Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ai có nồng độ cồn nội sinh?

(VTC News) -

Cồn nội sinh là cồn do cơ thể tự sinh ra, không có bất kỳ tác động khác bên ngoài, vậy ai mới có nồng độ cồn nội sinh?

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc Phòng, nhiều người băn khoăn việc bản thân không ăn uống hay tiếp xúc các thực phẩm có cồn nhưng khi thổi nồng độ cồn vẫn dương tính.

Trường hợp này có thể gọi là cồn nội sinh - tức cồn do cơ thể tự sinh ra. Cơ thể mỗi người đều có nồng độ cồn tự nhiên, dù rất nhỏ. Glucose được cho là nguồn năng lượng ưa thích của nấm men và vi khuẩn cũng như đối với con người. Khi chúng vào cơ thể, quá trình chuyển hóa khác nhau sẽ phát sinh lượng cồn.

Một số trường hợp khả năng cao gây cồn nội sinh bao gồm người bệnh gặp các vấn đề chuyển hóa, người có các bệnh lý đường tiêu hóa, đường mật, xơ gan, đái tháo đường, một số loại nấm men và có mặt ở niêm mạc của cơ thể cũng gây cồn nội sinh.

Việc không uống rượu bia vẫn có nồng độ cồn chỉ xảy ra với tỷ lệ rất nhỏ. (Ảnh: Ngô Nhung)

Bệnh viện có thể kiểm tra cồn nội sinh bằng cách test carbonhydrat, tức là bác sĩ sẽ cho uống một lượng glucose nhất định, sau đó định lượng lại nồng độ cồn trong máu. Nếu kết quả thấy nồng độ cồn xuất hiện và tăng lên, có thể là hiện tượng cồn nội sinh. Ngược lại, nếu không xuất hiện nồng độ cồn sẽ không phải là trường hợp có cồn nội sinh.

Tuy nhiên, khi bạn bị thổi dương tính nồng độ cồn, việc kiểm tra này rất khó áp dụng thực tế để bào chữa. Giải pháp là nên quy định một ngưỡng nồng độ cồn để phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của mọi người. Việc không uống rượu bia vẫn có nồng độ cồn chỉ xảy ra với tỷ lệ rất nhỏ, bạn không cần quá lo lắng.

Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một đơn vị uống chuẩn chứa 10g cồn tương ứng với: 1 chén rượu mạnh 40 độ (30ml), 1 ly rượu vang 13,5 độ (100ml), 1 vại bia hơi (330ml), hoặc 3/4 chai (lon) bia 5% (330ml). Tùy vào lượng uống sẽ quy ra khoảng bao nhiêu đơn vị cồn.

Với người trưởng thành, sức khỏe bình thường thì cứ sau một tiếng, gan sẽ đào thải được một đơn vị cồn. Những người chức năng gan suy yếu hay có cơ thể chuyển hóa chậm hơn sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Các chuyên gia nhận định không thể tính toán tuyệt đối thời gian đào thải cồn vì tùy vào cơ thể mỗi người và cách ăn uống. Khuyến cáo tốt nhất là không lái xe khi uống rượu để tránh các rủi ro.

NHƯ LOAN

Tin mới