Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Xuất khẩu điều sang Italy nghi bị lừa: Đề nghị hãng tàu giảm 40% phí cược

(VTC News) -

Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đề nghị 4 hãng tàu hỗ trợ giảm 40% tiền cược để doanh nghiệp lấy lại hàng bán cho đối tác khác.

Trả lời VTC News ngày 22/3, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Vinacas cho biết, mới đây, Vinacas cùng 5 doanh nghiệp đã đề nghị 4 hãng tàu tham gia vận chuyển hỗ trợ giảm tiền cược từ 150% giá trị mỗi container hàng xuống 110% để doanh nghiệp Việt lấy lại hàng bán cho các đối tác mới. 4 hãng tàu này gồm: COSCO, YANGMING, HNM và ONE. Các hãng tàu cho biết sẽ báo cáo lên công ty mẹ về đề xuất này và sớm có công hàm trả lời.

Theo điều lệ, các doanh nghiệp Việt Nam có hàng hóa trên tàu bị mất bill, nếu muốn lấy hàng ra thì phải đóng tiền cược lên đến 150% giá trị lô hàng, thời gian đặt cược là 18 tháng.

Hiện các doanh nghiệp Việt mong muốn phía đối tác giảm xuống 110% để nhanh chóng lấy hàng ra bán cho đối tác mới, không cần cập cảng Italy, nhằm giảm các chi phí phát sinh cũng như đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa”, ông Nhựt nói.

Lãnh đạo Vinacas cho biết, tổng số hàng ký kết ban đầu là 100 container xuất sang Italia với giá trị gần 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đơn hàng này được chia nhỏ cho 5 doanh nghiệp và giao rải rác từ đầu tháng 2 đến nay. 

Hiện còn khoảng 30 container bị mất kiểm soát với bộ chứng từ. Với mỗi container trị giá khoảng 200.000 USD, tổng cộng 30 container có giá trị khoảng 6 triệu USD, tương đương 138 tỷ đồng. Số tiền ký quỹ cho lô hàng này là 150% giá trị, tương đương khoảng hơn 200 tỷ đồng. Nếu các hãng tàu đồng ý giảm 40% tiền kỹ quỹ, các doanh nghiệp Việt sẽ phải nộp số tiền là 151 tỷ đồng, giảm khoảng 50 tỷ đồng.

Cũng theo ông Nhựt, đối với 16 container hàng đã cập cảng Genova, Napoli, Tham tán thương mại Việt Nam đã làm việc với đơn vị quản lý cảng, hãng tàu, ngân hàng và chính quyền địa phương, đề nghị tạm thời chưa tiến hành giao hàng dù có chứng từ gốc, để có thời gian làm rõ vụ việc. "Cảnh sát kinh tế Italia đã tiến hành các biện pháp ngăn chặn trong khuôn khổ pháp luật cho phép, nhằm phong tỏa các container đã cập cảng”, ông Nhựt nói.

Theo quy định, lô hàng điều chỉ được phép lưu lại 14 ngày để làm thủ tục pháp lý giao nhận. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó theo quy định của cảng vụ và các hãng tàu, hàng hóa chỉ được phép lưu lại 14 ngày để làm thủ tục pháp lý giao nhận hàng. Quá thời gian trên, doanh nghiệp phải nộp phí lưu kho, lưu bãi, thậm chí là bị thu hồi nếu không có chứng từ gốc.

“Những container hàng đang nằm tại cảng, các doanh nghiệp đề nghị phía cảng vụ Italy không áp giá thu phí lưu công, lưu bãi theo các lô hàng thương mại bình thường mà giảm các chi phí trong thời gian chờ phán quyết của Tòa án”, ông Nhựt nói.

Tại cuộc họp với Vinacas và Bộ Giao thông Vận tải, các doanh nghiệp đề nghị Vinacas sẽ đại diện cho họ để thuê luật sư trình lên Tòa án Italy để đưa ra phán quyết công nhận chủ sở hữu lô hàng là của các doanh nghiệp Việt Nam đã bị tội phạm cướp bộ chứng từ gốc và cấp lại bill gốc mới cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong thời gian 18 tháng, các doanh nghiệp Việt Nam cùng với Vinacas sẽ thuê luật sư trình lên Tòa án đề nghị họ đưa ra phán quyết lô hàng đúng chủ sở hữu là của các doanh nghiệp Việt Nam bị cướp chứng từ gốc, trình cho các hãng tàu để lấy lại tiền cọc.

Trước đó, phân tích với VTC News về sự việc này, Luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng văn phòng luật sư Toàn Cầu, Đoàn luật sư Tp Hà Nội cho biết: đây là trường hợp hi hữu khó hiểu và chắc chắn có uẩn khúc. Bởi thông thường, việc giao dịch mua bán nếu không "tiền phải giao thì cháo mới múc" thì phải có một bên thứ 3 là ngân hàng để đảm bảo việc thanh toán theo đúng quy định trong thông lệ thương mại quốc tế.

