Đi qua những huyền thoại ở Na Cô Sa
Vinh dự được đón nhận cờ thi đua của Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên vào dịp khai giảng năm học mới - mùa xuân như đang đến sớm hơn với các thầy cô và học trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Na Cô Sa (xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ).
Đưa chúng tôi đi thăm từng phòng học trong khuôn viên nhà trường, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Quân say sưa kể về chặng đường tạo dựng cơ sở vật chất thực hiện suốt nhiều năm qua.
Từ những ngày mới thành lập, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Na Cô Sa nằm trên địa bàn xã khó khăn bậc nhất của huyện nghèo Nậm Pồ, cơ sở vật chất là cả một vấn đề không dễ giải quyết.
Thành lập từ ngày 01/06/2004 và đến tháng 11/2014 Trường Tiểu học Na Cô Sa đổi tên thành Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Na Cô Sa.
Điểm Trường Na cô Sa 1 khi chưa xây dựng. (Ảnh: Lại Cường)
Trường Na Cô Sa được thành lập trên cơ sở tổng hợp vô vàn khó khăn, thiếu thốn, cơ sở vật chất thuộc dạng “bốn không” (không đường, không chợ, không điện lưới quốc gia và không thông tin), đời sống của bà con dân tộc Mông nơi đây đa phần đói nghèo, với tỷ lệ hộ đói cao trên 90%.
Thế nhưng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ; sự ủng hộ tích cực của cấp ủy, chính quyền xã Na Cô Sa, Ban Giám hiệu cùng tập thể giáo viên nhà trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Na Cô Sa quyết tâm thực hiện từng hạng mục, với phương châm “có đến đâu làm chắc đến đấy”.
Quá trình thực hiện, Ban Giám hiệu nhà trường ưu tiên làm lớp học kiên cố ở những điểm bản gần đường, thuận lối đi, sau đó vận động nhân dân góp sức vận chuyển nguyên vật liệu cho những điểm bản khó.
Theo cách ấy, mỗi năm trường hoàn thiện lớp học ở một điểm bản, sau 5 năm hoàn thành toàn bộ số lớp học kiên cố hoặc lớp học đạt tiêu chuẩn ba cứng (mái cứng, khung cứng, nền cứng).
Bắt đầu bước vào năm học 2019 - 2020, tất cả các điểm trường lẻ ở Na Cô Sa đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí “ba cứng”, Trường Na Cô Sa cũng đã được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia trong niềm vui của tập thể giáo viên, học sinh và nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
“Nghĩ lại như một giấc mơ anh ạ”, cô giáo Nguyễn Thị Huệ, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Na Cô Sa người đã có thâm niên 20 năm gắn bó với mảnh đất biên cương Na Cô Sa đã tâm sự với chúng tôi như thế.
Ngày khai giảng năm học mới ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Ba Cô Sa. (Ảnh: Lại Cường).
Cô giáo Huệ là một trong những nhân chứng sống về sự đổi thay của giáo dục ở xã Na Cô Sa. Nhớ lại những ngày đầu về Na Cô Sa, cô Huệ bồi hồi:
“Năm đầu tiên vào đây xung phong mỗi mình em là nữ. Trước kia, khu vực này thuộc xã Quảng Lâm của huyện Mường Nhé, tỉnh Lai Châu.
Khi xung phong và nhận quyết định vào đây, các anh chị trên Phòng Giáo dục cũng nói trước với em đây là vùng rất khó khăn nhưng em cũng không nghĩ lại khó khăn đến thế.
Xe của huyện chỉ đi vào đến ngã tư xã Chà Cang (cách xã Na Cô Sa khoảng gần 60km đường bộ), từ Chà Cang vào xã Quảng Lâm (nay thuộc Mường Nhé) không có đường, bọn em phải men theo suối để vào đến xã.
Từ xã Quảng Lâm vào đến điểm Na Cô Sa phải mất gần 1 ngày đi bộ nữa. Đường thì đi men theo suối thôi không có đường mòn, đường đất. Dân bản lúc đó thì nghèo, cơm trắng lúc đó là một thứ gì đó xa vời lắm. Trường lớp lúc đó là tranh tre, nứa lá được người dân dựng tạm…”.
Giờ đây, được làm việc, dạy học cùng các em học sinh ở Na Cô Sa trong những căn nhà mới, sân trường mới dường như là một giấc mơ xa xôi ngày nào đã thành hiện thực đối với không chỉ thầy Quân, cô Huệ mà còn rất nhiều thầy cô giáo khác, những người đã gửi cả thanh xuân, tuổi trẻ trên những miền cao biên giới này…
Trường học là nơi đẹp nhất xã
Ở trung tâm xã Vàng Đán, Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vàng Đán và Trường Mầm non Vàng Đán cũng là điển hình trong cách vận động, kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở trường, lớp.
Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vàng Đán hôm nay. (Ảnh: Lại Cường)
Trước đây cơ sở vật chất của nhà trường còn nhiều khó khăn: các phòng học, phòng làm việc của giáo viên đều là nhà tạm, đồ dùng, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học thiếu thốn.
