Đây là thông tin được đại diện Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) xác nhận tại cuộc họp báo tổ chức cuối ngày 9/3. Theo đó, trong số 100 container chuẩn bị xuất khẩu sang Italia đã phát hiện kịp thời nên phanh lại được gần 2/3. Theo Vinacas, trong ngày 9/3, hiệp hội đã tổ chức 2 cuộc họp, một với các ngân hàng Việt Nam và một với đại diện các hãng tàu.
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch thường trực Vinacas cho biết, trong số lô hàng dự định xuất khẩu đi Italia ước khoảng 100 container, có một số lô hàng xuất đi trước ước 36 container. Sau khi phát hiện dấu hiệu rủi ro với 36 container trên, các doanh nghiệp và ngân hàng đã kịp thời "phanh" số lô hàng còn lại tại Việt Nam. "Như vậy, tính đến thời điểm này mà Vinacas cập nhật được là các doanh nghiệp và ngân hàng Việt Nam hoàn toàn mất kiểm soát đối với 36 container, trị giá 7,02 triệu USD, tương đương 163 tỷ đồng. Rất may, nhờ phát hiện sớm nên phần lớn lô hàng không gặp rủi ro", ông Nhựt nói.
Trong số này, có những doanh nghiệp gặp rủi ro đối với 40 container nhưng kịp thời phát hiện ngăn chặn và thu hồi được giấy tờ của 17 container, 26 container mất quyền kiểm soát.
Trong số gần 100 container điều xuất khẩu sang Italia, nhờ phát hiện sớm nên kịp phanh lại, có 36 container mất hoàn toàn kiểm soát.
Khi rủi ro xảy ra, đã có 5 doanh nghiệp nháo nhào cầu cứu lên các nơi, trong đó có hiệp hội. Trong quá trình làm việc, các ngân hàng Việt Nam đã liên lạc với ngân hàng A bên Italia (đầu mối ngân hàng bên phía mua hàng) trả lời là đã ủy quyền cho ngân hàng B ở Thổ Nhĩ Kỳ. Khi các ngân hàng Việt Nam hỏi ngân hàng B thì nhận được trả lời rằng, đã chuyển toàn bộ hồ sơ gốc trả ngân hàng A. Các ngân hàng Việt Nam hỏi lại ngân hàng A thì A trả lời chỉ nhận được bộ hồ sơ bản sao, không có bộ hồ sơ gốc.
Theo nguyên tắc giao dịch thanh toán D/P, ngân hàng A xác nhận là bộ bản sao nên họ không trả tiền cho ngân hàng Việt Nam.
"Rất có thể bộ chứng từ đã bị đánh tráo trên quá trình vận chuyển DHL hoặc muộn hơn - khi đến cảng ở Italia", đại diện Hiệp hội cho biết.
Cũng theo ông Nhựt, sáng 9/3, trong cuộc họp với các ngân hàng, hiện cũng chưa truy tìm ra bộ hồ sơ ở đâu. Cũng trong sáng nay, đại diện Bộ Công Thương đã trực tiếp gặp Đại sứ quán Italia tại Việt Nam nhờ tác động để can thiệp kịp thời khi lô hàng đến cảng. Hiện tại, đã có 2 - 3 container cập cảng, còn khoảng trên 30 container sẽ đến rải rác trong những ngày tới.
Một mối lo khác là Vinacas đã mời đại diện 5 hãng tàu gồm Cosco, YANGMING, HMM, ONE nhưng chỉ có đại diện hãng Cosco có mặt, các hãng khác cáo bận không đến. Tuy nhiên, câu trả lời của đại diện Cosoco là "cứ có bộ hồ sơ nhận hàng là giao hàng, bất kể đó là ai, dù là kẻ cướp vì nếu không giao thì người có bộ hồ sơ pháp lý sẽ kiện ra tòa", ông Nhựt cho biết.
Trong đêm nay, Vinacas tiếp tục có công văn đến phòng chính của Cosco tại Trung Quốc nhờ can thiệp, kể cả các chi nhánh cũng chỉ làm theo quy định hệ thống Cosco: ai có chứng từ thì trả hàng.
Ngoài ra, để ngăn chặn, cần có tòa án, Vinacas đã chủ động liên hệ với bộ phận pháp lý của VCCI thì được tư vấn là cần có thời gian bổ sung bộ chứng từ chứ không thể làm ngay. "Chúng tôi đang đề xuất các trung tâm trọng tài Việt Nam đề xuất vận dụng các quy định pháp lý quốc tế khẩn cấp để can thiệp nhằm lấy lại hàng. Tuy nhiên, đây là điều rất khó vì trong tháng 3/2022, hàng hóa sẽ về đầy các cảng Italia".
Liên quan đến công ty môi giới Kim Hạnh Việt, đại diện Vinacas cho biết, đây là trường hợp lạ lùng. Công ty môi giới này đã hoạt động trong ngành môi giới hạt điều nhân và thô tại Việt Nam đã hơn 10 năm và cũng chưa có thông tin chính thức tố cáo cho Vinacas để cảnh báo.