Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bảo vệ doanh nghiệp truyền hình trong nước trước bão COVID-19 bằng cách nào?

(VTC News) -

Thất thu nặng vì COVID-19, truyền hình trong nước còn phải đứng trước cuộc đối đầu với dịch vụ truyền hình OTT xuyên biên giới của các đơn vị nước ngoài.

Đại dịch COVID-19 khiến hoạt động của các doanh nghiệp truyền hình Việt Nam bị ngưng trệ. Nhưng càng khó khăn hơn khi trong cuộc cạnh tranh khắc nghiệt, doanh nghiệp nội lại bị kiềm chân bởi sự quản lý chặt chẽ của pháp luật, trong khi các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới lại nằm ngoài vòng quản lý này. 

Nhiều doanh nghiệp lên tiếng đòi một sân chơi công bằng, nếu không họ phải đối mặt nguy cơ phá sản.

Sân nhà nhưng không được hưởng lợi

Hiện Việt Nam có 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với khoảng 14 triệu thuê bao, doanh thu khoảng 9.000 tỉ đồng/năm. Còn tổng số thuê bao truyền hình trả tiền qua Internet của các nền tảng xuyên biên giới như Netflix, Apple TV, WeTV (Trung Quốc) đang cung cấp tại Việt Nam khoảng 1 triệu thuê bao, doanh thu ước tính gần 1.000 tỉ đồng.

Truyền hình trả tiền qua Internet của các nền tảng xuyên biên giới ngày càng đổ bộ nhiều ở Việt Nam.

Một số doanh nghiệp kinh doanh truyền hình trả tiền than phiền: Các kênh truyền hình trả tiền trong nước kiểm soát nội dung rất chặt chẽ, các quy định về đóng thuế, phí cũng rất chặt chẽ.

Nhưng các kênh truyền hình trả tiền nước ngoài dường như đang "thả lỏng" về nội dung cũng như việc đóng các khoản thuế, phí. Các doanh nghiệp trong nước mong muốn có sự công bằng, bởi vì dẫu sao về văn hóa cũng nên ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước.

Quý I/2020, giữa bối cảnh COVID-19, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trong nước giảm khoảng 1 triệu thuê bao truyền hình truyền thống. Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài chưa phải thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam và năm 2020 tăng trưởng mạnh.

Nhiều ý kiến cho rằng tình trạng ưu đãi, bảo hộ ngược các doanh nghiệp truyền hình nước ngoài khiến doanh nghiệp trong nước bị kìm hãm, khó phát triển. Nếu tình trạng này còn kéo dài và không có hướng giải quyết thì chắc chắn doanh nghiệp kinh doanh truyền hình Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà, không phải do năng lực kém mà do sân chơi không công bằng.

Cấp thiết dừng ‘bảo hộ ngược’

Nhiều chuyên gia e ngại, nếu không sớm có những hành lang, hệ thống pháp lý rõ ràng để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng trong lĩnh vực truyền hình thì viễn cảnh doanh nghiệp ngoại sử dụng lợi thế hiện có để tiến vào thị trường Việt Nam và chiếm lĩnh thị trường truyền thông số là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Các dịch vụ truyền hình OTT nước ngoài có tiềm lực kinh tế vô cùng lớn mạnh với kho nội dung số khổng lồ, đa dạng thể loại với công nghệ kỹ thuật truyền dẫn nhanh, hiện đại, khi vào thị trường Việt Nam chắc chắn sẽ thu hút rất nhiều lượng công chúng quan tâm theo dõi. Việc doanh nghiệp truyền hình Việt Nam bị thua kém là điều tất yếu khi vừa phải bỏ chi phí cho việc xây dựng, cải tạo công nghệ kỹ thuật vừa phải đóng thuế hoạt động, vừa bị kiểm soát chặt về mọi mặt.

Chưa kể, những hoạt động tự do của các  dịch vụ truyền hình OTT xuyên biên giới cũng là mối nguy hại lớn đối với khán giả khi môi trường truyền thông có thể bị lợi dụng để truyền bá các thông tin sai lệch, vi phạm quy định pháp luật Việt Nam.

Các dịch vụ nội dung số ở Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ. Đây được xem là ngành mới với nhiều cơ hội phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, liệu ngành công nghiệp nội dung số sẽ có cơ hội phát triển như thế nào trước sự đổ bộ của dịch vụ OTT nước ngoài?

Cần có chế tài để đảm bảo tính cạnh tranh giữa doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong nước với các đơn vị nước ngoài.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông - từng cho biết, không để tiếp diễn tình trạng doanh nghiệp nước ngoài chiếm 70% doanh thu quảng cáo trong không gian số lại không nộp thuế. Theo ông Hùng, cần sửa đổi Nghị định 06 năm 2016 về quản lý cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trên Internet để quản lý các nền tảng xuyên biên giới.

Trong khi đó, nhiều ý kiến đề xuất cần cấp thiết ban hành luật mới cho các dịch vụ truyền hình OTT xuyên biên giới của nước ngoài hoạt động ở Việt Nam để tránh tình trạng “bảo hộ ngược”, bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp truyền hình trong nước. Nó không chỉ đem lại sự công bằng cho các doanh nghiệp trong nước mà còn bảo vệ được quyền lợi của công chúng tiêu dùng Việt Nam.

Cụ thể, cần sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật trong lĩnh vực thuế, tài chính để gắn trách nhiệm của các nhà mạng cung cấp qua nền tảng xuyên biên giới. Tiếp tục áp dụng các giải pháp đấu tranh về pháp lý, truyền thông, kinh tế kỹ thuật nhằm yêu cầu các nhà mạng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp Việt Nam.

HẢI DƯƠNG

Tin mới