Sau 10 năm, tài sản của những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam tăng theo cấp số nhân. 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020 sở hữu khối tài sản 353.957 tỷ đồng, gấp 7,5 lần so với tổng tài sản của top 10 năm 2010 (đạt 48.426 tỷ đồng).
Tổng tài sản của top 10 người giàu nhất năm 2010 thậm chí chỉ đủ xếp thứ 2 trong thứ tự quy mô tài sản của những người giàu nhất năm 2020.
Phải có tối thiểu 10.756 tỷ đồng để lọt vào top 10
Khối tài sản 15.776 tỷ đồng của người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2010 (ông Phạm Nhật Vượng) nếu giữ nguyên thì đến nay chỉ giúp ông đứng thứ 7 trong nhóm những người giàu nhất thị trường. Thực tế, tài sản của vị chủ tịch Tập đoàn Vingroup sau 10 năm đã tăng 13 lần, lên 207.401 tỷ đồng, cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam khi kết thúc năm 2020.
Danh sách 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2010 đến nay chỉ còn 5 đại gia trụ lại, mà ở đó ông Phạm Nhật Vượng vẫn là người dẫn đầu. Trong 10 năm qua, chỉ có duy nhất năm 2017, ông Vượng để ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, vượt mặt.
Trong 5 người này, gia đình ông Phạm Nhật Vượng đóng góp 3 cái tên là cá nhân ông Vượng, vợ ông, bà Phạm Thu Hương và bà Phạm Thúy Hằng (em bà Hương). Bà Phạm Thu Hương (vợ ông Vượng) hiện đứng thứ 6 với 16.344 tỷ đồng. Đại gia Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Phát triển Bất động sản Phát Đạt, xếp thứ 8 với 12.477 tỷ đồng và bà Phạm Thúy Hằng (em bà Hương) xếp thứ 9 với 10.915 tỷ đồng.
Tỷ phú Trần Đình Long của Tập đoàn Hòa Phát từ vị trí thứ 4 năm 2010 đã vươn lên vị trí thứ hai với khối tài sản tăng gấp 12 lần, đạt 35.813 tỷ đồng.
Một thập kỷ đã qua, 5 trên 10 đại gia ngày nào - gồm ông Đoàn Nguyên Đức, ông Đặng Thành Tâm và em gái, bà Đặng Hoàng Yến, ông Hà Văn Thắm (đã vướng vào vòng lao lý trong đại án Oceanbank), ông Nguyễn Duy Hưng - đã không còn giữ được vị trí của mình trong bảng xếp hạng người giàu trên sàn chứng khoán Việt.
Thế chỗ vào đó là những gương mặt mới, với khối tài sản lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Đó là bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO hãng hàng không Vietjet, ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan, ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Tập đoàn Novaland và ông Hồ Xuân Năng - Chủ tịch Công ty cổ phần Vicostone.
Quay trở lại năm 2010, nếu như để lọt vào top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt cần sở hữu 1.740 tỷ đồng, thì nay số tiền đó phải lên tới 10.756 tỷ đồng, tức gấp 6,6 lần.
So với chính mình 10 năm trước, sau một thập kỷ, khối tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đã tăng gấp hơn 13 lần, từ mức 15.776 tỷ đồng lên 207.401 tỷ đồng. Thậm chí, khối tài sản của vị chủ tịch Tập đoàn Vingroup còn nhiều hơn cả 9 người trong danh sách cộng lại (146.556 tỷ đồng).
Những người giàu nhất 10 năm trước giờ ra sao?
Trước năm 2016, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, liên tục nằm trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam. Đến nay, ông bầu phố núi đã tụt xuống vị trí thứ 46 với khối tài sản hơn 1.948 tỷ đồng.
Năm 2010, Hoàng Anh Gia Lai thành lập Công ty Nông nghiệp HAGL Agrico với định hướng đây sẽ là doanh nghiệp phụ trách toàn bộ mảng nông nghiệp của tập đoàn. Sau một thập kỷ thăng trầm, Hoàng Anh Gia Lai từ bỏ vai trò quyền kiểm soát HAGL Agrico khi công ty này chính thức về tay Thaco.
Cụ thể, bầu Đức quyết định chuyển giao quyền kiểm soát HAGL Agrico cho phía tỷ phú Trần Bá Dương. Nhóm cổ đông Thaco sẽ sở hữu 63% cổ phần, qua đó trở thành công ty mẹ của HAGL Agrico. Ông Dương cũng làm chủ tịch công ty còn bầu Đức chuyển sang giữ chức phó chủ tịch HĐQT.
Sau khi không còn nắm giữ quyền chi phối HAGL Agrico, Hoàng Anh Gia Lai chỉ còn lại 6 công ty con, bao gồm 5 công ty trực tiếp và một công ty sở hữu gián tiếp. Trả lời câu hỏi của cổ đông về tương lai của Hoàng Anh Gia Lai khi không còn sở hữu công ty con quan trọng nhất, bầu Đức chia sẻ Hoàng Anh Gia Lai sẽ đi từ từ, xem như làm lại từ đầu.
Thời “hoàng kim”, bầu Đức nắm phần lớn vốn tại HAGL. Mỗi năm ông bầu phố núi thu về xấp xỉ 1.000 tỷ từ kết quả lãi ròng của công ty. Tập đoàn này còn là doanh nghiệp Việt có hoạt động lớn nhất tại 3 nước Đông Dương với hàng chục nghìn ha đất nông nghiệp.
Ông Đoàn Nguyên Đức không còn nằm trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Ảnh: Quang Thịnh
Tương tự, ông Đặng Thành Tâm - người giàu thứ ba năm 2010 - hiện chỉ xếp thứ 26 với khối tài sản 3.611 tỷ đồng. Tổng công ty Kinh Bắc từng là nguồn đóng góp chính vào tài sản của ông Tâm với lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Ở thời điểm đỉnh cao, "đế chế" của vị đại gia này đã mở rộng hoạt động ra nhiều lĩnh vực như ngân hàng, viễn thông, bất động sản, năng lượng...
Tuy nhiên, việc gia tăng vay nợ khiến hoạt động của công ty gặp khó khăn giai đoạn 2011-2012, đỉnh điểm là khoản lỗ ròng gần 500 tỷ năm 2012 đã khiến cổ phiếu này rơi từ vùng giá 40.000 đồng xuống 10.000 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là giai đoạn ông Tâm phải rút lui khỏi 2 nhà băng Navibank và Western Bank.
Một cá nhân từng xếp thứ 8 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt năm 2010 là ông Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch Oceanbank, thì vướng vào vòng lao lý. Theo chỉ đạo của Hà Văn Thắm, Oceanbank đã chi 1.576 tỷ lãi suất ngoài trái quy định.
Sau đó, ông Thắm chỉ đạo Lê Thị Thu Thủy (cựu Phó tổng giám đốc Oceanbank) phối hợp với bộ phận PR, Văn phòng và kế toán ký kết, hợp thức 44 hợp đồng (khống/nâng khống) với 19 đối tác trong và ngoài Tập đoàn Đại Dương có tổng giá trị hơn 130 tỷ đồng. Hành vi của 8 bị cáo đã khiến nhà băng thiệt hại hơn 106 tỷ.
Ngày 28/4/2020, HĐXX buộc Hà Văn Thắm chấp hành tổng hình phạt tù chung thân và phải bồi thường 29 tỷ cho Oceanbank.