Các nghiên cứu cho thấy, ăn nhiều thực vật hơn, đặc biệt là nấm có thể làm giảm căng thẳng và bớt trầm cảm. Hoặc một giấc ngủ ngắn vào ban ngày cũng mang lại lợi ích cho sức khỏe của bạn.
Thực hiện 7 điều dưới đây ngay từ bây giờ có thể gúp bạn giảm bớt nguy cơ trầm cảm và các vấn đề liên quan đến bệnh tim mạch, ít căng thẳng hơn, thậm chí kéo dài tuổi thọ.
1. Ăn nấm - giảm nguy cơ trầm cảm
Theo nghiên cứu của Đại học Y Pennslyania State (Hoa Kỳ), nấm không đắt, chế biến nhanh và dễ. Ngoài tác dụng chống ung thư, nấm có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh trầm cảm.
Ăn 2 cây nấm cỡ trung bình mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ ung thư của bạn xuống 45%, phân tích của nhiều nghiên cứu cho thấy như vậy, nhưng các nhà nghiên cứu khác đề nghị thận trọng về kết luận này.
Nấm là thực vật giàu ergothioneine (chất chống oxy hóa cực mạnh), có tác dụng bảo vệ và chống lại các tổn thương tế bào và mô.
Là nguồn cung cấp ergothioneine cao nhất trong các loại thực phẩm, nấm có tác dụng chống viêm, có thể làm giảm nguy cơ stress, oxy hóa trong cơ thể. Nhờ đó, nấm có công dụng làm giảm các triệu chứng của bệnh trầm cảm.
2. Ngủ trưa
Ngủ trưa là điều tốt cho sức khỏe, nhưng một nghiên cứu được trình bày tại Đại hội Hiệp hội Tim mạch châu Âu 2020 đã chỉ ra rằng, ngủ trưa nhiều hơn 60' có liên quan đến nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân cao hơn 30% và khả năng mắc bệnh tim mạch cao hơn 34% so với không ngủ trưa.
Ngủ trưa được coi là lành mạnh, nhưng không nên quá 60 phút.
Tuy nhiên, giấc ngủ trưa dài có liên quan đến nguy cơ tử vong cao hơn nếu người đó ngủ nhiều hơn 6h mỗi đêm.
Các nghiên cứu khác cho thấy, ngủ trưa dài còn có liên quan đến mức độ cao hơn của chứng viêm, huyết áp cao và bệnh tiểu đường.
Bác sĩ Tony Wong, làm việc tại Phòng khám Y tế London ở Hồng Kông cho biết, những giấc ngủ trưa dài cũng có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi.
Ông nói: “Ngủ trưa giúp thư giãn và nạp năng lượng cho cơ thể và tâm trí, nhưng bạn hãy duy trì giấc ngủ ngắn trong 20'. Bất cứ điều gì lâu hơn sẽ đưa bạn vào giai đoạn ngủ sâu và bạn có thể cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy".
3. Kiểm tra sức khỏe thường xuyên
Kiểm tra sức khỏe thường xuyên giúp phát hiện và điều trị sớm bệnh tật, đồng thời có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn và thậm chí là ngăn ngừa tử vong sớm, BS Wong nói.
Các tầm soát có thể được cá nhân hóa để phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mỗi người. Bác sĩ có thể thảo luận các mối quan tâm về sức khỏe và xem xét các lựa chọn về tuổi tác, giới tính và lối sống của bạn để xác định các xét nghiệm thích hợp.
Bác sĩ Tony Wong từ Phòng khám Y tế London ở Hồng Kông.
BS Wong chia sẻ: “Bạn nên xét nghiệm máu hàng năm để kiểm tra chức năng gan và thận, cũng như mức cholesterol. Phụ nữ trên 40 tuổi nên được chụp cắt lớp vú và khung chậu hàng năm và tối thiểu là phải xét nghiệm tế bào cổ tử cung. Trong khi nam giới dưới 40 tuổi nên khám tinh hoàn hàng năm và khám tuyến tiền liệt nếu trên 50 tuổi”.
Kiểm tra sức khỏe tâm thần cũng quan trọng không kém. Trong quá trình kiểm tra sức khỏe thể chất, bác sĩ có thể đánh giá lâm sàng sức khỏe tâm thần của bạn bằng cách sử dụng bảng câu hỏi dựa trên bằng chứng trong tâm lý học. BS Wong cho biết thêm, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng thể chất, nhưng chúng có thể là biểu hiện thể chất của các vấn đề tâm lý.
4. Ăn nhiều trái cây và rau củ
Căng thẳng mãn tính là nguyên nhân dẫn đến trình trạng trầm cảm, lo lắng, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tiêu hóa, bệnh tim mạch, ảnh hưởng đến giấc ngủ, tăng cân và đau cơ.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Edith Cowan ở Úc cho biết, tiêu thụ ít nhất 470g trái cây và rau củ mỗi ngày có thể giúp bạn giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng.
