Hiện nay, hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước diễn biến hết sức phức tạp trên không gian mạng. Do vậy, xây dựng “Thế trận lòng dân” trên không gian mạng là một yêu cầu cấp thiết góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm, sai trái thù địch.
“Thế trận lòng dân” trên không gian mạng là sự tin tưởng của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; quản lý, điều hành của Nhà nước về phát triển, vận hành trong sạch, lành mạnh không gian mạng; là phương thức, động lực phát triển kinh tế, xã hội và các vấn đề xã hội trên không gian mạng mà không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
Sự tin tưởng hay niềm tin đó sẽ tạo thành tình yêu quê hương, đất nước, tạo động lực thúc đẩy tinh thần đoàn kết, gắn bó của các tầng lớp Nhân dân trên không gian mạng, tạo thành sức mạnh tổng lực sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Trên môi trường internet, đặc biệt là trên mạng xã hội, mỗi tài khoản của công dân Việt Nam, đặc biệt là cán bộ và đảng viên, đóng vai trò quan trọng trong thế trận quốc phòng trên không gian mạng. (Ảnh: Tạp chí Cộng sản)
Ngày nay, với sự phát triển tất yếu của khoa học công nghệ và internet đã tạo ra môi trường không gian mạng rộng lớn, mang lại nhiều lợi ích thiết thực nhưng cũng tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các thế lực thù địch đang lợi dụng triệt để môi trường không gian mạng để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
Đứng trước tình hình đó, ngày 25/7/2018, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Đến ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” trong đó đáng chú ý là quan điểm: Gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả; nâng cao khả năng tự phòng, chống của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trước âm mưu, thủ đoạn và hoạt động của các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị.
Do đó, xây dựng “Thế trận lòng dân” trên môi trường không gian mạng chính là góp phần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy hoa tươi đè cỏ dại”. Cái đẹp, cái tốt vươn lên mạnh mẽ thì cái xấu, cái ác sẽ bị đẩy lùi, suy yếu góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch một cách hiệu quả. Để làm được điều này, chúng ta cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tích cực tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của việc xây dựng “Thế trận lòng dân” trên môi trường không gian mạng
Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 25/7/2018, Bộ Chính trị (khóa XII) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng nhấn mạnh việc xây dựng và củng cố thế trận quốc phòng toàn dân truyền thống và đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng thế trận quốc phòng trên không gian mạng.
“Thế trận lòng dân” trên môi trường không gian mạng chính là “lan tỏa” tinh thần yêu nước, tình đoàn kết gắn bó, khát vọng độc lập tự do, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Do đó, để xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng thì người dân phải là chủ thể, mọi người dân phải có trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia.
Trên môi trường internet, đặc biệt là trên mạng xã hội, mỗi tài khoản của công dân Việt Nam, đặc biệt là cán bộ và đảng viên, đóng vai trò quan trọng trong thế trận quốc phòng trên không gian mạng. Mỗi tài khoản có thể đóng góp tích cực và trở thành một chiến sĩ, một đơn vị chiến đấu trên không gian mạng. Việc bố trí các tài khoản và hệ thống kênh truyền thông trên không gian mạng tương đương với việc xây dựng khu vực phòng thủ trên không gian mạng.
Cần tích cực tuyên truyền để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân phải có ý thức rèn luyện, nâng cao khả năng “tự bảo vệ”, tăng cường “sức đề kháng” trước tác động của thông tin xấu độc, quan điểm sai trái thù địch trên không gian mạng. Khi đó mỗi tài khoản của cán bộ, đảng viên và nhân dân sẽ là một phần trong thế trận quốc phòng trên không gian mạng. Mỗi bài viết tuyên truyền, đấu tranh phản bác như những viên đạn bắn vào kẻ thù, vào các thế lực thù địch. Và đó cũng chính là sức sống của Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã được phát động đến lần thứ Tư năm 2024.
“Thế trận lòng dân” trên môi trường không gian mạng chính là “lan tỏa” tinh thần yêu nước. (Ảnh: VOV)
Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Điều này bao gồm việc xác định chính sách, pháp luật quản lý hoạt động trên không gian mạng; các bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng; xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong bảo vệ an ninh mạng và có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm.
