Những ngày này, cô giáo Trà Thị Thu, điểm trường Tắk Pổ (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) cùng đồng nghiệp đang sống trọn niềm vui khi nghề nghiệp của mình được tôn vinh. Món quà dịp 20/11 mà cô nhận được là những bó rau, nhành hoa rừng từ học trò.
Món quà đơn sơ, giản dị nhưng chất chứa thứ tình cảm bao la, trìu mến của học trò vùng cao.
Với cô Thu hay bất kỳ giáo viên nào ở đây, món quà ý nghĩa nhất với họ là được nhìn thấy học sinh đến trường, chứ không hẳn là bó hoa hay bất cứ món đồ nào. Bởi ở độ cao 2.000 mét so với mực nước biển, tự bao đời qua, sợi dây nghèo khó cứ quấn riết huyện miền núi Nam Trà My - nơi đại đa số đồng bào Ca Dong cư ngụ. Ngày ba bữa cơm còn chưa lo được, huống hồ là cho trẻ đi học.
Nhưng dẫu cho cái nghèo, cái khổ về vật chất ngự trị, bủa vây cũng không thể ngăn nổi bước chân lặn lội của những “người đưa đò” tình nguyện “gùi” con chữ lên đỉnh Ngọc Linh.
Đường lên nóc Tắk Pổ gian nan, hiểm trở.
Phía sau con chữ
Cô Trà Thị Thu là một trong hai cô giáo trẻ mặc áo dài nắm tay học trò tung tăng trên ngọn đồi cỏ mây ở điểm trường Tắk Pổ (thuộc trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập, Nam Trà My) trong ngày khai giảng, hơn hai tháng trước.
Hình ảnh đó được cô đưa lên Facebook cá nhân, làm lay động hàng triệu con tim trên khắp mọi miền đất nước. Đó là những hình ảnh không chỉ đẹp ở khung cảnh mà còn bởi thông tin gây xúc động lòng người.
Thế nhưng đằng sau cả chục bức ảnh đó là lắm nỗi gian nan, gập ghềnh mà các thầy cô giáo trên đỉnh Ngọc Linh như cô Trà Thị Thu đã và đang trải qua.
Tốt nghiệp ngành Sư phạm Tiểu học, Đại học Quảng Nam 5 năm trước, cô Thu ngay khi ra trường đã không có ý định xin việc dưới xuôi cho gần nhà (huyện Thăng Bình), mà cầm bộ hồ sơ vượt hàng trăm cây số lên thẳng huyện miền núi Nam Trà My. Điểm trường đầu tiên đón cô vào nghề “gõ đầu trẻ” là Tắk Pổ.
Tất cả đều ngoài sức tưởng tượng của cô Thu. Tháng 10/2014, Nam Trà My mưa rả rích suốt ngày. Nhận được quyết định đi dạy, cô được một đồng nghiệp nam dẫn lên Tắk Pổ. Cô Thu không nghĩ ở chót vót trên đỉnh núi lại có lớp học. Điểm trường Tắk Pổ nằm cách trung tâm huyện Nam Trà My 10km nhưng giao thông rất khó khăn, không có đường cho xe máy đi lên lên. Trường nhỏ, lọt thỏm giữa mênh mông núi đồi.
Lần đầu đi bộ tới Tắk Pổ, cô mất gần 2 tiếng đồng hồ. Vất vả nhưng cô Thu vẫn cố vượt qua, chứ nhất quyết không bỏ về dưới xuôi. "Nói chuyện với học trò trên đây, tôi rất thương", cô Thu nói.
Sau một năm gắn bó với Tắk Pổ, cô Thu trải qua 3 lần luân chuyển sang điểm trường ở những nóc khác của xã Trà Tập, trước khi “tái hợp” Tắk Pổ trong năm học mới 2019-2020. Dù ở Tắk Pổ hay Răng Dí, Tu Gia, Mô Rỗi, quãng đường đi bộ của cô giáo trẻ từ trung tâm xã vào các điểm trường đều không dưới một tiếng.
Lớp học trò măng non được Thu nâng bước.
