Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

4 nguyên nhân xe cắm sạc nhưng không vào điện

Lỗi sạc không vào điện thường phổ biến và gây nhiều rắc rối cho người dùng xe đạp điện, cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này.

Theo Báo điện tử VietnamPlus, hệ thống ắc-quy của xe đạp điện có 4-5 bình nhỏ tùy loại xe và tuổi thọ khoảng 2-3 năm trước khi phải thay mới. Thông thường, sau khoảng một năm sử dụng, thời gian sạc điện sẽ phải thay đổi, do đó nếu cắm sạc ắc-quy quá lâu gây hỏng bình.

Các hãng xe tính toán, trong năm đầu tiên thời gian sạc cho ắc quy xe đạp điện là 6-8 giờ, năm thứ hai giảm xuống còn 3-6 giờ và năm thứ ba nên thay bình mới. Do trong quá trình sử dụng lâu ngày các cực chì bị rụng xuống đáy bình ắc quy dẫn đến giảm công suất gây nên ì xe, hoặc sinh nhiệt khi sạc điện lâu.

Cùng đó, xe đi lội nước, hư hỏng ở hệ thống dây điện hoặc đấu thêm các phụ kiện tiêu thụ điện khác ngoài thiết kế ban đầu của xe cũng là những nguyên nhân làm hỏng ắc quy, sạc không vào điện.

4 nguyên nhân khiến xe cắm sạc nhưng không vào điện.

Báo Lao Động dẫn lời chuyên gia nêu một số nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng xe cắm sạc nhưng điện không vào.

Bộ sạc điện bị hỏng

Bộ sạc điện bị hỏng là nguyên nhân phổ biến khiến cắm sạc những không vào điện. Nguyên nhân bị hỏng có thể do chập cháy dây điện bên trong hoặc dây sạc bị đứt dẫn đến sạc không vào điện.

Bạn có thể kiểm chứng bằng cách khi sạc đèn sạc báo đỏ nhưng sau đó ắc-quy vẫn không có điện. Gặp trường hợp này, chủ xe cần mang đến đại lý ủy quyền hoặc showroom chính hãng để bộ phận kỹ thuật kiểm tra bộ sạc. Nếu bộ sạc hỏng, cần thay thế bằng bộ sạc chính hãng theo xe để pin không bị chai, phồng.

Dây kết nối giữa pin và xe bị đứt, lỏng đầu kết nối

Đây là nguyên nhân sạc xe điện không vào mà nhiều người dùng không để ý. Người dùng cắm sạc nhưng đèn báo hiệu trên bộ sạc không phát sáng hoặc hệ thống pin không vào điện. Hoặc nếu đèn sạc chuyển luôn sang màu xanh báo đã sạc đầy nhưng ắc quy không có điện.

Khi gặp trường hợp này, cần tháo pin ra để kiểm tra đầu kết nối, dây điện của xe có bị lỏng hoặc đứt không. Trường hợp dây kết nối lỏng cần gắn chặt lại. Nếu dây kết nối bị đứt, cần mang xe đến trung tâm để được sửa chữa.

Pin hỏng, bị kiệt điện

Lỗi này có biểu hiện như sạc điện trong nhiều giờ nhưng pin nóng và chỉ tích được ít điện. Khi nhấn nút nguồn của pin thì dải đèn LED của pin nhấp nháy hoặc không lên đèn. Trường hợp này, chủ xe cần làm theo hướng dẫn kiểm tra pin mà nhà sản xuất đã hướng dẫn để chắc chắn hơn về sự cố về pin, kiểm tra pin có bị phồng, nứt không. Sau đó, hãy mang xe đi sửa chữa, thay thế ở các trung tâm bảo hành uy tín.

Do nhảy aptomat, đứt cầu chì

Aptomat trong xe chuyển trạng thái tắt để bảo vệ do điện áp đầu vào không ổn định. Với trường hợp này, hãy thử kiểm tra và gạt lại Aptomat xe. Xe lên điện sau khi gạt aptomat, có thể tiếp tục sạc bình thường.

Trường hợp aptomat bị nhảy nhiều lần, hãy đưa ra trung tâm bảo hành để được kiểm tra nguyên nhân và sớm khắc phục lỗi.

Nếu aptomat không có vấn đề, nhưng sạc vẫn không vào điện, nên kiểm tra cầu chì. Cầu chì thường được lắp trong ắc quy xe, có thể tháo vị trí có cầu chì để kiểm tra xem chúng có bị đứt hay không. Nếu cầu chì bị đứt, cần mang xe đến hãng để bảo hành và nhờ kỹ thuật viên xử lý sự cố.

Chuyên gia khuyến cáo, bạn cần chú ý trong quá trình vận hành xe không nên lội nước quá mức quy định của nhà sản xuất. Khi rửa xe cần chú ý không để nước vào hệ thống IC điều tốc có thể gây chập cháy. Cần sạc điện đúng khuyến cáo, nên kiểm tra bình ắc-quy định kỳ để kịp thời phát hiện trạng thái bất thường. Không nên chở nặng quá tải làm giảm tuổi thọ môtơ điện và ắc quy.

Ngọc Lâm (tổng hợp)

Tin mới