Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ảnh: Xóm chài nghèo trong lòng thành phố Cảng trước ngày bị di dời

(VTC News) -

Được lên bờ là ước mơ từ rất nhiều năm nay của người dân xóm chài nghèo bên dòng sông Tam Bạc (Hải Phòng), nhưng cùng với đó là những trăn trở về cuộc sống mới của những người dân nơi đây.

Video: Xóm chài nghèo trong lòng thành phố Hải Phòng trước ngày bị di dời

 

Gần 40 năm qua, cuộc sống của hơn 40 hộ gia đình ở xóm chài nghèo vẫn lặng lẽ trôi đi bên bờ sông Tam Bạc (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng). Dù nhiều lúc ngậm ngùi trước ước muốn lên bờ của những đứa trẻ, nhưng họ lại tặc lưỡi cho qua vì khi lên bờ họ cũng chưa biết đi đâu, về đâu, chưa biết làm nghề gì khi quanh năm quen với sông nước.

Thông tin với PV VTC News, ông Dương Đình Ổn – Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng (Hải Phòng) cho biết: “Dự kiến tháng 5/2020, chúng tôi sẽ di dời làng chài để phục vụ dự án Cải tạo sông Tam Bạc giai đoạn 2, đoạn từ cầu Lạc Long đến cầu Hoàng Văn Thụ. Lãnh đạo địa phương đang xây dựng kế hoạch họp dân, khảo sát ý kiến liên quan nội dung này”.

Cũng theo ông Ổn, chính quyền quận Hồng Bàng cử cán bộ điều tra, xác minh quê quán của người dân đang sống tại xóm chài. Với những người có đất đai, nhà ở sẽ đưa người dân về quê, ổn định cuộc sống. Với trường hợp đặc biệt, không có chỗ ở, đất đai… chính quyền quận Hồng Bàng sẽ đề nghị lãnh đạo TP Hải Phòng có phương án an sinh xã hội đối với họ.

Thông tin di dời khiến những người dân ở xóm chài bên bờ sông Tam Bạc vừa mừng vừa lo.

Trong chiếc thuyền làm bằng xi măng, bà Lê Thị Lụa (63 tuổi, quê xã Trường Thọ, An Lão) bảo, đây là chiếc thuyền kiên cố nhất ở làng chài này, được vợ chồng ông bà mua khoảng 2-3 năm trước từ tiền họ hàng, các con cho.

Vợ chồng bà Lụa sinh được 8 người con thì có tới 5 người con gái lấy chồng, sinh con và “an cư lập nghiệp” ở chính xóm chài này. Thuyền của họ cũng neo đậu xung quanh thuyền vợ chồng bà.

“Gia đình chúng tôi có 5 đời ở đây, chứng kiến bao thăng trầm của xóm chài. Những năm trước, khi con của tôi mất, gia đình nghèo không có tiền làm ma chay, cũng chẳng có chỗ dựng rạp, để quan tài. Chúng tôi được mọi người ở địa phương quan tâm giúp đỡ mới lo được đám tang cho cháu. Cuộc sống lênh đênh sông nước khiến chúng tôi lo nhiều, có những lúc bế tắc. 4 đứa cháu đầu lòng của tôi không biết chữ, những cháu sinh sau được học ở lớp tình thương nên cũng biết đọc, biết viết. Cũng không biết bao đứa trẻ ở xóm chài này bị chết đuối trên dòng sông Tam Bạc", bà Lụa ngậm ngùi.

Từ lâu, bà Lụa và con cháu vẫn nuôi ước mơ được lên bờ sinh sống. Mỗi lần về thăm quê, nhìn họ hàng, làng xóm có nhà khang trang, bà lại mong có được một ngôi nhà như thế.

