Theo bà Trần Thị Thanh Mai, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại Công ty CP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT, quản lý tài chính hiệu quả là một trong những kỹ năng quan trọng nhất để đảm bảo nguồn tài chính ổn định và bền vững trong tương lai. Nhưng việc mắc phải 3 thói quen xấu dưới đây sẽ khiến kế hoạch quản lý tài chính của cá nhân, gia đình có thể bị đổ bể.
Những thói quen xấu sẽ khiến kế hoạch quản lý tài chính của cá nhân, gia đình bị đổ bể. (Ảnh minh họa)
Chi tiêu vượt quá khả năng tài chính
Một trong những thói quen tồi tệ nhất chính là chi tiêu vượt quá khả năng tài chính. Nhiều người có xu hướng mua sắm xa xỉ hoặc đầu tư quá mạo hiểm mà không tính toán kỹ lưỡng. Điều này dẫn đến việc chi tiêu quá mức thu nhập, phải vay mượn hoặc dựa vào các khoản tín dụng, khiến tình hình tài chính cá nhân trở nên lộn xộn và khó kiểm soát.
Việc này không chỉ xảy ra với những người có thu nhập trung bình mà ngay cả những người có thu nhập cao vẫn mắc khi chi tiêu phóng tay và dẫn đến thiếu hụt, nợ nần.
"Ngôi sao điện ảnh Nicolas Cage là một ví dụ nổi tiếng về việc chi tiêu quá tay dẫn đến nợ nần tài chính. Cage đã từng chi rất nhiều tiền để mua đảo, những chiếc xe hơi cổ điển, du thuyền, nhiều bộ sưu tập nghệ thuật...Việc kiếm được số tiền khổng lồ trong thời gian đỉnh cao đã khiến tài tử này quá dễ dàng phóng tay trong việc chi tiêu, đầu tư dẫn đến từ là người từng được trả lương cao nhất mọi thời đại đã rơi vào cảnh nợ nần và từng nợ Sở thuế vụ của Mỹ số tiền lên tới 18 triệu USD vào năm 2009", bà Mai dẫn chứng.
Đây là một bài học về việc cần phải quản lý tài chính cá nhân một cách cẩn thận, ngay cả đối với những người giàu có. Trên thực tế, những người có thu nhập trung bình vẫn có thể có được cuộc sống thoải mái, thậm chí là dư dả nếu biết cách quản lý chi tiêu.
Không lập kế hoạch và ngân sách chi tiêu
Nhiều người thường bỏ qua việc lập kế hoạch và ngân sách chi tiêu hàng tháng, khiến tình hình tài chính trở nên rối ren. Việc không biết trong túi có bao nhiêu tiền cũng như không nắm rõ được các khoản chi phí cố định và biến động rất dễ dẫn đến tình trạng thiếu kiểm soát, chi tiền vào những khoản không cần thiết.
"Quá trình đào tạo và tư vấn tài chính cá nhân của tôi đã gặp trường hợp không ít bạn trẻ luôn kêu ca không tiết kiệm được tiền vì lương thấp, dù hầu như chỉ chi tiêu thiết yếu. Tuy nhiên, khi cùng lập kế hoạch và thống kê các con số thu nhập, chi tiêu thì các bạn đó đã nắm được tường tận con số một cách cụ thể, từ đó phát hiện ra có nhiều khoản chi tiêu không phù hợp và không có kế hoạch cặn kẽ.
Qua việc quản lý và lập kế hoạch quản lý chi tiêu, các bạn trẻ đó không những đã kiểm soát được việc chi tiêu một cách hiệu quả hơn mà còn có thể có được những khoản tiền tiết kiệm đầu tiên, là nền tảng cơ bản quan trọng cho các bạn trẻ tiến tới các mục tiêu tài chính cao hơn", bà Mai nói.
Không dành tiền để đầu tư và tiết kiệm
Một thói quen tài chính xấu khác là không dành tiền cho hoạt động đầu tư và tiết kiệm. Nhiều người chỉ tập trung vào việc tiêu tiền mà không quan tâm đến tích lũy và tăng trưởng tài sản trong tương lai. Điều này khiến họ luôn trong tình trạng "sống qua ngày" và khó có thể đạt được các mục tiêu tài chính dài hạn như mua nhà, lập quỹ hưu trí hay có các khoản tài chính cho con cái.
"Có thể thấy việc tiết kiệm và đầu tư được cha mẹ chúng ta thực hiện rất tốt qua việc tiết kiệm mua vàng, tiết kiệm mua nhà/đất dù thu nhập của các thế hệ trước không hề quá dư dả. Với các bạn trẻ thì hiện nay có rất nhiều kênh đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ…để các bạn thực hiện nhằm phát huy tác dụng to lớn của lãi suất kép trong thời gian dài", bà Thanh Mai nhận định.
Theo bà Mai, có thể nói việc tiết kiệm và đầu tư là yếu tố quan trọng hàng đầu nhằm đảm bảo tương lai tài chính vững chắc cho các cá nhân. Việc loại bỏ những thói quen tài chính xấu như trên sẽ giúp mọi người quản lý tài chính cá nhân và gia đình một cách hiệu quả. Đây là các nền tảng quan trọng để đảm bảo cuộc sống tài chính hiện tại và tương lai của mỗi người được ổn định, phát triển bền vững, giúp thoát khỏi các nỗi lo dai dẳng về tài chính không chỉ ở tuổi trẻ mà cả ở độ tuổi xế chiều.
Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.