Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

14 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư hơn 700 triệu USD vào Hưng Yên

(VTC News) -

Tại Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp Nhật Bản ở Hưng Yên chiều 27/9, 14 doanh nghiệp đã đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh này với tổng vốn là 732 triệu USD.

Theo đó, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã chứng kiến Lễ ký kết hợp tác giữa Deloite Việt Nam với sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Hưng Yên, đồng thời trao giấy Chứng nhận đầu tư cho 14 doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh, với tổng vốn đầu tư lên đến 732 triệu USD.

Cụ thể:

Dự án nhà máy mới Nitto Việt Nam, tại Khu công nghiệp Thăng Long II, tỉnh Hưng Yên: Tổng vốn đăng ký đầu tư 132 triệu USD, quy mô/sản phẩm 176 tấn/năm (tương đương 48 triệu sản phẩm/năm). Doanh nghiệp chuyên sản xuất phim phân cực LCD sử dụng cho điện thoại thông minh và ô tô.

Dự án nhà máy Cot Việt Nam, sản xuất, gia công linh kiện điện tử cho điện thoại di động và máy tính: Tổng vốn đăng ký đầu tư 45 triệu USD, quy mô/sản phẩm 144,6 triệu chiếc/năm (tương đương gần 315 tấn/năm);

Dự án đầu tư nhà máy Parker Processing Việt Nam II, gia công, sản xuất liên quan đến xử lý bề mặt: Tổng vốn đăng ký đầu tư: 23 triệu USD, quy mô/sản phẩm 26 nghìn tấn sản phẩm/năm.

Dự án DH Logistics Property Minh Quang Việt Nam: Tổng vốn đầu tư 26,3 triệu USD.

Dự án đầu tư xây dựng nhà xưởng xây sẵn để cho thuê: Tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 29,6 triệu USD

Dự án đầu tư nhà máy sản xuất MAKINO Hưng Yên, sản xuất máy công cụ dùng chung, máy công cụ điều khiển số CNC: Tổng vốn đăng ký đầu tư gần 17,5 triệu USD

Dự án đầu tư Intech Complex sản xuất, gia công cơ khí; thiết bị nâng, hạ và bốc xếp; và máy móc thông dụng khác: Tổng vốn đăng ký đầu tư 31 triệu USD…

Công ty TNHH Musashi Auto Parts Việt Nam đầu tư 51 triệu USD.

Công ty TNHH dây cáp điện ô tô Sumiden Việt Nam đầu tư hơn 27 triệu USD.

Công ty TNHH Panasonic Appliances Việt Nam chi nhánh Hưng Yên đầu tư hơn 18 triệu USD.

Công ty TNHH Sews – Components Việt Nam đầu tư gần 65 triệu USD.

Công ty TNHH Sơn Kansai – Alphanam đầu tư 25 triệu USD.

Công ty TNHH Denyo Việt Nam đầu tư 27 triệu USD.

Công ty cổ phần Thiên Hà Kameda đầu tư gần 15 triệu USD.

Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên trao giấy Chứng nhận đầu tư cho 14 doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh. (Ảnh: Ngô Trần)

Hiện tỉnh Hưng Yên hiện có 7 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và đang tiếp nhận đầu tư với diện tích hơn 1.600 ha.

Theo kế hoạch đến cuối năm 2024, sẽ có 17 khu công nghiệp đi vào hoạt động, đến năm 2030 là 21 khu công nghiệp và năm 2050 là 33 khu công nghiệp. Hưng Yên phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh có công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước, có các khu đô thị lớn, nông thôn mới kiểu mẫu, nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, an toàn và bền vững; Phấn đấu trước năm 2037, Hưng Yên sẽ là đô thị loại 1- thành phố trực thuộc Trung ương.

Nhật Bản hiện là quốc gia đứng đầu về số lượng dự án và tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh Hưng Yên, góp phần quan trọng giúp tỉnh là 1 trong 10 địa phương có thu ngân sách lớn nhất cả nước.

Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên tặng hoa cho các nhà đầu tư. (Ảnh: Ngô Trần)

Theo ông Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp Nhật Bản là hoạt động vô cùng ý nghĩa, thiết thực, thể hiện tình cảm gắn kết trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản, giữa các doanh nghiệp Nhật Bản với tỉnh Hưng Yên. Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản có nền tảng vững chắc dựa trên nhiều nét tương đồng về văn hóa, lịch sử, cơ cấu kinh tế bổ sung cho nhau và đặc biệt là tình cảm hữu nghị và sự nỗ lực hướng tới tương lai của chính phủ và nhân dân hai nước.

Từ năm 2015, tỉnh Hưng Yên đã kết nghĩa, ký thỏa thuận hợp tác với các tỉnh Kanagawa và thành phố Nikaho của Nhật Bản.

Cho đến nay, Nhật Bản là quốc gia đứng đầu về số lượng dự án và tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong các quốc gia đầu tư tại tỉnh Hưng Yên, với số dự án với 173 dự án, tổng vốn đăng ký 4.054 triệu USD, chiếm 61% tổng vốn trực tiếp nước ngoài đầu tư vào địa bàn tỉnh.

Với vị trí nằm ở trung tâm đồng bằng châu thổ Sông Hồng, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tiếp giáp với cửa ngõ phía Đông của Thủ đô Hà Nội, gần sân bay Nội Bài và các cảng biển lớn của miền Bắc, tỉnh Hưng Yên có vị trí địa lý kinh tế rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển công nghiệp.

Từ các Khu công nghiệp của tỉnh Hưng Yên, thời gian di chuyển đến Thủ đô Hà Nội chỉ mất 25 phút; đến cảng Hải Phòng khoảng 1 tiếng; đến sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 40 phút; là điều kiện vô cùng lý tưởng cho các hoạt động giao thương.

Năm 2022, thu ngân sách nhà nước của tỉnh đạt 51.400 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 khoảng 12,8%, Thu nhập bình quân đầu người năm đạt 101,84 triệu đồng; Trong 8 tháng đầu năm 2023, Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 8,21% (thuộc top khá của cả nước).

"Đạt được những thành quả nêu trên, phần lớn nhờ vào sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp Nhật Bản", ông Văn nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư tỉnh Hưng Yên khẳng định, Hưng Yên cam kết luôn sát cánh và đồng hành cùng doanh nghiệp; các cơ quan chuyên môn và các cấp chính quyền tỉnh; luôn sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tích cực nhất cho các nhà đầu tư khi đầu tư kinh doanh tại tỉnh Hưng Yên.

Chúng tôi coi thành công của các doanh nghiệp là thành công của địa phương...Thời gian tới, Hưng Yên sẽ hết sức nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, tập trung thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, triển khai đầu tư nhiều dự án hạ tầng giao thông, xây dựng hạ tầng thiết yếu đến hàng rào các khu công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, quy hoạch phát triển các khu đô thị, dịch vụ du lịch, giải quyết kịp thời kiến nghị, tháo gỡ khó khăn hướng dẫn thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, đặc biệt là với các nhà đầu tư Nhật Bản”, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên nói.

Phạm Duy

Tin mới