Nỗi kinh hoàng mang tên Cát Linh - Hà Đông
Khoảng 9h ngày 6/11/2014, trước cửa Học viện Y dược học cổ truyền nằm trên phố Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), chiếc cần cẩu của đơn vị thi công bất ngờ đứt cáp, một thanh thép lớn rơi xuống phần đường dành cho các phương tiện đang lưu thông phía dưới khiến thượng úy Nguyễn Như Ngọc (33 tuổi), công tác tại Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) chết tại chỗ và 2 người khác bị thương nặng.
Đây cũng là thời điểm bắt đầu cho hàng loạt các tai nạn tiếp theo của công trình đường sắt chưa biết bao giờ mới đi vào hoạt động này.
Thanh sắt rơi từ công trường xuống khiến một ngườ ichết, 2 người bị thương. (Ảnh: Otofun)
Chưa đầy 2 tháng sau đó, vào lúc 4h sáng 28/12/2014, trong quá trình đổ bê tông thi công xà mũ trụ H7 bất ngờ hệ thống sàn, đà giáo và bê tông xà mũ H7 bị sụt xuống đường. Toàn bộ giàn giáo và bê tông đè bẹp chiếc taxi, vùi trong đống đổ nát. Trên xe lúc đó có 4 người gồm lái xe và 3 hành khách nữ, rất may sự việc trên không gây thiệt hại về người.
Hiện trường vụ sập giàn giáo đè bẹp taxi.
Khoảng nửa năm sau, tại công trường thi công đoạn qua số nhà 341 đường Nguyễn Trãi tiếp tục xảy ra vụ việc một thanh sắt dài hơn 1m rơi trúng một chiếc ô tô Honda Civic lưu thông trên đường. Cũng rất may là sự việc trên chỉ gây thiệt hại về tài sản.
Đến ngày 16/10/2016 tại công trường thi công khu vực nhà ga Văn Quán xảy ra vụ việc một nam công nhân 19 tuổi tên Lê Văn Linh (19 tuổi) rơi từ trên cao xuống đất và bị thương nặng.
Ngoài những sự việc nghiêm trọng như trên, còn hàng chục vụ việc vật liệu xây dựng rơi từ công trường thi công trên cao xuống phía dưới gây nguy hiểm cho người đi đường khác.
Hàng cây xà cừ trên đường Nguyễn Trãi trước khi bị chặt bỏ. (Ảnh: Vnexpress)
Không những vậy, việc thi công nhiều năm liền khiến tuyến đường huyết mạch Hà Đông - Nguyễn Trãi trở thành điểm đen về tắc nghẽn giao thông mỗi ngày trong những giờ cao điểm. Những người hàng ngày đi qua con đường này nhiều năm trời không biết kêu ai, chỉ còn cách "sống chung với lũ" đợi ngày dự án hoàn thành để thoát khỏi cảnh vật lộn với khói bụi và tắc đường mỗi khi đi làm về. Nhưng đến nay đã dự án vẫn chưa thể đi vào hoạt động.
Nằm trên tuyến đường huyết mạch của Thủ đô, việc thi công tuyến đường sắt trên cao kéo dài nhiều năm khiến người dân khổ sở, vật lộn với tắc đường.
8 lần thất hẹn
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD). Quá trình thực hiện, dự án được điều chỉnh lên 18.000 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD); thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC trọn gói, trong đó Tổng thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông nhiều lần lỗi hẹn.
Tuy nhiên, đến nay sau 12 năm phê duyệt và gần 10 năm thi công, dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể đi vào hoạt động dù gần như đã hoàn thiện khối lượng công việc và đã 8 lần lỡ hẹn với người dân Thủ đô.
Tháng 7/2015, Tổng thầu EPC báo cáo tiến độ các nhà ga trên tuyến mới đạt 30 - 50% và xin lùi tiến độ. Lãnh đạo Bộ GTVT khi đó đã yêu cầu thay tổng thầu và phải quyết liệt đưa dự án đúng mốc 30/6/2016.
Đến đầu năm 2016, dự án lại lỗi hẹn vì thi công nhỏ giọt. Bộ GTVT lại ra "tối hậu thư" yêu cầu ngày 31/12/2016 phải hoàn thành xây lắp dự án, cuối quý II/2017 sẽ vận hành chính thức. Nhưng sau đó phía tổng thầu lại thất hứa và xin lùi tiến độ đến đầu năm 2018.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã báo cáo Thủ tướng và chốt tiến độ hoàn thành trong quý IV/2018. Thời gian vận hành và chạy thử nghiệm dao động từ 3-6 tháng.
Tháng 9/2018, dự án chạy thử nghiệm và lại lùi thời gian vận hành đến tháng 4/2019. Dịp 30/4, dự án tiếp tục lỡ hẹn, lùi đến quý 2/2019.
Video: Tổng thầu Trung Quốc đề nghị thanh toán 50 triệu USD: Bộ GTVT lên tiếng
Tháng 4/2019 ông Vũ Hồng Phương, quyền Giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt, thông báo khối lượng xây lắp của đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành được 99%. Thời điểm đó, Bộ trưởng Thể kỳ vọng dự án có thể hoàn thành và có thể đưa đường sắt vào vận hành thương mại từ tháng 4/2019.
Tuy nhiên đến ngày 30/4/2019,Ban quản lý dự án Đường sắt cho biết mục tiêu hoàn thành dự án đã không đạt được dù cả tổng thầu và ban quản lý dự án đều nỗ lực. Đại diện ban quản lý dự án cho biết còn nhiều phần việc liên quan như công tác đào tạo nhân sự, nghiệm thu và tiến độ xây dựng tại hiện trường.
Sau đó 1 tháng, đường sắt Cát Linh tiếp tục gây xôn xao dư luận sau khi Kiểm toán Nhà nước kết luận Bộ GTVT đã phê duyệt tăng tổng mức đầu tư dự án từ 8.770 lên hơn 18.000 tỷ đồng mà không được Quốc hội phê duyệt. Và cho đến nay dự án vẫn chưa thể đi vào hoạt động sau cả chục lần hứa hẹn, đốc thúc.
Mới đây, tổng thầu Trung Quốc của dự án này đã lại gây xôn xao dư luận khi đề nghị Bộ Giao GTVT thanh toán 50 triệu USD để chạy thử tàu Cát Linh - Hà Đông. Lý do được nhà thầu này đưa ra là để chi trả cho thầu phụ và lương chuyên gia. Tuy nhiên, Bộ GTVT khẳng định việc tổng thầu đề nghị thanh toán như trên là chưa phù hợp với các điều khoản thanh toán của Hợp đồng EPC và các phụ lục hợp đồng đã ký. Ban Quản lý dự án đường sắt sẽ thực hiện thanh toán cho tổng thầu theo các quy định của hợp đồng và các quy định của pháp luật liên quan.
Tại báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Chính phủ cho biết, dự án cơ bản hoàn thành, tuy nhiên chưa đủ điều kiện nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác, còn tồn tại một số các vướng mắc liên quan đến thiết bị công nghệ khu Depot, đánh giá an toàn đoàn tàu, công tác vận hành toàn hệ thống và thanh quyết toán...
Như vậy, tương lai dự án tai tiếng này được hoàn thiện và đi vào vận hành vẫn còn rất xa vời.