Theo Daily Mail, người phụ nữ lớn tuổi nhất từng mang thai và sinh con thành công là cụ bà Erramatti Mangayamma, sống tại bang Andhra Pradesh (Ấn Độ). Bà Mangayamma khi đó hơn 73 tuổi, sinh đôi hai bé gái bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo vào năm 2019.
Cụ bà Mangayamma sinh sống cùng chồng - ông Raja Jaov suốt 57 năm nhưng không có con. Bà đã trải qua thời kỳ mãn kinh vào 30 năm trước. Hai bé gái sinh non bằng phương pháp sinh mổ, mỗi bé nặng 1,6 kg. Bà Mangayamma nhận trứng người hiến tặng và tinh trùng của ông Raja Jaov.
Cụ bà Mangayamm tiết lộ bản thân được truyền cảm hứng để sinh con sau khi người hàng xóm 55 tuổi đã thụ thai trước đó.
Cụ bà Erramatti Mangayamma hiện là người phụ nữ lớn tuổi nhất từng mang thai và sinh con thành công. (Ảnh: The Sun)
Sinh con ở tuổi ngoài 50 không hiếm
Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), chỉ tính riêng trong năm 2019, các ca sinh nở ở phụ nữ trên 50 tuổi tại Mỹ lên đến 1.073 trường hợp. Con số này so với năm 1997 tăng 745%.
Còn theo Hiệp hội Sinh sản Anh, tỷ lệ sinh con trên 50 tuổi ở nước này gia tăng mạnh thời gian gần đây. Con số này trong giai đoạn 2019 -2021 lên đến 824 trường hợp. Các ca sinh ở độ tuổi trên 60 là 9 trường hợp.
Tờ Telegraph cho biết xu hướng làm mẹ ở độ tuổi trên 50 hoặc 60 đang gia tăng theo từng năm. Sự phát triển của phương pháp thụ tinh nhân tạo giúp những phụ nữ khao khát có con kiên trì theo đuổi việc làm mẹ mạnh liệt hơn trước bất chấp tuổi tác.
Khi một người phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh thì không thể mang thai bằng phương pháp tự nhiên. Tuy nhiên, bệnh viện vẫn có thể thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm bằng việc sử dụng trứng đông lạnh được tích trữ từ trước của người mẹ hoặc xin trứng từ người hiến tặng.
Các trường hợp sinh nở trên 60 tuổi không chỉ phổ biến ở các nước phát triển mà xuất hiện ngay cả ở các nước đang phát triển hoặc kém phát triển vốn có điều kiện y tế ở mức trung bình.
Với phụ nữ ngoài 50 tuổi, khả năng có con tự nhiên là rất khó và rất ít trường hợp còn trứng. Do đó, việc thụ tinh ống nghiệm cũng khó khăn. Phụ nữ mang thai và sinh đẻ khi đã lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tiền sản giật, tiểu đường cao hơn bình thường. Thai nhi cũng gặp nhiều rủi ro.
Một vấn đề tế nhị ít được nhắc đến đó là ai sẽ chăm sóc những đứa trẻ nếu cha mẹ già bệnh tật, hoặc nếu họ không còn sống để chứng kiến đứa trẻ lớn lên.
Xu hướng sinh muộn đang ngày càng gia tăng tại châu Âu, điển hình như ở Anh độ tuổi trung bình của những phụ nữ lần đầu làm mẹ đã tăng 30,9 mức cao nhất từ trước tới nay. (Ảnh: Statista)
Xu hướng sinh con muộn
Cơ quan Thống kê Thụy Điển cho hay, 537 trẻ em được các bà mẹ trên 45 tuổi sinh trong năm 2022, trong khi đó cùng năm 410 ca sinh của các bà mẹ từ 19 tuổi trở xuống.
Với việc tăng khả năng tiếp cận các biện pháp tránh thai giúp phụ nữ kiểm soát tốt hơn vấn đề sinh sản và kế hoạch hóa gia đình nên số lượng mang thai sớm ở Thụy Điển bắt đầu giảm vào những năm 1960.
Theo Gunnar Andersson - giáo sư nhân khẩu học tại Đại học Stockholm - trong khi xu hướng tăng tuổi trung bình của thai phụ không chỉ xảy ra ở Thụy Điển, thì sự ổn định kinh tế xã hội và lối sống đã ảnh hưởng lớn hơn đến việc tăng số lượng thai phụ lớn tuổi.
Tương tự, sự sẵn có của các loại hình hỗ trợ sinh sản và các cơ sở chăm sóc sản phụ tốt hơn làm tăng ngưỡng giới hạn về mặt sinh học trước đây, ông nói thêm.
Các phương pháp điều trị y tế cho phép mang thai ở tuổi cao hơn cũng đang làm thay đổi tuổi thai sản trung bình ở Thụy Điển.
Độ tuổi trung bình mang thai lần đầu ở phụ nữ là 30,07 vào năm 2021, tăng so với mức 28,22 vào năm 2000.
Việc tăng số lượng phụ nữ lớn tuổi mang thai là xu hướng phổ biến ở khu vực Bắc Âu. Tuy nhiên, một xu hướng chung khác mà Thụy Điển cũng ghi nhận là tỉ lệ sinh giảm.
Eurostat năm 2021 thông tin, độ tuổi sinh con đầu lòng trung bình của phụ nữ ở Liên minh châu Âu (EU) đang tăng dần và đạt mức 29,4 tuổi vào năm 2019. Độ tuổi trung bình tăng lên ở tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu trong giai đoạn này dù ở các mức độ khác nhau.
Thay đổi lớn nhất là ở Estonia - độ tuổi trung bình tăng thêm 1 tuổi - từ 27,2 tuổi năm 2015 lên 28,2 tuổi năm 2019, tiếp theo là Litva và Luxembourg (đều tăng 0,9 tuổi). Trong cùng thời kỳ, những thay đổi nhỏ nhất được ghi nhận ở Slovakia (+0,1 năm) và Slovenia (+0,2).
Tuổi của phụ nữ sinh con đầu lòng dao động từ 26,3 ở Bulgaria đến 31,3 ở Italy. Năm 2019, tuổi của người mẹ khi sinh con đầu lòng là trên 31 ở 3 quốc gia thành viên EU: Italy (31,3 tuổi), Tây Ban Nha và Luxembourg (đều 31,1 tuổi). Ngược lại, 2 quốc gia thành viên có độ tuổi trung bình của phụ nữ sinh con đầu lòng dưới 27 tuổi: Bulgaria (26,3 tuổi) và Romania (26,9 tuổi).
Xu hướng phụ nữ sinh con muộn ở độ tuổi 30 hoặc 40 cũng tăng mạnh ở Mỹ, Anh, Trung Quốc và Ấn Độ trong hơn 10 năm qua. Dù vậy các nước này vẫn đối mặt tới tỷ lệ sinh thấp ở độ tuổi phù hợp để làm mẹ.