Họ cũng chỉ ra rằng, những người ăn tối thiểu 470g trái cây và rau củ mỗi ngày có mức độ căng thẳng thấp hơn 10% so với những người tiêu thụ ít hơn 230g mỗi ngày (Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị ăn tối thiểu 400g rau củ quả mỗi ngày).
Không chỉ giàu chất xơ, trái cây và rau quả còn chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, tất cả đều có thể làm giảm viêm và stress oxy hóa, đồng thời giải quyết những vấn đề dẫn đến tăng căng thẳng và lo lắng.
5. Đi ngủ vào ban đêm đúng giờ
Đi vào giấc ngủ từ 22h - 23h được coi là là lý tưởng nhất cho sức khỏe tim mạch, một nghiên cứu ở Vương quốc Anh cho biết.
Nghiên cứu được công bố vào 11/2021 trên Tạp chí Tim mạch châu Âu - Sức khỏe Kỹ thuật số, tiết lộ rằng, những người ngủ từ 23h - 23h59' có nguy cơ phát triển bệnh tim cao hơn 12% và những người ngủ vào lúc nửa đêm hoặc muộn hơn có rủi ro cao hơn 25%. Trong khi đó, ngủ gật trước 22h có liên quan đến việc tăng 24% nguy cơ mắc bệnh.
Trong thời gian nghiên cứu kéo dài 6 năm, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, tỷ lệ các biến cố tim mạch như đột quỵ, đau tim và suy tim thấp nhất ở những người ngủ trong khoảng thời gian từ 22h - 22h59', ngay cả khi các yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn như tuổi tác, giới tính, giấc ngủ. Hay thời gian, tình trạng hút thuốc và chỉ số khối cơ thể cũng đã được tính đến.
Cơ thể có một đồng hồ sinh học 24h được gọi là nhịp sinh học, giúp điều chỉnh hoạt động thể chất và tinh thần. Theo tác giả nghiên cứu - tiến sĩ David Plans từ Đại học Exeter (Anh), “kết quả cho thấy, đi ngủ sớm hoặc muộn có nhiều khả năng làm rối loạn nhịp sinh học của cơ thể, gây hậu quả xấu cho sức khỏe tim mạch".
6. Uống đủ nước mỗi ngày
Luôn cung cấp đủ nước cho cơ thể trong suốt cuộc đời có thể làm giảm nguy cơ phát triển suy tim 25 năm sau, nghiên cứu được trình bày vào 8/2021 tại Đại hội Tim mạch châu Âu. Việc duy trì hydrat hóa tốt có thể làm chậm hoặc thậm chí ngăn chặn những thay đổi trong tim dẫn đến suy tim.
Uống bao nhiêu nước là đủ? Theo khuyến nghị, mỗi ngày phụ nữ nên cung cấp nước cho cơ thể từ 1,6L - 2,1L và từ 2L - 3L đối với nam giới. Tuy nhiên, nhiều người thậm chí còn không đáp ứng được lượng nước tối thiểu trong các phạm vi này.
Theo các nhà nghiên cứu: “Natri huyết thanh là một thước đo chính xác về tình trạng hydrat hóa: Khi mọi người uống ít nước hơn, nồng độ natri huyết thanh tăng lên. Sau đó, cơ thể sẽ cố gắng tiết kiệm nước, kích hoạt các quá trình được cho là góp phần vào sự phát triển của bệnh suy tim”.
7. Không ngồi quá lâu
Việc thực hiện các chỉ thị liên quan đến đại dịch COVID-19 khiến lối sống của hầu hết mọi người trở nên ít vận động hơn. Điều này khiến không ít người rơi vào trạng thái trầm cảm, lo lắng, căng thẳng và cô đơn, theo 2 nghiên cứu của người Mỹ.
Nghiên cứu thứ nhất được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe Cộng đồng (2020) cho thấy rằng, những người tham gia tập thể dục từ 2,5h - 5h mỗi tuần trước đại dịch đã giảm 32% trong thời gian thực hiện các chỉ thị liên quan đến COVID-19 vào 3/2020. Những người ngừng tham gia cho biết, họ cảm thấy chán nản, lo lắng và cô đơn hơn.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi những người tham gia trong khoảng thời gian từ tháng 4 - tháng 6, trong giai đoạn này, những người tham gia thường báo cáo về sự cải thiện sức khỏe tâm thần của họ.
Tuy nhiên, “đối với những người ngồi nhiều, các triệu chứng trầm cảm của họ trung bình không hồi phục giống như những người khác”, tác giả chính Jacob Meyer từ Đại học Bang Iowa (Hoa Kỳ) cho biết. Kết quả từ nghiên cứu thứ hai được công bố vào 11/2021 trên Tạp chí Frontiers in Psychiatry.
Điều này không có nghĩa là ngồi lâu gây ra các triệu chứng trầm cảm. Nhưng một chút hoạt động thể chất cũng có thể cải thiện tâm trạng và sức khỏe tinh thần của bạn. Meyer khuyên mỗi người nên nghỉ giải lao khi ngồi lâu và tìm những cách để xây dựng hoạt động thể chất trong ngày để cải thiện sức khỏe tâm thần tốt hơn.