Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Yếu tố giúp Bộ Giao thông và Vận tải dẫn đầu cổng Dịch vụ công trực tuyến

(VTC News) -

Trong đánh giá Cổng dịch vụ công trực tuyến khối bộ, ngành 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) hiện đang xếp hạng 1/20 đơn vị.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, đây là kết quả của những nỗ lực không ngừng để thay đổi và đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia trong các lĩnh vực của ngành nhằm đem lại những lợi ích thiết thực nhất cho người dân và doanh nghiệp…

Những con số biết nói

Theo "Mục tiêu chương trình chuyển đổi số bộ GTVT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" thì ngay trong năm 2025, ngành này sẽ có 100% hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết được quản lý theo dõi tiến độ xử lý trên Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử.

Tất cả các dịch vụ công phổ biến liên quan tới nhiều người dân và doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 và được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tối thiểu 50% số lượng bộ hồ sơ thực hiện tại Bộ Giao thông vận tải được nộp trực tuyến mức độ 3, 4.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ GTVT và các đơn vị trực thuộc đã, đang có những nỗ lực quyết liệt trong việc thực hiện chuyển đổi số thời gian vừa qua.

Theo thống kê mới nhất, tính đến tháng 12/2023, Cổng dịch vụ công trực tuyến Bộ GTVT cung cấp 373 thủ tục hành chính, trong đó có 217 dịch vụ công trực tuyến một phần và 156 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Cũng từ đầu năm tính đến tháng 12/2023, Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ đã tiếp nhận 343.711 hồ sơ, trong đó có 228.143 hồ sơ đã giải quyết (chiếm 66%), 112.657 hồ sơ đang xử lý (chiếm 33%) và 2.911 hồ sơ đang chờ bổ sung (chiếm 1%).

Những con số ấn tượng về tình hình xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ GTVT (tính đến 14/12/2023).

Trước đó, theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ GTVT là cơ quan đứng đầu bảng xếp hạng đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong 6 tháng đầu năm 2023.

Với mức xếp hạng A - mức cao nhất trong 5 mức độ đánh giá về chất lượng của cổng dịch vụ công trực tuyến và cần phải đạt từ 90 điểm đến 100 điểm, cổng dịch vụ công của Bộ GTVT phải có đầy đủ chức năng, giao diện thân thiện, hỗ trợ người dân truy cập thuận tiện và đặc biệt có tốc độ tải trang và đáp ứng thao tác của người dùng tốt, tốc độ tải trang dưới 2,5 giây, thời gian phản hồi dưới 0,2 giây.

Sự đánh giá của Bộ TT&TT cho thấy việc cung cấp dịch vụ trên cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ GTVT đã, đang ngày càng thực tế, hiệu quả hơn đối với nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Tại thời điểm này, về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Bộ Giao thông Vận tải cung cấp 291 dịch vụ công trực tuyến trong tổng số 404 thủ tục hành chính (tỷ lệ 72%). Trong 6 tháng đầu năm 2023, hệ thống tiếp nhận và xử lý 114.629 hồ sơ (tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 80,2%), với hơn 103.000 tài khoản sử dụng. So với 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tăng khoảng 8,6%.

Bộ GTVT dẫn đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Như vậy, chỉ từ tháng 6/2023 đến đầu tháng 12/2023, Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa của Bộ GTVT liên tục gặt hái được những thành tựu đáng ghi nhận trong việc tiếp nhận và giải quyết các dịch vụ, hồ sơ thủ tục hành chính của người dân trong lĩnh vực của ngành.

Cũng tính đến đầu tháng 12/2023, Bộ GTVT hoàn thành 4/4 nhiệm vụ trọng tâm trong Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (đề án 06).

4 nhiệm vụ bao gồm: Chia sẻ dữ liệu giấy phép lái xe, chia sẻ dữ liệu đăng kiểm phương tiện, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối GPLX, kết nói hệ thống giải quyết thủ tục hành chính bộ GTVT với CSDL quốc gia về dân cư; xây dựng kho số hóa kết quả thủ tục hành chính.

Trong đó, Bộ hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về giấy phép lái xe với hơn 34,7 triệu GPLX, hoàn thành đối soát trùng khớp 33,5 triệu GPLX với CSDLQG về dân cư, tích hợp 9,8 triệu thông tin lên ứng dụng VNeID.

Với việc cung cấp Dịch vụ công trực tuyến với bằng lái xe, Bộ đã hoàn thành mở rộng trên toàn quốc từ 14/11/2022, hoàn thành kết nối 1.191 cơ sở y tế, đến nay đã có 78.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến.

Bộ GTVT cũng đã hoàn thành 5/6 chỉ tiêu Chính phủ giao về cung cấp Dịch vụ Công trực tuyến, tuy nhiên, chưa đạt chỉ tiêu tỷ lệ hồ sơ thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công đạt tỷ lệ tối thiểu 30%.

