Hạch trong thịt lợn là những khối u nhỏ, có hình dạng cứng, xuất hiện ở các mô mềm trong cơ thể lợn, thường nằm ở khu vực gần các cơ quan như gan, thận và các tuyến bạch huyết. Đây là bộ phận quan trọng của hệ miễn dịch, giúp lợn chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus.
Ăn phải hạch trong thịt lợn có sao không khi đó có thể là các hạch bạch huyết bị viêm nhiễm hoặc sưng do bệnh tật?
Hầu hết mọi người đều không cố tình ăn hạch trong thịt lợn nhưng trong quá trình chế biến, đôi khi hạch này không được phát hiện và loại bỏ, dẫn đến việc ăn phải chúng. Ăn phải hạch trong thịt lợn có sao không là nỗi băn khoăn lo lắng của nhiều người khi điều này xảy ra.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng và y tế, việc ăn phải hạch trong thịt lợn sẽ không ảnh hưởng sức khỏe nếu thịt được chế biến đúng cách và con lợn không bị bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu lợn bị nhiễm bệnh, các hạch bạch huyết có thể chứa vi khuẩn hoặc virus gây hại.
Hạch bạch huyết có lượng lớn thực bào - những tế bào có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể bằng cách ăn các vật chất có hại, những vi khuẩn và tế bào chết. Do đó, hạch bạch huyết là nơi chứa nhiều vi khuẩn, virus, ký sinh trùng. Các bệnh truyền nhiễm như dịch tả lợn, bệnh suy giảm miễn dịch của lợn hoặc một số bệnh ký sinh trùng có thể lây truyền qua hệ tiêu hóa nếu người ăn phải thịt lợn nhiễm bệnh.
Ăn phải hạch trong thịt lợn có sao không là điều mà nhiều người băn khoăn lo lắng. (Ảnh: Button Soup)
Một trong những mối lo ngại phổ biến nhất là bệnh sán dây (taenia solium), một loại ký sinh trùng có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe của người tiêu dùng nếu thịt lợn không được nấu chín kỹ. Trong trường hợp này, hạch có thể là nơi ký sinh trùng tồn tại, và người tiêu dùng ăn phải thịt không qua chế biến hoặc chế biến chưa chín kỹ có thể mắc bệnh.
Trả lời báo Dân Trí, BS Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết mầm bệnh trong hạch lợn khó tiêu diệt dù được nấu ở nhiệt độ cao. Ngoài các vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, hạch lợn còn có thể là nơi tích tụ các loại thuốc, kháng sinh mà con vật được tiêm trong quá trình chăn nuôi.
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, việc nhận diện và xử lý hạch trong thịt lợn là rất quan trọng. Khi mua thịt lợn, bạn nên chọn mua sản phẩm từ các nguồn cung cấp uy tín, có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm để tránh nguy cơ mua thịt lợn nhiễm bệnh.
Khi mua thịt lợn về nhà, bạn nên kiểm tra kỹ thịt để phát hiện hạch bạch huyết. Các hạch này có thể xuất hiện ở những khu vực như cơ, bụng hoặc xung quanh các khớp. Dùng dao sắc cắt bỏ trước khi nấu để tránh ăn phải hạch trong thịt lợn.
Cần đảm bảo rằng thịt lợn được nấu chín hoàn toàn ở nhiệt độ cao để tiêu diệt các vi khuẩn và ký sinh trùng. Việc nấu chín kỹ còn giúp ngăn ngừa các nguy cơ nhiễm bệnh từ thịt lợn. Nếu phát hiện hạch có dấu hiệu sưng, thay đổi màu sắc hoặc có mùi lạ, hãy bỏ đi, không sử dụng.
Những phần dưới đây của con lợn được rất nhiều người yêu thích nhưng nếu ăn quá nhiều, quá thường xuyên sẽ không tốt cho sức khỏe.
Óc lợn
Óc lợn giàu niacin, phosphorus, B12 và vitamin C nhưng lại rất nhiều chất béo. 100gr óc lợn có tới 2.500mg cholesterol, tức là gấp 8 lần nhu cầu cholesterol của một người mỗi ngày.
Óc lợn không giúp phát triển trí thông minh như nhiều người lầm tưởng mà còn gây béo phì, đặc biệt không có lợi cho trẻ nhỏ, người bị rối loạn mỡ máu hay có các bệnh tim mạch khác…
Lượng chất đạm trong óc lợn không hề cao, chỉ có 9gr/100gr, thấp hơn rất nhiều so với thịt.
Chân giò, móng giò
Chân giò, móng giò chứa protein, canxi, sắt, vitamin A, B, C… là các chất có lợi cho cơ thể. Tuy nhiên lượng chất béo cũng cao, nếu ăn quá nhiều sẽ gây đầy bụng, khó tiêu, thừa cân, tăng mỡ máu. Người có dấu hiệu cholesterol tăng cao nên hạn chế món này.
Lòng
Lòng lợn - bao gồm lòng già, lòng non - chứa nhiều chất béo, protein, cholesterol, vitamin A, vitamin E, canxi, kali, natri, magiê, sắt.
Lòng lợn là món khoái khẩu của nhiều người nhưng không nên ăn thường xuyên. (Ảnh: POPPY)
Lòng lợn có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như luộc, xào, nướng, nhúng lẩu... và là món khoái khẩu của nhiều người. Tuy nhiên, vì phần này chứa nhiều cholesterol nên những người bị bệnh tim mạch, tiểu đường không nên ăn; người bình thường cũng đừng ăn thường xuyên.
Lòng lợn nếu không được chế biến sạch sẽ và nấu chín sẽ chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm như vi khuẩn E.Coli, các vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn…
Phổi lợn
Khí quản trong phổi lợn là mạng lưới dày đặc, cấu trúc phức tạp nên rất khó làm sạch. Do đó, bạn không nên ăn nhiều phổi lợn để tránh nạp vào người lượng lớn chất độc hại.
Gan lợn
Gan lợn rất giàu dinh dưỡng với nhiều đạm, vitamin A, B, D, nicotilic và axid folid. Lượng vitamin A trong gan lợn cao gấp nhiều lần so với thịt, cá, trứng, sữa. Tuy nhiên, bộ phận này tập trung nhiều chất cặn bã, mầm bệnh cùng một hàm lượng độc tố nhất định. Trong gan cũng có nhiều ký sinh trùng (như sán) và virus gây bệnh.
Khi mua gan, bạn nên chú ý lựa chọn gan có màu sắc tươi đặc trưng, không có đốm trắng, đỏ hay màu sắc bất thường.
Tiết
Tiết lợn là nguồn bổ sung chất sắt dồi dào, nhưng với điều kiện là con lợn phải khỏe mạnh. Tuy nhiên bạn không thể chắc chắn điều đó khi mua tiết lợn, nguy cơ mua phải tiết lợn chết, lợn ốm, bệnh hoặc tiết không còn tươi vẫn luôn hiện hữu.
Tiết lợn càng nguy hiểm nếu được sử dụng trong món tiết canh - món rất nhiều người yêu thích. Nếu lợn nhiễm liên cầu khuẩn Streptococcus suis thì ngay cả khi không phát bệnh, máu của nó cũng chứa một lượng lớn vi khuẩn này. Khi bạn ăn tiết canh lợn, liên cầu khuẩn từ thức ăn sẽ xâm nhập cơ thể và gây bệnh. Rất nhiều người đã thiệt mạng vì liên cầu khuẩn sau khi ăn tiết canh. Do đó bạn tuyệt đối không nên ăn món này.