Nhận định này được bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - nhấn mạnh khi trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023, tại phiên họp sáng 21/11.
Bà Lê Thị Nga đánh giá Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục thể hiện quyết tâm mạnh mẽ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không chùng xuống của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. (Ảnh: quochoi.vn).
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế; một số hạn chế đã tồn tại kéo dài qua nhiều năm nhưng chậm được khắc phục.
Cụ thể là việc thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa có nhiều cải thiện, nhất là ở địa phương; vẫn còn nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vi phạm.
Bên cạnh đó là việc bố trí, bổ nhiệm người nhà, người thân thích vào các chức danh lãnh đạo quản lý trong cùng một cơ quan, tổ chức, đơn vị trái quy định vẫn còn xảy ra. Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng còn có những vướng mắc
"Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vẫn còn có những hạn chế; kết quả phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế", bà Lê Thị Nga nhấn mạnh.
Cơ quan thẩm tra nêu dẫn chứng đã tiến hành xác minh tài sản, thu nhập đối với 13.093 người nhưng chỉ phát hiện, xử lý kỷ luật đối với 54 người do kê khai không trung thực. Trong khi đó, qua giám sát của Ủy ban Tư pháp và dư luận, cử tri cho thấy tình trạng vi phạm việc kê khai tài sản, thu nhập diễn ra còn nhiều.
Một hạn chế nữa về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu là thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, y tế, giáo dục, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu…
Trước đó, trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng của 45.192 lượt cán bộ, công chức, viên chức.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. (Ảnh: quochoi.vn).
Về thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, ông Đoàn Hồng Phong thông tin, trong kỳ đã có 60.458 người kê khai tài sản, thu nhập lần đầu; 545.535 người đã kê khai tài sản, thu nhập hằng năm; 44.015 người đã kê khai tài sản, thu nhập bổ sung; 161.928 người kê khai tài sản, thu nhậpphục vụ công tác cán bộ; 655.299 người đã được công khai bản kê khai tài sản, thu nhập.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, kết quả xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 là 13.093 người; có 2.664 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định…; có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.
Liên quan đến việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, ông Đoàn Hồng Phong cho hay có 55 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.
"13 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng. 42 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng (trong đó khiển trách: 16 người; cảnh cáo: 13 người; cách chức: 13 người)", ông Đoàn Hồng Phong nêu.