừa được công bố khiến dư luận bất ngờ. Đó là năm có số lần tăng giá xăng nhiều nhất (9 lần), với mức tăng kỷ lục (48,2%). Thêm nữa, trước mỗi lần tăng giá, doanh nghiệp đều kêu lỗ và Liên bộ Tài chính - Công Thương đã chấp nhận điều đó như một sự thật để bị "qua mặt" quá dễ?!
Liên bộ đã bị "lừa"?
Ngày 25/11, Bộ Tài chính đã cho công bố kết quả kinh doanh xăng dầu của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), theo báo cáo kiểm toán của Deloitte. Theo đó, lãi từ hoạt động kinh doanh xăng dầu năm 2009 của Petrolimex lên đến 2.660 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng năm 2009, sau 9 lần tăng giá, Petrolimex lãi tới 2.660 tỷ đồng |
Đây lẽ ra phải là một kết quả đáng mừng, nếu nó không được đặt cạnh những con số thống kê khác. Cho đến hiện tại, 2009 là năm giữ kỷ lục về số lần điều chỉnh giá xăng dầu từ trước đến nay, với 11 lần điều chỉnh, trong đó có tới 9 lần tăng giá và chỉ 2 lần giảm giá. Hai lần giảm giá được ghi nhận với tổng cộng 850 đồng/lít diễn ra vào ngày 1/10 và 15/12/2009.
Thế nhưng, với 9 lần tăng giá, giá xăng RON 92 đã tăng từ 11.000 đồng/lít, thời điểm trước khi tăng giá lần đầu năm 2009 lên đến 16.300 đồng/lít (thời điểm 20/11/2009), mức tăng tổng cộng là 5.300 đồng/lít, tương đương 48,2%.
11 lần điều chỉnh giá xăng dầu năm 2009 |
|
Đáng chú ý hơn, trong 11 lần điều chỉnh giá xăng dầu năm 2009, cụm từ được cơ quan quản lý giá, cụ thể là Tổ giám sát Liên bộ Tài chính - Công Thương nhắc đến nhiều lần là "giải quyết hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp".
Thế nhưng trên thực tế thì sao? Năm 2009 là thời điểm người dân vừa trải qua năm 2008 vô cùng khó khăn, kinh tế thế giới suy thoái, còn trong nước giá cả tăng phi mã. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2008 tăng so với năm 2007 là 22,97%. Vậy mà, Liên bộ đã "hài hòa lợi ích" để Petrolimex lãi tới 2.660 tỷ đồng từ kinh doanh xăng dầu năm 2009 trong lúc đời sống người dân quá khó khăn thì kể cũng lạ!
Chưa hết, ngay sau đợt giá xăng giảm 350 đồng/lít ngày 15/12/2009, đến đầu tháng 1/2010, các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu lại tiếp tục... kêu lỗ. Hệ quả là ngày 14/1/2010, Liên Bộ Tài chính - Công Thương lại phê duyệt quyết định tăng giá xăng dầu từ 18 giờ ngày 14/1/2010, giá xăng RON 92 tăng thêm 450 đồng/lít, lên mức 16.400 đồng/lít. Việc "hài hòa lợi ích" đã rõ, việc sau năm tài chính 2009 (lãi to), các doanh nghiệp kêu lỗ để xin tăng giá xăng dầu mà Liên bộ vẫn tin theo thì còn lạ hơn nữa?!
Lãi hàng nghìn tỷ khi nào?
Trong tất cả các thông báo tăng giá xăng, dầu phát đi từ Liên Bộ Tài chính - Công Thương, lần nào cũng đều dựa trên cơ sở "phương án đăng ký tăng giá bán lẻ xăng, dầu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối". Đi kèm với phương án giá là những lời than thở thua lỗ của các doanh nghiệp.
Mỗi lần tăng giá xăng dầu là một lần than lỗ, nhưng trong vòng một năm 2009 với 9 lần giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng giá, tức là khoảng hơn 1 tháng tăng một lần thì sẽ khó tìm được đâu thực sự là khoảng thời gian lãi của doanh nghiệp? Vậy thì, Petrolimex chẳng hạn, lỗ lúc nào để cuối cùng năm 2009 lãi đến 2.660 tỷ đồng? Không lẽ, tổ giám sát, điều hành không biết?
Trong các đợt tăng giá năm 2009, đáng chú ý nhất là đợt tăng giá ngày 1/7. Sau khi Liên bộ Tài chính - Công Thương sử dụng các công cụ tài chính như: tạm dừng trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; giảm thuế nhập khẩu... ngày 1/7/2009, Liên bộ cho phép doanh nghiệp tăng giá xăng, dầu từ 500 đồng/kg đến 700 đồng/lít đối với tất cả các chủng loại xăng, dầu. Nhưng ngay sau đó, từ ngày 2/7/2009 đến giữa tháng 7/2009 giá xăng, dầu thị trường thế giới lại đột ngột giảm về mức giá thấp hơn so với bình quân tháng trước đó.
Khi đó, dư luận đã lên tiếng đòi hỏi giảm giá xăng dầu nhưng thay vì quyết định giảm giá, ngày 14/7/2009, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) lại ban hành Công văn số 156 do Cục trưởng Nguyễn Tiến Thoả ký ghi rõ: "Theo báo cáo của doanh nghiệp, sau khi điều chỉnh tăng giá và sử dụng các công cụ tài chính như vậy (quyết định tăng giá ngày 1/7//2009 - PV), thì giá diezel, madut vẫn lỗ khá lớn, giá xăng, dầu hoả lỗ ít hơn".
Dư luận đặt câu hỏi, không hiểu việc "lỗ" của doanh nghiệp đã được căn cứ từ đâu để sau đó đã không có đợt giảm giá xăng dầu nào, chưa kể đến ngày 8/8/2009 giá xăng RON 92 lại tiếp tục được cho tăng thêm 500 đồng/lít? Không hiểu, cơ quan quản lý giá, cơ quan giám sát của Liên bộ đã căn cứ vào đâu để cho rằng doanh nghiệp đang lỗ khi mà kết quả kiểm toán mới đây với Petrolimex, đầu mối có thị phần áp đảo lại cho thấy họ lãi tới tận hàng nghìn tỷ đồng?
Không hiểu Liên bộ đã đứng ở đâu trong việc "hài hòa lợi ích" khi doanh nghiệp lãi vẫn báo lỗ, vẫn được phép tăng giá giữa lúc đời sống người dân chồng chất khó khăn, Chính phủ thì đang tìm mọi cách để thực hiện các biện pháp an sinh xã hội?
Theo Giadinh