Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư ban hành danh mục thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy định quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phám giá.
Theo dự thảo, việc xây dựng danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá dựa trên nguyên tắc, thuốc được cấp phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam, trừ thuốc quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 70 Luật Dược.
(Ảnh minh hoạ)
Danh mục thuốc được xây dựng trên cơ sở các thuốc cần thiết cho nhu cầu sử dụng ở các cơ sở y tế mua từ nguồn vốn Nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế công lập.
Cùng với đó, thuốc trong danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá được cập nhật, bổ sung hoặc loại bỏ cho phù hợp tình hình thực tế và bảo đảm đáp ứng kịp thời thuốc phục vụ cho công tác phòng bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
Dự thảo nêu rõ, ngoài việc tuân thủ nguyên tắc chung xây dựng danh mục thuốc nêu trên, thuốc được đưa vào danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá phải đáp ứng một trong các tiêu chí.
Thuốc, sinh phẩm tham chiếu thuộc danh mục thuốc biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị hoặc số lượng tại các cơ sở y tế trên cả nước.
Thuốc chỉ có 1 hoặc 2 nhà sản xuất theo dạng bào chế, nhà sản xuất (riêng vaccine cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng chỉ có 1 hoặc 2 nhà sản xuất theo thành phần vaccine, công nghệ sản xuất vaccine). Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá.
Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá gồm 315 loại, trong đó, 286 thuốc biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu được áp dụng hình thức đàm phán giá; 15 thuốc điều trị HIV/AIDS có từ 1 đến 2 nhà sản xuất được áp dụng hình thức đàm phán giá.
Cộng với 1 loại thuốc điều trị lao có từ 1 đến 2 nhà sản xuất được áp dụng hình thức đàm phán giá; 13 vaccine cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng có từ 1 đến 2 nhà sản xuất được áp dụng hình thức đàm phán giá.
Theo dự thảo, trong thời gian tối đa 2 năm, trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí xây dựng danh mục được áp dụng hình thức đàm phán giá, Cục Quản lý Dược tổng hợp, lập danh mục thuốc cần cập nhật, bổ sung hoặc loại bỏ; xin ý kiến, tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan và xin ý kiến Hội đồng tư vấn quốc gia về đấu thầu thuốc.
Trên cơ sở ý kiến đề xuất của Hội đồng tư vấn quốc gia về đấu thầu thuốc, Cục Quản lý Dược trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư cập nhật danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá.