Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Xung đột quyền lợi tài trợ giữa CLB và giải đấu: Man Utd cũng gặp rắc rối

(VTC News) -

Thể thao thế giới từng có những vụ tranh chấp quyền lợi nhà tài trợ giữa các bên tham gia giải đấu giống như trường hợp giữa VPF và HAGL.

VPF gửi công văn tới CLB HAGL, đề nghị đội bóng này không sử dụng hình ảnh quảng cáo nước tăng lực Carabao trong phạm vi hoạt động liên quan đến V-League 2023. Lý do là bởi theo điều lệ VPF ban hành, các CLB không được khai thác tài trợ với các nhãn hàng và ngành hàng cạnh tranh với nhà tài trợ chính của V-League.

Vụ việc gần giống với trường hợp giữa HAGL và VPF xảy ra ở Trung Quốc năm 2015. Ở giải cầu lông vô địch Trung Quốc năm 2015, tay vợt nổi tiếng Lin Dan bị cấm tham dự bán kết, do mâu thuẫn giữa nhà tài trợ của Lin Dan (hãng Yonex) và Liên đoàn cầu lông Trung Quốc (Victor) trước bán kết.

Tay vợt nổi tiếng Lin Dan từng bị loại khỏi giải Trung Quốc. 

Hai nhãn hiệu này cạnh tranh ở cùng ngành hàng và là đối thủ "truyền kiếp", khi cùng sản xuất các dụng cụ thi đấu, trang phục,... cho bộ môn cầu lông. 

Ban tổ chức giải yêu cầu Lin Dan che thương hiệu trên quần áo (gần giống yêu cầu của VPF với nhãn hiệu Carabao tài trợ cho HAGL) trong trận đấu. Dù vậy các bên liên quan không đạt được thỏa thuận. 

Đến giải vô địch cầu lông Trung Quốc mùa 2016/2017, một lần nữa Lin Dan gặp vấn đề khi anh mang túi vợt có nhãn hiệu (Yonex) vốn không được nhà tài trợ Li Ning của giải đấu cho phép vào sân trong một trận đấu. Sau những tranh cãi và thỏa thuận, Lin Dan được đồng ý dự giải, nhưng trận đấu này bị cấm phát trên sóng truyền hình. 

Trong bóng đá, xung đột quyền lợi tài trợ xảy ra không phải là hiếm. Đây là môn thể thao mà các quan hệ tài trợ rất phức tạp do chủ thể được tài trợ có thể liên quan tới nhiều chủ thể khác. Ví dụ, ngoài việc ký hợp đồng với các đối tác riêng với tư cách cá nhân, các cầu thủ cũng chịu ràng buộc trong vai trò thành viên của CLB hoặc đội tuyển quốc gia.

Năm 2013, rắc rối xảy đến với Manchester United trong chuyến du đấu đến Australia và tham dự một trận giao hữu có nhà tài trợ chính là Coca-Cola. Ở thời điểm đó, Man Utd đang trong hợp đồng với Pepsi với điều khoản độc quyền. Theo đó, đội bóng này không được phép ký thỏa thuận thương mại với các đối tác cạnh tranh với Pepsi.

Trận đấu giữa Man Utd và đội các ngôi sao A-League (giải VĐQG Australia) cũng được tính là một sự kiện thương mại. Để mời được Man Utd tham dự trận đấu này, ban tổ chức phải đàm phán để ký hợp đồng với đội chủ sân Old Trafford.

Do thỏa thuận này được ký kết sau hợp đồng giữa Man Utd và Pepsi, ban tổ chức buộc phải bỏ thương hiệu nước ngọt có ga Coca-Cola ra khỏi các hình ảnh quảng cáo, quảng bá cũng như các sự kiện có Man Utd trong thời gian đội bóng này du đấu theo hợp đồng và sử dụng một sản phẩm khác thay thế.

Hình ảnh Salah được khai thác trên máy bay. 

Một vụ tranh chấp theo kiểu khác từng xảy ra với ngôi sao Mohamed Salah của đội tuyển Ai Cập ở World Cup 2018. Cụ thể, Liên đoàn bóng đá Ai Cập (EFA) đã sử dụng hình ảnh của Salah và một số cầu thủ đội tuyển Ai Cập để in vào bức hình khổ lớn trên máy bay của hãng hàng không EgyptAir.

Luật sư và người đại diện của Salah, Ramy Abbas, phê phán EFA sử dụng trái phép hình ảnh cầu thủ Liverpool. Trong bức hình này, Salah được in rất to so với các đồng đội còn lại. Theo Abbas, EFA được phép sử dụng hình ảnh Salah nhưng là trong những tấm hình chung cả đội.

Đó là chưa kể, bức hình có mặt Salah trên thân máy bay còn in logo của hãng viễn thông Telecom Egypt, nhà tài trợ của EFA. Trong khi Salah đang là gương mặt quảng cáo cho hãng viễn thông đối thủ Vodafone. Đại diện của EFA, Salah và các hãng tài trợ chọn cách dàn xếp, đàm phán để tìm ra phương án mà không phải ra tòa.

Hồng Nam

Tin mới