Ưu tiên cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo quyền lợi thiết thực cho người dân và doanh nghiệp

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ về CĐS quốc gia, thời gian qua Bộ GTVT luôn nỗ lực và quyết tâm chuyển đổi số thành công bằng những mục tiêu, chính sách cụ thể, hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Nhiệm vụ chuyển đổi số của Bộ đến năm 2025 là rất lớn, trong khi nguồn lực bố trí thực hiện còn hạn chế. Vì vậy, cần ưu tiên các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; ứng dụng trong hoạt động vận tải và an toàn giao thông. Các nhiệm vụ được thực hiện theo nguyên tắc làm đến đâu đưa vào sử dụng đến đó.

Với chương trình chuyển đổi số, Bộ GTVT luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Vì vậy khi chuyển đổi số thành công, người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

Chuyển đổi số là vấn đề thay đổi nhận thức và phương thức quản lý từ truyền thống sang ứng dụng toàn diện công nghệ số. Vì vậy, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số một cách sâu rộng trong toàn ngành, đưa chuyển đổi số trở thành thành phần hữu cơ trong mọi hoạt động quản lý của Bộ GTVT có vai trò quan trọng.

Nhận thức phải được chuyển biến trong kiến tạo thể chế phát triển và quản lý các mô hình kinh doanh vận tải và dịch vụ logistics mới, xây dựng chính sách chú trọng sử dụng công nghệ số cho tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh.

Bên cạnh việc phát triển chính phủ số theo hướng xây dựng cơ sở dữ liệu cho mọi hoạt động nghiệp vụ, sử dụng dữ liệu số cho việc tự động hoá ra quyết định và hỗ trợ ra quyết định, Bộ GTVT cũng tập trung xây dựng các hệ thống phục vụ người dân và doanh nghiệp theo hướng cải cách hành chính, tạo thuận lợi và giảm chi phí, nguồn lực xã hội…

Về cách thức triển khai, Bộ GTVT cụ thể hoá các nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn mạng đến năm 2025 và kế hoạch từng năm. Nhiệm vụ được đã được giao cụ thể, rõ ràng đến các đơn vị. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cũng phải chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết và ưu tiên nguồn lực để triển khai. Bộ sẽ định kỳ họp kiểm điểm để thúc đẩy tiến độ thực hiện cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Bộ GTVT cũng là một trong những Bộ sớm có chương trình hành động cụ thể về chuyển đổi số với mục tiêu thay đổi căn bản phương thức quản lý, điều hành, tạo cơ hội đột phá thời gian tới.

Đặc biệt, Bộ cũng đã ban hành Đề án "Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành GTVT, tập trung với lĩnh vực đường bộ" được Thủ tướng phê duyệt năm 2020; xây dựng chương trình chuyển đổi số Bộ GTVT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và kế hoạch tổng thể triển khai Đề án 06 tại Bộ GTVT.

Trong đó, Bộ tập trung ưu tiên triển khai trước các hệ thống, dữ liệu nền tảng và các hệ thống nghiệp vụ có tác động lớn. Các chương trình đều có kế hoạch triển khai cụ thể, mỗi nhiệm vụ đều phân công rõ đơn vị chủ trì, thời gian hoàn thành. Công tác kiểm điểm tiến độ được thực hiện định kỳ để kịp thời đôn đốc và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Việc triển khai dịch vụ đổi Giấy phép lái xe trên cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ GTVT đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân thời gian qua.

Quá trình triển khai, tính đến nay, một số kết quả nổi bật có thể kể đến là dịch vụ công trực tuyến đổi giấy phép lái xe (GPLX), chuyển đổi số cảng biển, thu phí tự động không dừng, chuyển đổi số trong đăng kiểm...

Riêng với dịch vụ công đổi GPLX do ngành giao thông cấp, Bộ GTVT tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan làm sạch dữ liệu GPLX và kết nối dữ liệu khám sức khỏe. Từ đây, mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong toàn quốc từ tháng 11/2022. Đến nay, trung bình mỗi tháng có hơn 5.000 GPLX được đổi theo hình thức trực tuyến, giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí. Trong 6 tháng đầu năm, các sở GTVT đã cấp hơn 11.000 GPLX trực tuyến.

Dịch vụ trực tuyến đổi GPLX là một trong những dịch vụ được Liên hợp quốc đánh giá khi xếp hạng Chính phủ điện tử của mỗi quốc gia. Việc ngành GTVT thực hiện tốt dịch vụ công trực tuyến này, ngoài việc tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp còn góp phần thúc đẩy chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam.

Mỗi hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến trên cổng dịch vụ công tiết kiệm được 700.000 đồng.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, thời gian qua việc triển khai cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến đã góp phần đơn giản, giảm bớt thủ tục hồ sơ, tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc giải quyết thủ tục hành chính đổi giấy phép lái xe.

Tính trung bình cho việc ăn nghỉ, đi lại của người dân ở các xã vùng xa cách trung tâm thành phố khoảng 300km, mỗi hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe thực hiện theo hình thức trực tuyến tiết kiệm được khoảng 700.000 đồng.

Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu nêu trên làm nền tảng hoàn thành các cơ sở dữ liệu dùng chung về phương tiện, người điều khiển phương tiện, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông và triển khai Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; đảm bảo tính đồng bộ, chính xác, khách quan, hiện đại của hệ thống cơ sở dữ liệu; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước”, ông Cường nhấn mạnh.

Bảo Anh

Tin mới