Cũng theo ông Thiệp, trong trường hợp xảy ra rủi ro, hàng đã chuyển ra nước ngoài và có nguy cơ mất hàng mà không nhận được tiền thì cũng tương tự như việc bán hàng trong nước, nhà xuất khẩu sẽ đề nghị ngân hàng hỗ trợ (nếu thuộc quyền của ngân hàng hoặc pháp luật cho phép). Đồng thời, đề nghị cơ quan ngoại giao liên hệ với cơ quan chức năng hay cơ quan pháp luật nước ngoài xử lý đối với một vụ khiếu nại, gian lận, tranh chấp thương mại (nếu có căn cứ pháp luật và kịp thời). Đồng thời, có thể tiến hành khởi kiện một vụ án dân sự hay đề nghị khởi tố một vụ án hình sự về hành vi lừa đảo. 

"Nếu ở Việt Nam, việc kiện cáo đã thấy rất khó, thì ở nước ngoài khó gấp 10, thậm chí gấp 100. Với phương thức thanh toán nhờ thu, vận đơn bị mất sau khi 36 container hạt điều cập cảng đến thì hàng hoá đã vuột khỏi tầm tay của người bán cũng như ngân hàng. Chỉ còn dựa vào sự can thiệp của cơ quan ngoại giao và cơ quan pháp luật nước ngoài để ngăn chặn (nếu kịp) và truy lùng tội phạm (nếu có)”, luật sư Thiệp nói.

Theo ông Thiệp, ở thị trường trong nước, giao dịch thương mại chủ yếu dựa vào các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua ngân hàng (nhất là đối với các khoản thanh toán từ 20 triệu đồng trở lên). Tuy nhiên, hai bên mua bán hàng hoá, dịch vụ có sự chủ động cao, ít phụ thuộc vào ngân hàng, vì với vai trò trung gian thanh toán, ngân hàng chủ yếu cung ứng các công cụ, phương tiện thanh toán. Lý do là hai bên cùng là pháp nhân Việt Nam, sử dụng cùng một hệ thống pháp luật và cùng hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, nên có thể chủ động trong việc nắm bắt, bám sát đối tác, hàng hóa, vận chuyển, giao nhận, thanh toán cũng như khi giải quyết vướng mắc. 

Trong thương mại quốc tế, có một số phương thức thanh toán tương đối phổ biến như chuyển tiền (TT), thư chuyển tiền (MTR), trả tiền lấy chứng từ (C.A.D), L/C và nhờ thu (Collection), trong đó có nhờ thu trả ngay (D/P) trong vụ xuất khẩu hạt điều. 

Khác với thương mại trong nước, thương mại quốc tế dựa trên các hệ thống pháp luật khác nhau, đồng tiền khác nhau và các bên không dễ dàng gặp gỡ trực tiếp để xử lý các trục trặc. Đặc biệt khi xảy ra việc tranh chấp, khiếu nại, kiện cáo ở nước ngoài thì vô cùng phức tạp, mất thời gian, tốn kém về tố tụng tòa án, trọng tài và thi hành án. 

Qua sự việc trên, ông Thiệp đưa ra khuyến cáo, doanh nghiệp xuất khẩu cần đánh giá đúng tầm quan trọng để lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp với số tiền thanh toán; cần thuê tư vấn soạn thảo hợp đồng. Thủ đoạn lừa đảo đơn giản mà hiệu quả hiện nay là tạo lòng tin từ những chuyến hàng hay hợp đồng nhỏ với cách thanh toán đơn giản. Sau đó, tăng dần số tiền của hợp đồng lên mức cao hơn mà vẫn dùng cách thanh toán đơn giản để tìm cách gian lận với chiêu bài "đã tin cậy" nên "đơn giản" để đỡ phí ngân hàng, đỡ đọng vốn so với hình thức mở thư tín dụng L/C.   

Về phía Bộ Công Thương cũng đưa ra khuyến cáo các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu cần kiểm tra, xác thực kỹ đối tác qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có kênh cơ quan Thương vụ Việt Nam tại các nước.

Các doanh nghiệp nên trao đổi với đơn vị tư vấn để hiểu rõ, nắm vững nội dung các điều khoản của hợp đồng, các nghĩa vụ của mỗi bên, các trường hợp miễn trừ trách nhiệm, quy định về xử lý tranh chấp, bồi thường, ...

Các doanh nghiệp cũng lưu ý các các biện pháp phòng ngừa và quản trị rủi ro, trong đó có việc mua bảo hiểm đầy đủ và chủ động thuê tàu, kiểm soát các khâu trong chuỗi logistics.

PHẠM DUY

Tin mới