Xe đạp công cộng TP.HCM vắng khách sau gần 3 năm vận hành.
Cuối năm 2021, 43 trạm với 388 xe đạp công cộng được TP.HCM đưa vào hoạt động thu hút nhiều người đến trải nghiệm, mang đến hình ảnh mới cho giao thông thành phố. Tuy nhiên, sau gần 3 năm vận hành, dịch vụ này đang đứng trước nguy cơ bị "xoá sổ" vì tồn tại nhiều bất cập, hạn chế.
Dù được đầu tư khá rầm rộ nhưng hiện nhiều trạm xe đạp công cộng tại TP.HCM đang rơi vào tình trạng đìu hiu, vắng vẻ.
“Tạm biệt” xe đạp công cộng
Khảo sát của PV Báo điện tử VTC News, tại 10/43 trạm xe đạp công cộng (Quận 1) trong một tuần, số lượng người sử dụng dịch vụ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo quan sát, mỗi trạm được bố trí từ 10-12 chiếc xe có tính năng định vị GPS, đóng hoặc mở khóa thông qua kết nối mạng 3G, 4G hoặc bluetooth trên điện thoại di động.
Tại TP.HCM có 43 trạm với 388 xe đạp đang được bố trí tại Quận 1.
Để sử dụng dịch vụ này, người dân bắt buộc phải tải miễn phí và cài đặt ứng dụng Mobike trên điện thoại thông minh, từ đó có thể quét tìm xung quanh để đến được điểm trạm còn xe gần nhất. Sau đó, họ dùng chính ứng dụng này để quét mã code mở khóa xe sử dụng.
Xe đạp công cộng ra đời nhằm mục tiêu đa dạng hóa loại hình phương tiện vận tải hành khách thân thiện với môi trường. Tuy nhiên thực tế cho thấy dịch vụ giao thông công cộng này đang không người dân sử dụng vì chưa phù hợp nhu cầu.
Chị Nguyễn Thị Xuân (36 tuổi, làm việc tại Quận 1) cho biết, chị rất thích đi xe đạp công cộng, thế nhưng gần đây không còn sử dụng dịch vụ này. Lý do vì phương tiện này chưa phù hợp với nhu cầu thực tế.
“Đi làm bằng xe đạp công cộng rất bất tiện vì trạm xe đạp xa nơi làm việc, quá trình mở ứng dụng lấy xe và trả xe cũng tốn nhiều thời gian. Chưa kể đi làm phải mang theo hành lý nặng (balo), thời tiết nắng mưa thất thường, kẹt xe dẫn đến nguy cơ trễ giờ làm”, chị Xuân nói.
Một trong những hạn chế khiến người dân ngại lựa chọn xe đạp công cộng là quá trình mở ứng dụng lấy xe và trả xe tốn nhiều thời gian.
Còn theo anh Trần Quốc Phong (26 tuổi, làm việc tại Quận 1), lý do không lựa chọn xe đạp công cộng để di chuyển vì chi phí quá cao. Anh Phong cho biết, công ty anh làm việc không gần trạm xe đạp công cộng, do đó nếu gửi xe tại nơi làm việc thì chi phí thuê xe sẽ tăng lên cao.
“Chi phí thuê xe đạp là 10.000 đồng cho 1 giờ, sau đó cứ 15 phút là trả thêm 3.000 đồng. Nếu một ngày tôi đi làm 8 tiếng thì phải trả gần 100.000 nghìn đồng thuê xe, số tiền này còn cao hơn tôi đi xe ôm công nghệ”, anh Phong lý giải.
Thực tế cho thấy xe đạp được dư luận quan tâm vì giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên cũng không ít ý kiến lo ngại về tính hiệu quả của loại phương này khi được vận dụng vào thực tế.
Trước đó tháng 2/2017, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã mua 5 chiếc xe đạp cho công chức, viên chức của cơ quan đi làm bằng xe đạp. Tuy nhiên, phong trào này cũng nhanh chóng “thất bại” sau vài tháng phát động vì nhiều lý do.