Song với quyết tâm xây dựng trường học đạt chuẩn, tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường đã chung sức làm mới các phòng học, trên nền đất tận dụng một nhà ăn và một bếp ăn tập thể ở điểm trường trung tâm đã được xây dựng khang trang nhà vệ sinh… cũng đã được xây dựng.
Nhờ đó, nhiều năm liền trường không có học sinh bỏ học; tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt năm sau cao hơn năm trước.
Nhớ lại cơ sở vật chất trường lớp học khi mới thành lập huyện Nậm Pồ (năm 2013), thầy Nguyễn Xuân Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ cho biết:
“Khi mới thành lập, toàn huyện chỉ có 4 trong tổng số 37 trường học đạt chuẩn quốc gia… Năm học 2013 - 2014, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện thống kê, toàn huyện cần tu sửa, dựng tạm 163 phòng học, 210 phòng nội trú trong khi nguồn kinh phí đầu tư hạn hẹp cho nên “bài toán” tìm nguồn xây dựng trường, lớp gần như bế tắc.
Sau nhiều lần ngược xuôi lên các cấp, tập thể lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ đã thống nhất phân công cán bộ cùng giáo viên các trường về từng điểm bản vận động nhân dân ủng hộ chủ trương “góp vật liệu làm lớp học, nhà ở cho học sinh”.
Cứ như thế suốt mấy tháng liền, giáo viên huyện Nậm Pồ hầu như không có ngày nghỉ; các em học sinh trung học cơ sở cũng tình nguyện ở lại trường để cùng thầy, cô giáo và cha mẹ làm phòng học, nhà ở.
Thương thầy, cô giáo và học sinh, nhân dân cùng chính quyền các xã cũng tìm mọi cách hỗ trợ. Tiền không có, mọi người bảo nhau góp gỗ, góp công; nhiều gia đình dù khó khăn vẫn xin được góp gạo phục vụ người làm công xây dựng trường.
“Đón nhận tình cảm, tấm lòng ủng hộ của nhân dân trên địa bàn, chúng tôi xúc động lắm. Tình cảm của người dân nghèo ở huyện nghèo như ngọn lửa tiếp thêm nhiệt huyết cho mỗi thầy, cô”, thầy Nguyễn Xuân Thuận xúc động tâm sự.
Bếp ăn được dựng lên khang trang là nỗ lực không mệt mỏi của thầy và trò Trường Vàng Đán. (Ảnh: Lại Cường)
Sau thành công đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện Nậm Pồ ban hành kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020.
Trong đó, mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp học theo tiêu chuẩn ba cứng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Thực hiện kế hoạch, Phòng Giáo dục và Đào tạo Nậm Pồ đã thành lập các tổ công tác đến từng điểm bản, điểm trường nắm thực trạng, nhu cầu của nhà trường và khả năng huy động từ nhân dân.
Kế hoạch, chủ trương và cách làm được công khai đến toàn bộ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân dân trên cơ sở trường nào khó khăn thì hỗ trợ nhiều hơn, trường nào thuận lợi thì chủ yếu kêu gọi ủng hộ từ nhân dân, cha mẹ học sinh để đỡ chi phí.
Vật liệu sẵn có tại địa phương, như: ván gỗ, cát, sỏi đều do người dân tự khai thác; việc san nền, dựng nhà do giáo viên, cha mẹ học sinh góp sức làm.
Bằng cách làm cụ thể, nhiệt tình và tận tâm của đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân dân huyện Nậm Pồ, đến nay cơ sở vật chất trường, lớp học của Nậm Pồ đã có rất nhiều thay đổi.
Toàn huyện Nậm Pồ đã có 25 trường/40 trường mầm non và phổ thông đang hoạt động giáo dục đạt chuẩn quốc gia chiếm 62,5%.
Kết thúc năm học 2018 – 2019, huyện Nậm Pồ có 866 phòng học (796 phòng học thông thường; 70 phòng học bộ môn), trong đó có 460 phòng kiên cố đạt 53,1%.
Có 513 phòng nội trú, đáp ứng 80% nhu cầu; 266 phòng công vụ, đáp ứng 60% nhu cầu.
Toàn huyện Nậm Pồ hiện có 22 trường phổ thông dân tộc bán trú (tiểu học 12 trường, trung học cơ sở 10 trường).
Năm học 2018-2019 các đơn vị trường học đã huy động làm nhà lớp học, phòng làm việc, nhà công vụ giáo viên, nhà nội trú học sinh theo tiêu chí “ba cứng” với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Trong năm học toàn huyện đã xây dựng được 23 phòng, 05 phòng công vụ với với tổng kinh phí hơn 3.553.000.000 đồng từ các nhà hảo tâm.
Có được thành quả ấy, các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ hơn 12 tỷ đồng; thầy, cô giáo và phụ huynh học sinh góp hơn 10.000 ngày công và hỗ trợ 1.500 tấm ván gỗ, hơn 5.000 mét khối cát, sỏi xây dựng trường.
Cơ sở vật chất được đầu tư hoàn thiện, chất lượng dạy và học ngày càng tốt hơn.