Tại điểm trường Tắk Pổ còn có cô giáo khác, người cùng cô Thu làm nên các khoảnh khắc ấn tượng trong ngày khai giảng, tạo cơn "sốt" cộng đồng mạng thời gian trước. Riah Uối (23 tuổi) vẫn nhớ như in ngày đầu lên đỉnh Ngọc Linh.
Buổi sáng đầu tháng 10/2018, cô gái sinh ra và lớn lên ở xã biên giới Chơ Chun, huyện Nam Giang, Quảng Nam khăn gói xa gia đình.
Trải qua ngày đường, khi mặt trời gần như tắt hẳn, Uối mới lần đầu đặt chân lên huyện miền núi Nam Trà My. Vùng đất hoàn toàn lạ lẫm trong mắt cô gái với bao gánh nặng lo toan.
Năm Uối 9 tuổi, cha của cô qua đời vì bạo bệnh, bỏ lại mẹ và 9 chị em Uối giữa vòng vây khốn khó.
Vì vậy, vừa tốt nghiệp ra trường, Uối nung nấu quyết tâm bằng bất cứ giá nào, phải xin bằng được việc làm để phụ giúp mẹ nuôi 3 em đang tuổi ăn tuổi học. Mới đây, tai ương tiếp tục giáng xuống khi người mẹ một đời lam lũ của chị em Uối cũng qua đời vì bệnh nan y.
Trước khi lên Nam Trà My đảm nhận giảng dạy, Uối từng được bạn bè khuyên can, e ngại vì đường sá gập ghềnh, hiểm trở. Cô giáo trẻ bỏ ngoài tai, vẫn một mực xung phong tới nóc xa nhất của xã Trà Tập dạy học.
“Ban đầu, em nhận lớp ở nóc Răng Chuỗi và phải đi bộ tầm 3 tiếng. Năm học này, quãng đường di chuyển được rút ngắn khi chuyển về Tắk Pổ nhưng địa thế hiểm trở hơn. Khó khăn mấy em cũng cố gắng vượt qua vì tình yêu với bọn trẻ và cả những đứa em ruột của mình ở quê”, Uối quả quyết.
Cô giáo Riah Uối.
Ước mơ về những con đường
Trước khi chuyển về điểm trường chính của xã Trà Tập, cô giáo Trần Thị Tú Điển từng có 2 năm băng rừng, vượt suối đến nóc Tu Lung (thôn 3) dạy học. Địa hình con đường đưa tới nóc Tu Lung gần như “đồng dạng” với con đường lên nóc Tắk Pổ của hai cô giáo Thu và Uối.
Thời gian để Điển cuốc bộ từ trung tâm xã đến nóc Tu Lung không dưới 1 tiếng đồng hồ.
Ở dãy Ngọc Linh quanh năm mây phủ trắng lưng trời này, những con đường dẫn lối “người đưa đò” tới các bản làng nếu không gập ghềnh, hiểm trở thì bị sông sâu chia cắt.
Sông Tranh chia cắt làng Tắc Rối.
Thầy Nguyễn Bảo Toàn (giáo viên tiểu học điểm trường Tắc Rối) cho hay, tự bao đời qua, khúc sông uốn một đường vòng cung khiến dân làng Tắc Rối bị "cô lập".
“Để sang ngôi làng nằm biệt lập này dạy học, thầy cô giáo chỉ có một cách duy nhất là lụy đò. Chúng tôi hy vọng có cây cầu, con đường bằng phẳng để bà con nơi đây đỡ vất vả hơn”, thầy Toàn bộc bạch.
Mong mỏi về cây cầu kiên cố bắc qua sông hay những con đường phẳng lì chạy dài tăm tắp mà thầy Toàn trông đợi cũng chính là ước vọng của cô Thu, cô Uối, cô Điển cùng hàng trăm giáo viên đang ngày đêm dốc sức vì sự nghiệp trồng người ở Nam Trà My.
Khi điều ước ấy được hiện thực hóa, chắc chắn, con đường gieo chữ của các thầy cô giáo sẽ không còn gian nan, gập ghềnh nữa. Lúc đó, con đường đi đến bến bờ tri thức của con em đồng bào Ca Dong trên rẻo cao Ngọc Linh sẽ xán lạn hơn.