Rà soát, quy hoạch lại các cơ sở hạ tầng cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, bảo đảm hiệu quả ngăn chặn tấn công mạng và chặn, lọc thông tin gây nguy hại đến an ninh quốc gia; các cổng kết nối quốc tế phải kết nối với hệ thống tường lửa quốc gia. Tập trung quản lý chặt chẽ các dịch vụ thông tin di động và các loại hình thông tin trên mạng, đặc biệt là các mạng xã hội, trang thông tin điện tử, blog hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Ba là, phát huy tốt vai trò của lực lượng chuyên trách kết hợp với tăng cường đầu tư cơ sở vật chất
Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin thì việc làm chủ không gian mạng ngày càng trở nên cấp thiết. Các thế lực thù địch ở trong nước và ngoài nước thường xuyên sử dụng mạng xã hội để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Các đài VOA, RFI, RFA, BBC trước đây sử dụng sóng radio để phát sóng vào nước ta, điều này đã bị hạn chế một phần về việc tiếp cận người nghe.
Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển của công nghệ thông tin và kỹ thuật số, khả năng chống phá đã tăng lên nhiều lần. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có thể truyền tải thông tin “xấu, bẩn, độc” đến hàng vạn người nghe, người xem trên khắp thế giới.
Trên các trang thông tin tiếng Việt của VOA, BBC, RFI, RFA cũng như một số trang mạng Facebook, Youtube, Twitter của các tổ chức Việt Tân, Triều đại Việt, Tiếng dân, Hội anh em dân chủ… thường tổ chức những cuộc bàn tròn, đối luận, bình luận, hội luận, mà các đối tượng thường sử dụng những thông tin, sự kiện có thật, nhưng được sửa chữa và thêm thắt nhiều tình tiết ngụy tạo, bóp méo, rồi tung ra như dạng thông tin chính thống.
Những thủ đoạn kiểu này thường được thực hiện theo kịch bản dàng dựng công phu để khi tiếp cận, không chỉ người trẻ thiếu hiểu biết, người dân nhận thức hạn chế mà cả những người có học vấn cao, thậm chí một số ít cán bộ trung, cao cấp nghỉ hưu cũng có thể bị mắc lừa.
Do đó, công tác đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ngày càng cam go, phức tạp hơn, đòi hỏi lực lượng tham gia trận tuyến này phải có trình độ cao về khoa học công nghệ. Cần xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, phát triển đội ngũ chuyên gia giỏi, đạo đức tốt làm việc cho các cơ quan nhà nước và tham gia bảo vệ an ninh mạng.
Bên cạnh đó, cần có những chính sách quan tâm, đầu tư, tăng cường tiềm lực bảo đảm an ninh mạng, phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho lực lượng chuyên trách chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, vô hiệu hóa từ xa các hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Để xây dựng "thế trận lòng dân" trên không gian mạng, mỗi người dân phải là chủ thể và có trách nhiệm tham gia, trong đó quân đội đóng vai trò nòng cốt. (Ảnh: Hà Quốc Thái)
Bốn là, phát huy tốt vai trò của quân đội trong xây dựng "Thế trận lòng dân" trên không gian mạng
Với tinh thần "một cây không làm nên chẳng thành non, ba cây chụm lại thành núi cao", để xây dựng "thế trận lòng dân" trên không gian mạng, mỗi người dân phải là chủ thể và có trách nhiệm tham gia, trong đó quân đội đóng vai trò nòng cốt. Khi đó, cán bộ, chiến sĩ trong quân đội và nhân dân đóng vai trò "tai mắt" của Đảng, chính quyền và các tổ chức trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng và đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái và thù địch.
Chỉ có cán bộ, chiến sĩ và người dân- những người luôn có mặt ở mọi nơi, mọi lúc và tiếp xúc với mọi đối tượng, cũng như sử dụng đa dạng các phương tiện thông tin và truyền thông - có thể dễ dàng phát hiện và nhận diện các đối tượng, nội dung và phương thức chống phá từ các thế lực thù địch trong lĩnh vực tư tưởng và lý luận. Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng phải đẩy mạnh đấu tranh phòng chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, kết hợp với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái và thù địch.
Ngoài ra, cần nâng cao ý thức tự giác, rèn luyện và tăng cường khả năng tự bảo vệ, sức đề kháng trước thông tin xấu độc và quan điểm sai trái trên không gian mạng. Đồng thời, cần chủ động tham gia đấu tranh, gỡ bỏ và triệt phá các thông tin xấu độc trên không gian mạng, và luôn nâng cao tinh thần yêu nước, đoàn kết gắn bó và niềm tin vào lãnh đạo của Đảng và quản lý điều hành của Nhà nước. Tất cả những nỗ lực này sẽ góp phần củng cố và xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân và "thế trận lòng dân" ngày càng vững chắc trong tình hình mới.