Nguy cơ bị “xoá sổ”
Đánh giá về tính hiệu quả sau gần 3 năm hoạt động, ông Đỗ Bá Quân - Chủ tịch Công ty cổ phần dịch vụ Vận tải số Trí Nam (đơn vị chủ đầu tư), cho biết mảng dịch vụ xe đạp công cộng ở TP.HCM có tiềm năng rất lớn, tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.
Ghi nhận của PV Báo điện tử VTC News trong một tuần, số lượng người sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo Chủ tịch Công ty cổ phần dịch vụ Vận tải số Trí Nam, dịch vụ xe đạp công cộng tại TP.HCM đang vướng bất cập về quy mô và chính sách.
“Cần phải có chính sách ưu đãi dành cho xe đạp công cộng, giá của phương tiện này không thể như những xe dịch vụ công cộng đơn thuần, mà cần phải đảm bảo giá rẻ như chúng tôi đã đặt ra. Đặc biệt, quy mô dịch vụ này cần được mở rộng ra các quận lân cận”, ông Quân chia sẻ.
Ông Quân cho biết, sau gần 3 năm hoạt động dịch vụ xe đạp công cộng tại TP.HCM chỉ có khoảng 250 nghìn tài khoản đăng ký.
“Thống kê cho thấy so với năm đầu tiên thì thời điểm này số người đăng ký sử dụng xe đạp công cộng giảm khoảng 70 - 80%. Nguyên nhân có thể do giai đoạn đầu người dân còn hào hứng muốn trải nghiệm dịch vụ, còn bây giờ nhu cầu thực tế người dân nếu cần thì mới sử dụng. Hơn nữa phương tiện công cộng này đang hoạt động trong phạm vi rất nhỏ nên số lượng người sử dụng chưa được nhiều, cần phải mở rộng ra nhiều quận”, ông Quân nói.
Cần nhiều giải pháp để tăng sức hút cho dịch vụ xe đạp công cộng tại TP.HCM.
Chủ tịch Công ty cổ phần dịch vụ Vận tải số Trí Nam khẳng định, rào cản của sự phát triển xe đạp công cộng ở TP.HCM không phải là thời tiết. Điều kiện thời tiết của TP.HCM ủng hộ người dân trải nghiệm xe đạp hơn rất nhiều so với Hà Nội và các tỉnh miền Trung. Khó khăn cần được tháo gỡ tại TP.HCM là “chính sách hỗ trợ cho xe đạp công cộng chưa được rõ ràng”.
Ngoài những khó khăn về chính sách thì quy định về thu phí vỉa hè của TP.HCM cũng trở thành “vật cản lớn” cho đơn vị đầu tư.
“Hiện tại, dịch vụ xe đạp công cộng đang trong giai đoạn thí điểm và được TP.HCM hỗ trợ không thu phí vỉa hè ở các trạm xe. Trong thời gian tới thành phố đang có chủ trương thu phí vỉa hè của các trạm xe thì đây sẽ là vật cản cực lớn cho doanh nghiệp. Doanh thu của doanh nghiệp rất nhỏ, nếu phải trả thêm phí vỉa hè nữa thì rất khó để doanh nghiệp phát triển dịch vụ xe đạp công cộng”.
Trước đó, tại Hà Nội, Tập đoàn Trí Nam cũng đã thí điểm hơn 700 xe đạp (88 trạm ở 6 quận) với hơn 208 nghìn lượt khách đăng ký. Đáng nói, dù xe đạp công cộng cũng được miễn phí sử dụng vỉa hè, nhưng dịch vụ xe này vẫn chưa thể có lãi, chi phí để đầu tư cho việc thí điểm là hơn 6,4 tỷ đồng nhưng doanh thu đến nay chỉ đạt 3,7 tỷ đồng.