Trong văn bản vừa gửi các địa phương, Bộ NN-PTNT cho hay, cơ quan này nhận được một số thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) liên quan đến vi phạm yêu cầu về kiểm dịch thực vật (KDTV) của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Theo Bộ NN-PTNT, việc buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói (CSĐG) dẫn đến tình trạng kiểm soát không hiệu quả các đối tượng KDTV mà nước nhập khẩu quan tâm và làm gia tăng số lượng các lô hàng vi phạm quy định của Trung Quốc, thậm chí có nguy cơ làm mất thị trường xuất khẩu quan trọng này.
Để chấm dứt thực trạng trên, Bộ này đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn bố trí đủ nguồn lực thực hiện công tác kiểm tra và giám sát các vùng trồng và CSĐG đã được cấp mã số.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến rộng rãi quy định của Trung Quốc cũng như tài liệu hướng dẫn kỹ thuật từ Cục Bảo vệ thực vật để tổ chức và cá nhân tham gia sản xuất và xuất khẩu sang Trung Quốc biết và tuân thủ.
Các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam bị phía Trung Quốc cảnh báo vi phạm yêu cầu về kiểm dịch thực vật (Ảnh: Tâm An).
Bộ NN-PTNT cũng đề nghị các sở NN-PTNT tăng cường kiểm soát chặt chẽ các đối tượng KDTV của Trung Quốc tại các vùng trồng, CSĐG đã được cấp mã số trên địa bàn tỉnh; yêu cầu các CSĐG phải thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật đảm bảo làm sạch sinh vật gây hại trên hàng hóa trước khi xuất khẩu; có cơ chế giám sát quy trình đóng gói tại các CSĐG.
Với các trường hợp vi phạm quy định KDTV theo thông báo từ phía Trung Quốc, Bộ NN-PTNT sẽ thực hiện tạm dừng đối với các mã số liên quan để điều tra nguyên nhân, từ đó áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp.
Cùng với đó, cơ quan quản lý sẽ áp dụng biện pháp tạm dừng sử dụng mã số vùng trồng, CSĐG liên quan tới các lô hàng xuất khẩu không đáp ứng yêu cầu của phía Trung Quốc và tái phạm nhiều lần trong quá trình kiểm tra KDTV.
Bộ NN-PTNT cũng đề nghị UBND tỉnh, thành phố có cửa khẩu xuất khẩu chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan phối hợp với cơ quan KDTV thực hiện kiểm tra chặt hàng hóa theo quy định của Trung Quốc và các nước nhập khẩu.
Việc không kiểm tra hoặc không đảm bảo tuân thủ quy trình có thể dẫn đến bỏ sót các trường hợp không đáp ứng yêu cầu mà vẫn được xuất khẩu. Điều này có thể dẫn đến việc bị phía Trung Quốc và nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn, thậm chí tạm ngừng nhập khẩu một hoặc toàn bộ các mặt hàng nông sản từ Việt Nam.
Hiện, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất, chiếm 65,8% kim ngạch xuất khẩu ngành hàng của nước ta trong 6 tháng đầu năm 2023. Theo đó, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc thu về gần 1,77 tỷ USD chỉ trong nửa đầu năm nay, tăng 120,7% so với cùng kỳ năm ngoái.