Ngày 7/7, ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng có Công văn 1197/SCT-VP đề nghị điều chỉnh thông tin tại Báo cáo thẩm tra số 629/BC-HĐND ngày 2/7/2020 của Ban Pháp chế HĐND thành phố.
Tại Khoản 3 Báo cáo thẩm tra số 629/BC-HĐND ngày 2/7/2020 của Ban Pháp chế HĐND thành phố (Kỳ họp thứ 15, HĐND thành phố Khóa IX) có nội dung “Lý do không hài lòng do phải tốn chi phí không chính thức: Cục Thuế: 33,33%; Sở Y tế: 1,41%, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất 7,32%; Do thái độ phục vụ, hướng dẫn của công chức tại bộ phận tiếp nhận: Sở Công Thương 100% không hài lòng”.
Theo Sở Công thương, số liệu tỷ lệ 100% không hài lòng về thái độ phục vụ, hướng dẫn của công chức tại bộ phận tiếp nhận của sở như Báo cáo 629/BC-HĐND là chưa chính xác.
Công dân liên hệ, làm thủ tục tại bộ phận 1 của của Sở Công thương Đà Nẵng.
Sở Công thương cho biết, Ban Pháp chế HĐND Đà Nẵng sử dụng kết quả tại phần mềm khảo sát trực tuyến www.cchc.danang.gov.vn từ ngày 1/1 đến 25/6/2020, giai đoạn này Sở Công thương chỉ có 1 công dân tiến hành đánh giá mức độ hài lòng vào ngày 3/3 và đánh giá kết quả là “chưa hài lòng”.
Việc chỉ căn cứ vào 1 đánh giá của công dân trên phần mềm khảo sát để xác định tỷ lệ 1 đánh giá chưa hài lòng/tổng số 1 đánh giá (tương đương với 100% đánh giá) là số liệu chưa đảm bảo yêu cầu về tính khoa học, chưa khách quan, chưa mang tính đại diện và chưa phản ánh thực tế.
Để phản ánh đúng số lượng, tỷ lệ khảo sát mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ hành chính công thì kết quả khảo sát phải được tổng hợp từ 3 phương pháp: Khảo sát bằng phiếu điều tra; Khảo sát, phỏng vấn sâu thông qua điện thoại ghi âm và Khảo sát trực tuyến.
Trong đó, kết quả số lượng khảo sát bằng phương pháp khảo sát trực tuyến tại địa chỉ www.cchc.danang.gov.vn chỉ là 1 trong 3 phương pháp để lấy kết quả và kết quả khảo sát trực tuyến phải được Sở Nội vụ phối hợp Trung tâm Thông tin dịch vụ công (1022) phúc tra để đảm bảo số liệu, số lượng khảo sát là chính xác.
Kết quả khảo sát sau khi phúc tra sẽ được gửi về đơn vị trước ngày 20/1 năm sau thì đó mới là kết quả chính xác để sử dụng.
Đồng thời, để đảm bảo các yêu cầu của việc khảo sát, số lượng khảo sát phải đạt ý kiến khảo sát tối thiểu. Cụ thể, nếu số lượng hồ sơ trên 5.000 thì số lượng ý kiến khảo sát phải đạt tối thiểu 10% tổng hồ sơ, đồng thời tối thiểu phải đạt 500.
6 tháng đầu năm 2020, Sở Công thương đã tiếp nhận, xử lý 8.145 hồ sơ (8.044 hồ sơ trực tuyến, 56 hồ sơ trực tiếp) và 100% hồ sơ được giải quyết đúng, sớm hạn, không có hồ sơ trễ hạn.
Theo quy định, phải xác định kết quả khảo sát tối thiểu 500 hồ sơ mới đảm bảo tính khoa học, tính đại diện của kết quả khảo sát.
“Vì vậy, nếu căn cứ chỉ với số lượng là 1 đánh giá chưa hài lòng trên tổng số đánh giá là 1 đánh giá để công bố tỷ lệ là 100% đánh giá chưa hài lòng, trong khi số lượng hồ sơ của Sở Công Thương 6 tháng đầu năm là 8.145 hồ sơ là thiếu căn cứ khoa học và không khách quan, không mang tính đại diện”, Công văn của Sở Công thương nêu.
Sở Công Thương cũng đề nghị Ban Pháp chế HĐND Đà Nẵng có sự điều chỉnh, cải chính tài liệu và phản hồi thông tin đã cung cấp để có phản ánh chính xác hoạt động của Sở Công thương.
Như VTC News đưa tin, theo báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế gửi Kỳ họp 15, Khóa IX HĐNND Đà Nẵng đang diễn ra, tình hình chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong một bộ phận cán bộ chưa nghiêm.
Đặc biệt, 100% công dân được khảo sát không hài lòng về thái độ phục vụ, hướng dẫn của công chức tại bộ phận tiếp nhận của Sở Công thương.
Vì vậy, Ban Pháp chế đề nghị UBND thành phố siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân, tổ chức thiếu tích cực, để chậm trễ, tồn đọng nhiệm vụ công việc được giao, công khai rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng.