Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Xử lý thế nào nếu có người Việt Nam bị mắc virus corona từ Trung Quốc?

(VTC News) -

Trường hợp bệnh viêm phổi cấp xâm nhập vào Việt Nam, theo Bộ Y tế cần phát hiện sớm để cách ly, theo dõi, xử lý triệt để ổ dịch, tránh lây lan ra cộng đồng.

Ngày 21/1, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành Kế hoạch đáp ứng với bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona.

Theo Bộ Y tế, trường hợp xác định dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam, kế hoạch cần triển khai gồm:

Tăng cường giám sát các trường hợp viêm phổi có yếu tố dịch tễ liên quan, xét nghiệm để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh. Triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch khi xuất hiện trường hợp bệnh đầu tiên, không để lan rộng.

Giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của những người có tiếp xúc gần với người bệnh trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối; cách ly những trường hợp mắc bệnh và nghi ngờ, lấy mẫu xét nghiệm.

Hướng dẫn cho việc chăm sóc tại nhà của người bệnh và phòng ngừa lây nhiễm giữa các thành viên trong gia đình.

Để phòng dịch viêm phổi cấp do coronavirus, Bộ Y tế yêu cầu giám sát chặt các cửa khẩu.

Thực hiện tiếp nhận bệnh nhân theo phân tuyến điều trị, những bệnh nhân đầu tiên được điều trị tại các bệnh viện tuyến cuối, hạn chế thấp nhất nguy cơ thiệt mạng.

Bố trí khu vực riêng để điều trị bệnh nhân. Khu vực cách ly được chia thành ba đơn nguyên: bệnh nhân nghi ngờ, bệnh nhân được chẩn đoán xác định và khu lưu giữ bệnh nhân trước khi xuất viện.

Thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.

Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cho các cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân, không để xảy ra hiện tượng lây nhiễm sang cán bộ y tế.

Tổ chức thường trực cấp cứu, thu dung, điều trị tại các đơn vị khám, chữa bệnh; triển khai các đội cấp cứu lưu động để kịp thời hỗ trợ và điều trị tại chỗ ở nơi xảy ra dịch.

Thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, bệnh nhân nặng, tử vong nghi do viêm phổi nặng chưa rõ nguyên nhân.

Thường xuyên cập nhật, đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác chẩn đoán điều trị, kiểm thảo thiệt mạng (nếu có), cập nhật phác đồ chẩn đoán, cách ly, điều trị bệnh nhân và phòng lây nhiễm phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.

 Chuẩn bị phương án mở rộng cơ sở điều trị, huy động nguồn lực bệnh viện, bổ sung kế hoạch thu dung điều trị để kịp thời ứng phó khi dịch bệnh bùng phát lan rộng.

Trong trường hợp dịch viêm phổi cấp lây lan trong cộng đồng, chúng ta cần:

Tăng cường hoạt động Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (PHEOC) Việt Nam tại Bộ Y tế và Văn phòng PHEOC khu vực tại các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, thường trực 24/7.

Báo cáo diễn biến tình hình dịch bệnh hàng ngày, tham mưu với Ban Bí thư, Thủ tướng, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ các biện pháp phòng chống dịch để nhận được chỉ đạo kịp thời. Tham mưu Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương huy động nguồn lực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch mới. Thực hiện việc giám sát trường hợp bệnh, điều tra và theo dõi chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc.

Tăng cường giám sát các chùm ca bệnh viêm phổi có yếu tố dịch tễ liên quan tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cộng đồng. Duy trì việc giám sát tại cửa khẩu để giảm nguy cơ các trường hợp mắc bệnh nhập cảnh hoặc xuất cảnh.

Tiếp tục thực hiện việc khai báo y tế đối với hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu phù hợp với tình hình dịch và thông lệ quốc tế.Đánh giá nguy cơ thường xuyên để triển khai các biện pháp đáp ứng phù hợp và hiệu quả.

