Ông Nghĩa khẳng định, Hưng Yên cam kết luôn sát cánh và đồng hành cùng doanh nghiệp; các cơ quan chuyên môn và các cấp chính quyền tỉnh; luôn sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tích cực nhất cho các nhà đầu tư khi đầu tư kinh doanh tại tỉnh Hưng Yên.
“Chúng tôi coi thành công của các doanh nghiệp là thành công của địa phương”, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên nói.
Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp Nhật Bản chiều 27/9.
Cũng theo ông Nghĩa, Hưng Yên sẵn sàng chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để đón tiếp các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản để có thể kết nối, tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả hơn nữa với các đối tác Nhật Bản, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên nói riêng và Việt Nam nói chung.
Ông Nghĩa đề nghị Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO); đại diện lãnh đạo các cơ quan, địa phương của Nhật Bản dành sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ tỉnh Hưng Yên mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương của Nhật Bản, giới thiệu các nhà đầu tư, doanh nghiệp của Nhật Bản đến nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư trên địa bàn tỉnh Hưng Yên trong thời gian tới.
“Chúng tôi cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp hai bên phát huy lợi thế, đẩy mạnh kết nối, hợp tác đầu tư góp phần mở ra thời kỳ hợp tác mới, sâu sắc hơn nữa giữa tỉnh Hưng Yên với các địa phương, doanh nghiệp Nhật Bản trên cơ sở kế thừa quan hệ tốt đẹp sẵn có của hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa nói.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên. (Ảnh: Ngô Trần)
Thông tin thêm về sự chuẩn bị của tỉnh Hưng Yên trong thu hút doanh nghiệp quốc tế đầu tư, ông Nghĩa cho biết, Hưng Yên đang tích cực phối hợp thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án thành phần của Dự án đường vành đai 4 trên địa bàn tỉnh; Cơ bản hoàn thành công tác tổ chức lập quy hoạch tỉnh; Thực hiện có hiệu quả các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá và đảm bảo an sinh xã hội; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 giảm còn 1,94%.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây Hưng Yên đã có sự tiến bộ, thay đổi vượt bậc trong việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Năm 2022, chỉ số PCI tỉnh Hưng Yên đứng thứ 14/63 tỉnh thành, tăng 25 bậc so với năm 2021, nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất.
"Thời gian tới, Hưng Yên sẽ hết sức nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, tập trung thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, triển khai đầu tư nhiều dự án hạ tầng giao thông, xây dựng hạ tầng thiết yếu đến hàng rào các khu công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, quy hoạch phát triển các khu đô thị, dịch vụ du lịch, giải quyết kịp thời kiến nghị, tháo gỡ khó khăn hướng dẫn thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, đặc biệt là với các nhà đầu tư Nhật Bản", ông Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh.
Không để doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh mà không hoạt động
Về vướng mắc trong cắt điện, mất điện luân phiên mà doanh nghiệp nêu ra, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, khi nhận được phản ánh của doanh nghiệp, đích thân Bí thư Tỉnh ủy đã làm việc với Điện lực Hưng Yên, đồng thời báo cáo với Thủ tướng, Chính phủ về việc hỗ trợ các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh để các doanh nghiệp hoạt động, không gây ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
“Tôi đã đề nghị Điện lực Hưng Yên giảm thiểu việc cắt điện không theo kế hoạch để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm cho các nhà đầu tư. Địa phương cam kết đã tổ chức các cuộc làm việc với đơn vị chức năng để không còn xảy ra tình trạng cắt điện đột xuất, cắt điện luân phiên như năm 2023. Tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp nên triển khai điện áp mái, phát triển nguồn năng lượng tái tạo để bảo vệ môi trường”, ông Nghĩa nói.
Về lao động, ông Nghĩa cho biết, Hưng Yên có nguồn lao động dồi dào. Tỉnh uỷ cũng ban hành Nghị quyết về phát triển đào tạo nghề, hỗ trợ cho người lao động tỉnh Hưng Yên được tham gia đào tạo nghề một cách bài bản.
Hưng Yên cũng đề nghị các doanh nghiệp cung cấp thông tin cần bao nhiêu lao động, trình độ lao động thế nào, chất lượng lao động ra sao để kết nối với các cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp thực hiện tốt việc kết nối cung cầu.
"Chúng tôi không thể để cho các doanh nghiệp đầu tư dự án vào mà không hoạt động được do thiếu hụt nguồn lao động", ông Nghĩa nêu.
Trong tương lai Hưng Yên sẽ phát triển thành trung tâm công nghiệp lớn, công nghiệp hiện đại, nông nghiệp bền vững, trở thành điểm đến thu hút nhà đầu tư. (Ảnh minh họa: Báo Hưng Yên)
Về vấn đề nhà ở xã hội, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, tỉnh đã ban hành Nghị quyết về nhà ở xã hội, trong đó giao cho Ban quản lý các khu công nghiệp, tại mỗi khu công nghiệp phải bàn giao 10% diện tích đất để xây dựng nhà ở, không để có việc làm, có khu công nghiệp mà chuyên gia, người lao động lại không có nhà ở, chỗ ở.
Ông Nghĩa tự tin, trong tương lai Hưng Yên sẽ phát triển thành trung tâm công nghiệp lớn, công nghiệp hiện đại, nông nghiệp bền vững, trở thành điểm đến thu hút nhà đầu tư.
"Chúng tôi không đánh đổi sự tăng trưởng với biến đổi xã hội và thay đổi môi trường bằng mọi giá, đồng thời phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương năm 2037 và đến năm 2040 trở thành thành phố thông minh, hiện đại, phát huy vai trò của Phố Hiến xưa, phát triển nông nghiệp bền vững, sinh thái, hiệu quả, thông minh, đáng sống và đáp ứng được nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa Deloite Việt Nam với Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Hưng Yên.
Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa Deloite Việt Nam với Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Hưng Yên, đồng thời trao giấy Chứng nhận đầu tư cho 14 doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị đã có 14 doanh nghiệp đầu tư với tổng vốn lên đến 732 triệu USD đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên.