Những năm gần đây, người dân xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam canh cánh nỗi lo trước thực trạng cánh rừng ngập mặn nguyên sinh thuộc 2 thôn Đông Xuân và Đông Bình chết khô.
Theo người dân, rừng ngập mặn ở địa phương bắt đầu rụng lá, chết khô kể từ năm 2020. Đặc biệt, vào mùa nắng nóng, nhiều diện tích cây rừng khô lá và chết nhanh hơn.
Hàng nghìn cây đước, mắm, bần có tuổi đời hơn 100 năm tuổi chỉ còn là thân củi khô.
"Tự bao đời qua, rừng ngập mặn này được xem là tấm lá chắn, ngăn sóng và gió từ ngoài biển công phá. Ngoài ra, với những loại cây như đước, mắm, bần, cánh rừng còn giúp bảo vệ vững chắc khu vực ven bờ sông Trường Giang. Chứng kiến rừng chết dần chết mòn, bà con ở đây không khỏi xót xa" - ông Phạm Văn Vương, trú thôn Đông Bình, chia sẻ.
Với việc diện tích lớn rừng ngập mặn chết khô đã làm ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của các loại thủy sản như: Tôm, cua, ốc và cá. "Trước đây, tôm cá trong các khu rừng ngập mặn trù phú lắm, cây cối xanh tốt đã giúp chúng có chỗ trú ngụ. Còn bây giờ, các loài thủy sản khan hiếm khiến nghề đánh bắt của bà con trở nên bấp bênh" - một người dân thôn Đông Xuân nói.
Ngoài việc cây chết khô, bà con địa phương còn bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng rác thải tràn ngập đang "bức tử" môi trường ở rừng ngập mặn.
Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành - thông tin, đến thời điểm hiện tại, gần 7 hecta rừng ngập mặn đã chết khô. Chính quyền địa phương đã kiến nghị với lãnh đạo tỉnh cũng như Sở NN&PTNT về việc xin kinh phí để trồng mới lại diện tích rừng đã chết.
Trước thực trạng rừng ngập mặn chết khô ở xã Tam Giang, lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Nam đã giao Chi cục Kiểm lâm đến hiện trường kiểm tra và báo cáo cụ thể, đồng thời mời Viện Tài nguyên và Môi trường, thuộc Đại học Huế kiểm tra, phân tích, đánh giá rừng ngập mặn bị chết khô trên góc độ khoa học để xác định nguyên nhân, đưa ra phương án khắc phục.