Theo số liệu thống kê của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, đến năm 2020, nước ta có khoảng 1,75 triệu trẻ em khuyết tật. Đối tượng học sinh thiệt thòi thuộc nhóm yếu thế gồm trẻ em là con em gia đình nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em bị các dạng tật.
Tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Hồng Thuận, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nêu những yếu tố cản trở trẻ em yếu thế đến trường và được hòa nhập ở môi trường học đường, trong đó điều kiện kinh tế khiến trẻ không được đến trường. Nhiều hộ gia đình do điều kiện kinh tế khó khăn, con cái đang ở độ tuổi đi học nhưng phải tham gia lao động, phụ giúp gia đình. Thậm chí nhiều em là chủ lực lao động kiếm sống trong gia đình. Do vậy, các em không có cơ hội được đến trường, hoặc phải nghỉ học sớm. Số học sinh này nằm chủ yếu tập trung ở vùng cao, sâu, khó khăn và là dân tộc thiểu số.
Quang cảnh buổi toạ đàm.
"Đây cũng là nhóm học sinh dễ bị tổn thương bởi tác động của đại dịch COVID-19. Thời gian đóng cửa trường học do giãn cách xã hội đã gây ra việc trẻ em không thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế và bảo vệ quan trọng cũng như các bữa ăn trợ cấp trong trường học. Hơn nữa, COVID-19 cũng khiến trẻ em bỏ học do các em phải theo cha mẹ đi tìm cơ hội việc làm ở những địa điểm khác", PGS.TS Nguyễn Hồng Thuận chia sẻ.
Nhiều em đến trường nhưng cảm giác môi trường đó không dành cho mình, để các em được trải nghiệm cảm giác an toàn, thoải mái, tự tin khi tham gia các hoạt động ở trường học và được phát triển bản thân.
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng mô hình trường học an toàn, hoà nhập cho nhóm học sinh yếu thế trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Ngợi, Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp nêu các mô hình hiệu quả. Đó là quy trình xử lý bạo lực học đường; Xây dựng chương trình phòng ngừa và can thiệp học sinh yếu thế; Xây dựng góc học tập tại nhà Giúp bạn khó khăn có thẻ Bảo hiểm y tế; Cùng con đến trường; Bàn trà phụ huynh; Giáo dục kiến thức pháp luật cho học sinh; Loa an ninh học đường; Bạn nhắc bạn;...
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại toạ đàm.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho hay, hiện gần như tại mỗi trường học đều có nhóm học sinh yếu thế. Đó là những học sinh: Khuyết tật, hay khiếm khuyết về năng lực, trí não, mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh nan y, hoặc có những đặc điểm tâm sinh lý khác thường khiến không phát triển bình thường như trẻ cùng lứa tuổi (như bị tự kỷ, tăng động,…), bị tai nạn nghiêm trọng, mồ côi, thuộc gia đình nghèo, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn...
Vì vậy, các nhà trường rất cần các hoạt động trợ giúp mang tính chuyên nghiệp để phòng ngừa, hỗ trợ, phục hồi những tổn thương về tinh thần, hỗ trợ vật chất để các em học sinh có môi trường học tập an toàn, thân thiện và các em được hòa nhập trong môi trường giáo dục một cách tốt nhất.
Việc xây dựng mô hình trường học an toàn, thân thiện, hoà nhập cho nhóm học sinh yếu thế là hướng đi đúng, trúng, góp phần thúc đẩy giáo dục toàn diện. Quá trình xây dựng mô hình này cần sự vào cuộc của các cấp uỷ, chính quyền địa phương, UBND các tỉnh và vai trò tham mưu của Sở GD&ĐT các địa phương.
Thời gian tới, Sở GD&ĐT, các trường cần quan tâm triển khai, phát huy mô hình trường học an toàn, thân thiện, hoà nhập cho nhóm học sinh yếu thế. Trong đó, hỗ trợ học liệu cho các nhóm yếu thế; quan tâm, trao đổi thường xuyên với phụ huynh, học sinh.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh lưu ý tiếp tục đánh giá các nguy cơ, rào cản và giải pháp xoá bỏ rào cản để giúp các nhóm học sinh yếu thế hoà nhập trong trường học. Hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học phải được xây dựng bài bản và quan tâm sâu sát hơn nữa. Tăng cường giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh để góp phần xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, không bạo lực trong trường học.