Vì “nghèo bền vững” nên bà Lụa lại lo cho ngày di dời xóm chài. Bà dự tính, nếu có ngày đó, vợ chồng bà vẫn tiếp tục làm sông nước. Con, cháu bà nếu ai có thuyền và muốn gắn bó với nghề sẽ tiếp tục quăng lưới ra khơi, còn không sẽ xin làm công nhân. 

“Dù nghèo nhưng chúng tôi sống với nhau rất hòa thuận, không bao giờ xảy ra cãi vã. Trẻ con trong xóm chài chơi đùa cùng nhau bằng những đồ chơi được các mạnh thường quân tặng”, bà Lụa mỉm cười khi nhìn những con thuyền nổi trên dòng sông cạn, được phủ nhiều chất liệu như nilon, tôn, gỗ  và nối với nhau bằng những cầu thang gỗ cũ kỹ.

Bên mâm cơm ăn vội để kịp đi thuyền ra sông mò sắt, đánh bắt tôm, cá… ông Lê Văn Thực (64 tuổi) cho biết, người dân ở xóm chài bên bờ Tam Bạc mỗi ngày chỉ ăn 2 bữa. Bữa trưa có thể ăn lúc 7-8h sáng cũng có thể lúc 10-11h hoặc 1-2h chiều.

Ngày nào cũng ra sông nhưng từ Tết tới nay, thu nhập của ông chỉ được khoảng 1 triệu đồng. Đêm 25/2, hai bố con ông đi làm nhưng không được con tôm, con cá nào. Đi làm xa lại tốn tiền xăng, dầu. Thời gian rảnh rỗi, ông Thực chăm sóc vườn cây được trồng ngày ở khoang thuyền.

Thiếu cái ăn là một lẽ nhưng những người dân xóm chài còn thiếu cả nguồn nước sạch. Trước đây, họ lấy nước sông Cấm để ăn, uống.

Hiện tại, họ mua nước trên bờ, đựng trong khoang thuyền hay ang, chum. Thế nhưng nguồn nước ấy cũng phải dùng tiết kiệm.

Bà Lê Thị Tình (50 tuổi) cũng phải chôn chặt ước muốn lên bờ khi thu nhập hàng ngày chỉ đủ ăn. Chỉ cho chúng tôi mũi thuyền bị gãy, bà Tình bảo, ngày 28 Tết, hai vợ chồng đang đứng ở mũi thuyền để vớt bèo, mũi thuyền gãy, hai vợ chồng ngã xuống sông giữa tiết trời rét mướt.

Trong chiếc thuyền dài khoảng 8-9m, chỗ phình rộng nhất gần 3m, chiều cao hơn 1m, mọi sinh hoạt từ nấu nướng, ngủ nghỉ của gia đình bà Tình đều diễn ra ở đó. Bà Tình cũng mơ ước về một mái nhà kiên cố ở trên bờ, nhưng thuyền to hơn bà còn không có được nên bà đành chôn chặt ước mơ trong lòng.

Nhìn những đứa trẻ trong xóm đang chơi đùa, bà Cao Thị Chĩnh (55 tuổi) thở dài khi nhớ tới đứa con gái đầu lòng bị chết đuối ở đây, hay thời điểm hai vợ chồng bà bị ngã xuống sông.

“Những lần mưa bão, tôi chỉ gói quần áo là gần hết tài sản dưới thuyền. Nồi, dép… vợ chồng tôi lấy dây buộc níu lại với nhau để tránh bị nước cuốn đi”, bà Chĩnh nhớ lại.

Những nỗi cực ấy, mỗi người dân xóm chài như bà Chĩnh hay bất kỳ ai khác đều trải qua. Họ cũng khóc, cũng cười trong cuộc sống này nhưng chỉ có duy nhất một điều họ chưa một lần chạm tới. Đó là cuộc sống ổn định trên bờ, đặt dấu chấm hết cho chuỗi ngày sống tạm bờ. Nhưng ước mơ đó vẫn đang xa vời với họ cũng chỉ bởi chữ “nghèo”. 

Nguyễn Huệ

Tin mới