Tiếp tục triển khai giám sát viêm phổi nặng do vi rút; đẩy mạnh việc giám sát dựa vào sự kiện, kịp thời xác minh, tổ chức điều tra phát hiện ổ dịch, khoanh vùng, xử lý sớm các ổ dịch trong cộng đồng.

Thường trực phòng, chống dịch 24/24 giờ tại các đơn vị y tế từ trung ương đến địa phương. Huy động tối đa lực lượng nhân viên y tế, sinh viên y khoa tham gia chống dịch.

Rà soát mở rộng các phòng xét nghiệm tại các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, các Bệnh viện tuyến trung ương và một số Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố nơi có đủ điều kiện xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh.

Tăng cường giám sát, xét nghiệm để xác định sự lưu hành, biến đổi, mức độ lây lan của dịch bệnh. Thường xuyên cập nhật, đánh giá rút kinh nghiệm và cập nhật các tài liệu chuyên môn trong công tác giám sát, xử lý ổ dịch để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.

Phối hợp các tổ chức quốc tế (WHO, FAO, USCDC …) để kịp thời chia sẻ thông tin về dịch bệnh, các biện pháp xử lý ổ dịch, điều trị bệnh nhân, cách ly và phòng, chống dịch bệnh phù hợp.

Thực hiện quyết liệt việc phân tuyến, triển khai bệnh viện vệ tinh để điều trị bệnh nhân theo quy định nhằm giảm tải các bệnh viện tuyến cuối. Các bệnh viện chủ động triển khai kế hoạch mở rộng việc thu dung, điều trị bệnh nhân; sẵn sàng thiết lập các bệnh viện dã chiến khi cần thiết.Huy động nguồn nhân lực, vật lực (trang thiết bị, thuốc, vật tư …) cho các đơn vị điều trị bệnh nhân.

Hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, điều động nhân lực tập trung cho địa phương có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Thực hiện nghiêm ngặt việc tổ chức cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các bệnh viện theo quy định; làm thông thoáng buồng bệnh để giảm nồng độ virus.

Tập trung tối đa nguồn lực và chuyên môn kỹ thuật để điều trị bệnh nhân để hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cho các cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân, không để xảy ra hiện tượng lây nhiễm sang cán bộ y tế.

Tổ chức thường trực cấp cứu, thu dung, điều trị tại các đơn vị khám, chữa bệnh; các đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ địa phương cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi có yêu cầu.

Thường xuyên cập nhật, đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác chẩn đoán điều trị, chăm sóc để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn chẩn đoán điều trị phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.

Ngoài các nhiệm vụ trên, Bộ Y tế cũng đưa ra một loại các kế hoạch về công tác chỉ đạo kiểm tra, công tác truyền thông, hậu cần và phối hợp quốc tế xoay quanh việc chuẩn bị những tình huống phòng chống dịch viêm phổi cấp do coronavirus trong thời gian sắp tới.

Theo Bộ Y tế, qua hệ thống giám sát từ tháng 12/2019 đến ngày 19/01/2020, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona.

Ngày 14/1/2020, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại Đà Nẵng phát hiện hai trường hợp có sốt đến từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc thông qua đo thân nhiệt từ xa.

Qua kiểm tra, xét nghiệm, 2 trường hợp này đều không nhiễm virus corona. Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc viêm phổi cấp do virus corona.

Tại một số quốc gia trong khu vực châu Á ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh xâm nhập bao gồm: Thái Lan 2 trường hợp (cả hai trường hợp này đều là người cư trú tại thành phố Vũ Hán và đến Thái Lan du lịch), Nhật Bản 1 trường hợp, Hàn Quốc 1 trường hợp.

Căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, kết quả đánh giá nguy cơ của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam ngày 7/1 cho thấy bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona hoàn toàn có thể xâm nhập vào Việt Nam, có khả năng bùng phát thành dịch.

Phạm Quý

Tin mới