Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xe buýt điện sẽ 'định hình' giao thông xanh tại Việt Nam

11:36 07/05/2019 Xe

Tập đoàn Vingroup vừa bất ngờ công bố gia nhập lĩnh vực vận tải hành khách công cộng với VinBus – hãng buýt điện 100%.

Ngay lập tức, VinBus nhận được sự chào đón đầy hào hứng và tích cực của người dân, không chỉ bởi hãng xe này sẽ hoạt động phi lợi nhuận; mà còn bởi buýt điện chính là xu hướng mới trên thế giới – xanh, tiện nghi, không khí thải, không tiếng ồn…

“Cách mạng điện hóa” xe buýt

Nếu có mặt ở một trạm dừng xe buýt tại quận trung tâm Phúc Điền của thành phố Thâm Quyến, bạn sẽ phải bất ngờ với sự thay đổi của phương tiện giao thông công cộng này. Thay cho những “quái vật khổng lồ” xả khói và ồn ào nhức tai, xe buýt công cộng tại Thâm Quyến đã được điện hóa 100% hoàn toàn, thân thiện với môi trường và sức khỏe con người.

Thẩm Quyến là thành phố đầu tiên trên thế giới có 100% xe buýt chạy bằng điện.

Còn tại Thượng Hải, thành phố lớn nhất Trung Quốc, các nhà vận hành xe buýt điện tại đây đang có gần 9.500 chiếc xe điện, chiếm 55% đội xe buýt toàn thành phố. Ngoài ra, hơn 30 thành phố khác của Trung Quốc đã lên kế hoạch sử dụng 100% xe buýt điện vào năm 2020, trong đó có Quảng Châu, Chu Hải, Đông Quản, Phật Sơn và Trung Sơn ở khu vực đồng bằng Châu Giang, Nam Kinh, Hàng Châu, Thiểm Tây và Sơn Đông…

Theo số liệu của Bloomberg New Energy Finance, hiện Trung Quốc là thị trường xe buýt điện lớn nhất thế giới với khoảng 350.000 chiếc, chiếm 99% lượng xe buýt điện toàn thế giới. Tuy nhiên “cuộc cách mạng điện hóa xe buýt” cũng đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều quốc gia phát triển. Hiện đã có 13 thành phố lớn trên thế giới, trong đó có Paris, London, Mexico City... gia nhập làn sóng “giao thông công cộng xanh” với cam kết đến năm 2025 chỉ dùng xe buýt điện.

Tại Mỹ, thành phố New York vừa mới tuyên bố sẽ chuyển hết hệ thống xe buýt sang chạy điện trước năm 2040, trong khi Los Angeles cam kết sớm hơn, trước năm 2030. Đối với châu Âu, hãng tư vấn danh tiếng McKinsey cho biết, các đội xe buýt đô thị tại đây sẽ chuyển mạnh sang sử dụng nhiên liệu điện thay vì nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030. Mục tiêu là đến năm 2030 sẽ có 75% số xe buýt tại châu Âu là xe buýt điện.

 

Xu thế tất yếu của buýt điện

Là một trong những phương tiện không thể thay thế trong vận tải hành khách công cộng tại đô thị nhưng xe buýt lại là nguồn phát thải ô nhiễm khổng lồ. Theo tính toán của các nhà khoa học, bình quân một xe buýt tiêu thụ lượng nhiên liệu gấp 30 lần so với ô tô con. Đó là còn chưa kể đến tiêu chuẩn khí thải của xe buýt luôn thấp hơn nhiều so với các loại phương tiện cá nhân khác.

Rõ ràng khi chính quyền các thành phố lớn trên thế giới đang đau đầu vì vấn nạn ô nhiễm môi trường, chất lượng không khí ngày càng kém vì khói thải từ xe cộ, xe buýt điện là một giải pháp thay thế không cần bàn cãi.

Thâm Quyến là một điển hình. Khói bụi ở đây tệ hại đến nỗi chính quyền Trung Quốc buộc phải chọn thành phố này làm nơi thí điểm giảm thiểu ô nhiễm không khí bằng nhiều chính sách. Với việc vận hành 16.359 xe buýt điện, chính quyền Thẩm Quyến đang nhắm đến mục tiêu cắt giảm 48% lượng khí thải CO2 và một số chất khác thuộc nhóm nitơ oxit, hydrocarbon không mêtan và bụi hạt nhỏ.

Lợi ích của việc chuyển từ xe buýt sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe buýt điện không chỉ là giảm ô nhiễm không khí. Tiếng ồn từ hoạt động của các xe buýt sử dụng diesel cũng sẽ hoàn toàn biến mất giúp tạo ra những đô thị văn minh, đảm bảo sức khỏe cho cư dân.

Tầm quan trọng của xe buýt điện ngày càng lớn đến mức mà kể từ năm 2017, báo cáo về lĩnh vực xe buýt điện của hầu hết các hãng nghiên cứu thị trường và tư vấn hàng đầu thế giới đã trở thành những bản tin độc lập, không bị gộp chung với các phương tiện giao thông điện khác. Dù số liệu có khác nhau đôi chút nhưng các báo cáo này đều có chung nhận định đã đến thời của xe buýt điện.

Theo hãng nghiên cứu Navigant Research về thị trường xe buýt toàn cầu trong 10 năm tới, xe buýt sẽ tăng trưởng đạt 1 triệu chiếc. Xe buýt diesel sẽ xuống còn 51%; xe buýt lai (hybrid) và xe buýt điện sẽ chiếm tỷ trọng 21-22% vào năm 2027 (riêng xe buýt điện năm 2017 tăng trưởng đến 40%).

Freedonia Group thậm chí còn lạc quan hơn. Họ cho xe buýt lai và xe buýt điện chiếm 22% thị phần trước năm 2021. Market Watch cho rằng mức tăng trưởng gộp của xe buýt điện sẽ cao hơn, chừng 22,8% trong giai đoạn 2017-2023. Riêng các hãng xe buýt điện lại đưa ra các con số ấn tượng hơn nhiều; họ chế tạo xe buýt điện nên lạc quan cũng là điều dễ hiểu. Một dự báo loại này cho rằng xe buýt điện sẽ chiếm một phần ba doanh số xe buýt nói chung vào năm 2020, 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030.

Với những lợi ích rõ ràng khi chuyển đổi từ xe buýt sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe buýt điện, không có gì ngạc nhiên khi xe buýt điện là xu thế tất yếu. Tại Việt Nam, hãng VinBus cũng sẽ đi vào vận hành từ  tháng 3/2020 với 3000 xe buýt điện. Theo hãng này cho biết, VinBus sẽ bắt đầu tại 5 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ trước khi mở rộng trên toàn quốc nhờ mô hình phi lợi nhuận, phục vụ công ích./.

Quỳnh Chi

Tin mới